Khởi nghiệp từ măng tây
Không chờ tiền từ trên trời rơi xuống cho khởi nghiệp, bà Trương Thị Hồng Giang, giảng viên khoa Kinh tế – luật, ĐH Trà Vinh, muốn trải nghiệm độ “gập ghềnh” của hành trình khởi nghiệp, với mô hình trồng măng tây trên đất giồng cát bằng chính nguồn tiền riêng.
Hành trình…
“Hồi trước, những nông dân làm rẫy ở Trà Cú, Duyên Hải (Trà Vinh) thu hoạch măng tây rất ngon, nhưng không tìm được đầu ra, nên khi trở lại rủ bà con trồng thì măng tây đã rụi hết”, bà Giang kể. Phải mất hai năm bà Giang mới có thể ngồi nói chuyện với người trồng về những con số chi phí lợi ích từ mô hình 2ha trồng măng tây. Giá măng tây giống là 7.000 đồng/cây, mỗi ha trồng được 20.000 cây. Gần như ngày nào cũng thu hoạch. Măng tây, nếu chăm sóc đúng cách có thể thu hoạch trong vòng 5 – 10 năm.
Để trồng măng tây, phải có phân hữu cơ, mà ở vùng đất này là phân bò. Nguồn phân bò từ những nông trại nuôi bò nhỏ lẻ của bà con Khmer, muốn gom không phải dễ, nhưng với vợ chồng bà Giang, coi việc thu gom phân bò là cơ hội chuyện trò, giải thích, thậm chí “lôi kéo” người dân cùng trồng măng tây.
Bà Giang lý giải: “Do chất đất và quy trình canh tác sử dụng phân hữu cơ, nên măng tây đất giồng cát có vị ngọt tự nhiên, giòn, căng tròn; chứ không khẳng khiu như măng tây trên thị xã Trà Vinh”. Để người tiêu dùng chú ý tới nguồn hàng này, bà Giang thuê nhà kho, mua phân bò cấy vi sinh để làm phân hữu cơ, ương cây giống cung cấp cho nông dân…
Nhưng bán ở đâu?
Măng tây giồng cát ngon, nhưng bán ở đâu?Không bán được, trồng làm gì? Giang nhờ bạn bè ở TP.HCM nhận măng tây từ Trà Vinh về bán. Giá mua tại gốc là 55.000 đồng/kg.Trong khi đó, giá măng tây bán tại các siêu thị ở Trà Vinh là 171.000 đồng/kg loại 1, 148.000 đồng/kg loại 2.
Vậy tại sao các siêu thị không mua măng tây của mình?Phải chăng là số lượng cung ứng quá nhỏ nên họ chưa chịu lấy hàng? Với thực lực tài chính chỉ có thể làm 2ha, bà Giang đã thuyết phục nhiều nông dân cùng tham gia mô hình măng tây.
Để thuyết phục nông dân chuyển đổi sang mô hình trồng măng tây, bà Giang chia sẻ những thông tin thực tế: ít nhất phải đầu tư 400 triệu đồng/ha. Với giá bao tiêu 55.000 đồng/kg, người trồng thu được khoảng 160 triệu đồng trong năm đầu tiên. Sau hai năm, cứ 1 đồng vốn được 1 đồng lời. “Nhiều nông dân nói, tui nói rất hay; nhưng nông dân Trà Cú, Duyên Hải lấy đâu ra vốn để đầu tư?”, bà Giang nói.
Bà Giang đang tìm vốn cho nông dân. Nhưng muốn thu hút được vốn, phải hoàn thiện mô hình hiệu quả để chứng minh. Dựa vào nguồn vốn gia đình, bà Giang thuê đất trồng măng tây để thuyết phục nông dân và cả những nhà đầu tư. Bà thú thiệt, khi truyền thông điệp tới người tiêu dùng, truyền lửa cho người trồng, nhiều lúc bà thấy “oải”, nhưng nghĩ đến chuyện tương lai, bà tự động viên mình, ráng lên.
Cách làm thực tế như mô hình trồng măng tây hiện nay đã từng giúp bà Giang và gia đình thành công, khi tham gia chuỗi giá trị lúa gạo ở Cồn Chim (Châu Thành, Trà Vinh). Từ nguồn thu này, bà Giang nhóm lên ngọn lửa cho măng tây… “Hiện nay, tôi đã kiểm soát được quy trình kỹ thuật, cây giống, vật tư đầu vào và chủ động cung ứng sản phẩm thương mại (gạo hữu cơ và măng tây) cho bạn bè bán lẻ. Nhưng nhãn mác, quy cách đóng gói vẫn còn lôi thôi, vẫn phải tìm tòi, vẫn học để có thể chia sẻ với các sinh viên có tinh thần khởi nghiệp”, bà Giang tự biết những điểm yếu của mình.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh, Bền Chí Thịnh về quê khởi nghiệp với dược liệu rừng, đạt doanh thu cả tỉ đồng/năm.
Xu hướng tất yếu phát triển nông nghiệp phải loại bỏ dần thói quen sử dụng phân hoá học, chuyển sang phân hữu cơ vi sinh.
Thực hiện thành công mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trồng rừng kinh tế. Tổng thu nhập của gia đình đạt khoảng 150 triệu đồng