Sản xuất lúa giống chất lượng cao
Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong, đặt tại huyện Thanh Bình - Đồng Tháp được thành lập và hoạt động từ giữa năm 2017 đã cho ra những giống lúa chất lượng cao phục vụ nhu cầu giống cho bà con nông dân trong tỉnh và cả khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ.
Ông Tấn bên điểm thực nghiệm giống lúa DTS9
Ông Hoàng Văn Tấn - Giám đốc Trại Thực nghiệm An Phong cho biết: Trại trực thuộc Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp. Hiện trại có 13 cán bộ và nhân viên, quản lý trồng diện tích 8ha. Trong đó, có 7ha sản xuất hơn 10 loại giống lúa và 1ha sản xuất hoa màu các loại. Hơn 10 loại giống lúa nguyên chủng đã được Trại hợp tác với các Cty, Câu lạc bộ giống và HTX sản xuất và 2 loại giống đặc sản DTS 9 và DTS 19 của tỉnh Đồng Tháp đang được Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao thuộc Sở NN-PTNT Đồng Tháp đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận.
Vụ ĐX 2017 - 2018, Trại đã sản xuất ba loại giống lúa siêu nguyên chủng là OM 7347, OM 5451 và IR 13240-108 trên diện tích 5.000m2, cung cấp cho nông dân hơn 2 tấn lúa giống để canh tác trên 30ha. Ba loại giống lúa này có đặc tính kháng sâu bệnh, dễ canh tác và rất thích hợp với thời tiết, đất đai ở đồng bằng Nam Bộ và vùng Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, Trại cũng đã trình diễn thành công 23 giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL. Các giống lúa phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Trong đó, có 4 giống lúa cho sản xuất thử nghiệm trong vụ lúa HT năm nay. Ngoài ra, Trại còn trình diễn 4 giống ớt và sản xuất thành công 6 công bắp ngọt.
Riêng trong vụ HT 2018 này, Trại đang sản xuất 7 loại lúa giống chủ lực trên diện tích 6,2ha gồm: OM 4900, OM 7347, OM 5451, OM 576, BC 15, IR 50404... Bên cạnh đó, Trại còn tổ chức phục tráng giống lúa như: chọn bông G0, Ruộng QSG1 và Ruộng QSG2…
Ông Hoàng Văn Tấn cho biết: Trong quá trình sản xuất lúa giống, chúng tôi áp dụng việc cấy lúa chứ không sạ lan và áp dụng IPM, thực hiện chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm để giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và nâng cao chất lượng lúa giống. Nhiều nông dân trong và ngoài huyện Thanh Bình, rất an tâm khi chọn các loại giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận của Trại để canh tác trên đồng ruộng nhà mình. Đa số nông dân mua và sử dụng giống lúa của Trại đều đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Thâm, nông dân ở ấp 3, xã An Phong canh tác 3ha ruộng đều chọn các loại giống lúa của Trại để sử dụng nhiều vụ lúa vừa qua. Trước đây, anh Thâm chọn giống lúa VD 20 và thời gian gần đây sử dụng giống lúa OM6976 cấp xác nhận.
Anh Thâm cho biết: Đây là loại giống lúa kháng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, kháng rầy, ít bị sâu bệnh tấn công; lúa cứng cây, chống chịu được mưa to, gió lớn, ít bị đổ ngã, bông to, hạt đều… Năng suất bình quân vụ ĐX đạt 8,5 tấn/ha, vụ HT dao động mức 4,5 tấn/ha.
Toàn cảnh trại giống thực nghiệm An Phong
Sản phẩm sau thu hoạch rất dễ bán và giá bán cao. Anh Thâm tiếp tục sử dụng giống lúa OM6976 cấp xác nhận của Trại trên 3ha ruộng của mình trong vụ ĐX 2017 - 2018 và đã gặt hái thành công.
Anh Thâm bày tỏ thêm: “Vụ HT 2018, tôi đã chuyển sang sử dụng giống lúa siêu nguyên chủng OM 5451 do Trại cung cấp. Loại giống này có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 90 - 95 ngày), bộ rễ phát triển mạnh, năng suất có thể đạt tới 9 tấn/ha, chất lượng lúa cao, chi phí đầu tư thấp và bán được giá, tăng thu nhập cho gia đình… Trà lúa đang phát triển tươi tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu”.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp cho biết: Cty đã xây dựng mạng lưới sản xuất giống lúa nguyên liệu trên 811ha. Trong đó, có 768,67ha sản xuất giống lúa xác nhận và 43,15ha sản xuất giống lúa nguyên chủng. Cty xác định 11 giống lúa chủ lực gồm nhóm giống lúa chất lượng cao là OM 4900, OM 5451, OM 7547, OM 6162; VD 20, Jasmine 85... Chất lượng các loại giống lúa của Cty xuất bán đảm bảo an toàn, tạo điều kiện cho nông dân an tâm sử dụng.
Có thể bạn quan tâm
Bà Trương Thị Hồng Giang, giảng viên khoa Kinh tế – luật, ĐH Trà Vinh, muốn trải nghiệm độ “gập ghềnh” của hành trình khởi nghiệp, với mô hình trồng măng tây
Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng trồng 2 năm liên tiếp với diện tích 3ha, mật độ gieo 25kg hạt giống/ha, tỷ lệ nẩy mầm đạt 99%.
Cô gái nhỏ nhắn Đào Thị Thùy Linh, sinh năm 1993, ở thôn 7, xã Thuận Hà (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) quyết định về nhà xây dựng mô hình nuôi gà Đông Tảo.