Sản xuất lúa chất lượng gắn với thị trường tiêu thụ
Vụ xuân 2019, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV triển khai mô hình SX giống lúa thuần chất lượng HDT10 theo hướng làm hàng hoá quy mô tập trung gắn với thị trường tiêu thụ.
Lúa thơm HDT10 được mùa trên đồng đất Thanh Liêm.
Với quy mô 10ha, mô hình được triển khai tại cánh đồng 42, thôn 2 Tâng, xã Thanh Hương; sử dụng giống Bắc thơm số 7 để làm đối chứng so sánh
Doanh nghiệp phối hợp cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội. Mô hình được gieo cấy ở trà xuân muộn bằng hình thức gieo sạ, với mật độ trung bình 80 - 100 cây/m2.
Để đạt hiệu quả cao, mô hình đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho cán bộ hợp tác xã, các hộ nông dân trong mô hình; phát quy trình kỹ thuật cho từng hộ…
HDT10 là giống lúa thơm được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính, chọn kiểu gen thơm bằng chỉ thị phân tử ADN. Giống cảm ôn, có thể gieo trồng 2 vụ/năm (vụ xuân muộn và mùa sớm), đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức từ tháng 1/2019.
Qua theo dõi mô hình cho thấy: Giống HDT10 có tỷ lệ nảy mầm cao (>95%), sức sống tốt, thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân 106 ngày), ngắn hơn 5 ngày so với giống Bắc thơm số 7. Thời gian lúa trỗ tập trung 4 - 5 ngày, giúp cây lúa tránh được diễn biến bất thuận của điều kiện thời tiết vào giai đoạn trỗ bông.
Về khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh, HDT10 nhiễm bệnh khô vằn nhẹ hơn so với đối chứng, bệnh xuất hiện muộn hơn và phát triển chậm: Ở giai đoạn phát triển đòng, tỷ lệ bệnh là 11,0%, chỉ số bệnh 2,2%; giai đoạn lúa chín sữa, tỷ lệ bệnh 17,0%, chỉ số bệnh 3,2%.
HDT10 có khả năng chống chịu tốt với bệnh bạc lá, giai đoạn lúa chín sữa chưa phát hiện thấy bệnh phát sinh gây hại. Các dịch hại khác như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu so với đối chứng Bắc thơm số 7 là tương đương. Trong vụ, giống HDT10 phun thuốc trừ dịch hại (cỏ, ốc bươu vàng…) 2 lần, ít hơn 1 lần so với ruộng đối chứng.
Về năng suất, so với giống Bắc thơm số 7, HDT10 có số bông/m2 nhiều hơn 12 bông; số hạt chắc/bông nhiều hơn 11 hạt; tỷ lệ hạt chắc cao hơn 4,1%. Năng suất thực thu của giống HDT10 đạt 228,8kg/sào (63,6 tạ/ha), cao hơn đối chứng 19,3%.
Về hiệu quả kinh tế, trong cùng điều kiện, SX bằng giống HDT10 so với Bắc thơm số 7 chi phí thấp hơn 24.500 đồng/sào, nhờ việc giảm công phun thuốc BVTV và lượng thuốc, năng suất lại cao hơn nên có lãi cao hơn đối chứng 214.800 đồng/sào, tương ứng gần 6 triệu đồng/ha.
Toàn bộ số lúa SX được Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội thu mua với giá dự kiến 6.700 đồng/kg thóc khô.
Việc thực hiện thành công mô hình ứng dụng giống lúa mới HDT10 theo hướng SX hàng hoá, quy mô tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,8 lần so với cấy giống cũ. Đây là hình thức không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa thay đổi cách thức SX gắn liên kết theo chuỗi giá trị.
Có thể bạn quan tâm
Nhu cầu nước trung bình hàng ngày là khoảng 30 kg đối với tất cả các loại bò và khoảng 4 kg đối với cừu và dê.
Thời tiết nắng nóng kéo dài thường khiến vật nuôi mệt mỏi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, giảm lượng sữa, trứng… Vì vậy, cần có kế hoạch đảm bảo an toàn cho gia súc
Nhiều nghiên cứu và điều tra cho thấy các chất chiết thực vật phytogenic đặc trưng áp dụng trong dinh dưỡng gia súc, gia cầm cho những kết quả khích lệ.