Sản xuất khoai tây giống vụ xuân
Khoai tây, thứ cây trồng tưởng như chỉ trồng được ở vụ đông nhưng đã được chứng minh ở Hà Nội rằng hoàn toàn có thể SX trong vụ xuân với lợi nhuận gấp 5 lần so với cấy lúa…
SX khoai tây giống ở HTX Hương Ngải (Thạch Thất)
Hà Nội hiện có trên 200.000 ha lúa hàng năm nhưng diện tích trồng cây vụ đông trên đất hai vụ lúa mới chỉ đạt khoảng 40 - 50%.
Những năm gần đây nhờ có tiến bộ kỹ thuật mới trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu vừa dễ làm, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết lại tận dụng được nguồn rơm rạ dư thừa, cho năng suất, hiệu quả cao nên diện tích mở rộng khá nhanh.
Đến lúc này lại vấp phải một khó khăn là khâu giống. Không như những đối tượng cây trồng khác, khoai tây cần một lượng giống cực lớn trên cùng một đơn vị diện tích (30 - 40 kg/sào).
Trong khi đó, nguồn giống khoai chủ yếu phải nhập từ nước ngoài, giá đã cao lại không chủ động được về số lượng cũng như chất lượng. Nhu cầu giống rất cao dẫn đến hiện tượng để khoai tây thương phẩm lại làm giống hoặc trà trộn khoai tây chất lượng kém vào.
Chính vì thế mà vụ xuân 2015, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã mạnh dạn tổ chức mô hình SX giống khoai tây giống để phục vụ cho mở rộng diện tích khoai tây thương phẩm ở vụ đông.
Quy mô của mô hình gồm 28 hộ trên 8 ha ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất với toàn bộ là giống khoai tây Marabel nhập khẩu. Điều thú vị là tất cả các khâu từ làm đất, lên luống, vét rãnh, lấp đất trong mô hình đều được tiến hành hoàn toàn bằng máy để giảm thiểu ngày công lao động nặng nhọc cho bà con nông dân.
Khoai tây vốn là loại cây trồng ưa lạnh nên hiển nhiên trồng ở vụ xuân sẽ gặp phải một số khó khăn. Khung thời vụ đòi hỏi phải khắt khe hơn vụ đông, phải trồng sớm từ cuối tháng 12 năm trước.
Về mặt xã hội cũng như môi trường, SX khoai tây giống vụ xuân giúp nâng cao nhận thức cho nông dân, chủ động được nguồn giống chất lượng. Mở rộng diện tích trồng khoai tây vụ xuân trên chân đất cao hạn, cấy lúa kém hiệu quả không những nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn tiết kiệm được một lượng nước tưới đáng kể. Ngoài ra, trồng khoai tây đã tận dụng nguồn rơm rạ dư thừa làm phân bón, làm che phủ hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, trả lại cho đất chất hữu cơ.
Trồng sớm thời kỳ đầu tuy có nhược điểm là cây mọc chậm song điều kiện thời tiết còn lạnh, thuận lợi cho việc hình thành và phát triển củ, cho năng suất cao. Nếu trồng muộn, gặp thời tiết ấm, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm thấp sẽ làm cho năng suất giảm. Mặt khác trồng muộn, thu hoạch muộn nếu gặp mưa sớm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng củ giống.
Việc phòng trừ sâu bệnh là một trong những yếu tố quan trọng sống còn của khoai tây xuân, đặc biệt lưu ý đến chuột hại và bệnh mốc sương. Cần tiến hành đánh chuột đồng loạt ba lần bằng thuốc Rat-K trộn với thóc mầm và phun phòng bệnh mốc sương bằng thuốc Daconil 75WP và thuốc Rixadomil định kỳ 7 ngày/lần.
Thời tiết vụ xuân 2015 ấm có ngày lên đến 30 độ C, ẩm độ cao không thuận lợi cho cây khoai tây sinh trưởng và phát triển. Bởi thế mà với năng suất thu được 800 kg/sào hay 22 tấn/ha đã là một thành công rất lớn.
Nó chứng tỏ một điều rằng kể cả trong điều kiện thời tiết bất thuận đi chăng nữa với sự chỉ đạo sát sao của cán bộ kỹ thuật, sự tuân thủ quy trình của các hộ nông dân tham gia, trồng khoai tây ở vụ xuân vẫn không phải là một nước cờ mạo hiểm. Nó còn là tiền đề để vụ xuân tới Hà Nội có thể tự tin mở rộng diện tích khoai tây giống.
Khoảng 60 - 70% củ đạt tiêu chuẩn làm giống với giá bán 9.000 đ/kg và 30 - 40% khoai tây thương phẩm với giá bán 10.000 đ/kg, theo tính toán, lợi nhuận thu được của mô hình đạt 135 triệu đ/ha. Trong khi đó, so với giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7 lợi nhuận thu về cũng chỉ đạt 22,5 triệu/ha.
Như vậy hiệu quả của mô hình trồng khoai tây vụ xuân cao hơn 5 lần so với trồng lúa và cao hơn nhiều so với trồng khoai tây vụ đông vì giá bán tốt hơn.
Hiện tại ở Hương Ngải cũng đã có sẵn một kho lạnh để trữ giống. Hiệu quả trữ cao hơn nhiều so với để giống từ vụ đông do chi phí kho lạnh thấp hơn (thời gian lưu giữ trong kho ngắn hơn, ít tốn điện đồng thời giảm hư hao hơn).
Có thể bạn quan tâm
Khoai tây từng là cây vụ đông chủ lực ở các tỉnh phía Bắc, nhưng thị trường thiếu ổn định, giá cả phập phù, chi phí SX và công lao động quá lớn...
Khoai tây thuộc nhóm cây trồng vụ đông ưa lạnh, ngắn ngày (85 - 95 ngày), thích hợp trên chân đất sau thu hoạch vụ lúa mùa.
Một số bệnh khoai tây vụ đông hay mắc phải là bệnh mốc sương, bệnh héo xanh vi khuẩn, bệnh ghẻ củ, bệnh khảm do virus...