Sản Xuất Giống Và Phát Triển Nuôi Thương Phẩm Cá Chim Vây Vàng Tại Việt Nam
Cá chim vây vàng Trachinotus blochii (Lácepède, 1801) là loài cá nổi, ưa hoạt động, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt, dễ nuôi, có thể phát triển với quy mô công nghiệp - nuôi bằng lồng hoặc trong ao đất ở các thủy vực nước lợ và nước mặn.
Là đối tượng có tốc độ tăng trưởng nhanh (sau 10-12 tháng sẽ đạt cỡ thương phẩm 800 - 1.000 g), đem lại giá trị kinh tế, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nguồn giống sản xuất trong nước chiếm từ 50-60%, còn lại phải nhập từ Đài Loan, Trung Quốc.
Thời gian qua, cá chim vây vàng giống (cỡ 3-3,5 cm) có giá nhập khẩu rất cao (từ 4.000-5.000 đồng/con). Việc vận chuyển cá giống với quãng đường xa, thời gian vận chuyển kéo dài đã khiến cá suy yếu, tỷ lệ sống thấp.
Chính vì vậy, từ giữa những năm 2000, một số đơn vị như trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và trường Cao đẳng Thủy sản Bắc Ninh đã thực hiện các công trình nghiên cứu để chủ động sản xuất giống cá chim vây vàng trong nước, giúp hạ giá thành sản xuất. Hiện giá cá giống mà trường Đại học Nha Trang đang áp dụng thấp hơn giá cá nhập khẩu (bằng khoảng 2/3 giá nhập khẩu).
Hơn nữa, cá giống được sản xuất ở trong nước khi tiến hành nuôi thương phẩm, thường thích nghi tốt hơn, khỏe mạnh hơn. Nhờ đó, đạt tỷ lệ sống cao hơn so với cá nhập ngoại.
Tuy việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm tại Việt Nam muộn hơn các nước nhưng đối tượng này đang được phát triển rất nhanh tại Việt Nam, thể hiện qua số lồng và diện tích ao nuôi thương phẩm tăng lên nhanh chóng (đặc biệt là khu vực Nam Trung bộ, nơi có điều kiện sinh thái và tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi cá biển).
Với gần 10 năm nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm, các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhằm đẩy mạnh sản lượng cá giống cung cấp cho thị thường.
Hiện tại, trường Đại học Nha Trang đã chuyển giao công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá chim vây vàng cho nhiều cơ sở sản xuất giống cá biển ở khu vực Nam Trung Bộ và một số cơ sở khác trên cả nước. Bên cạnh đó, trường cũng đang triển khai nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm với nhiều hình thức, trong đó có hình thức nuôi với quy mô công nghiệp (hiện đang trở thành thương hiệu của khu vực Nam Trung Bộ).
Năm 2009, trường Đại học Nha Trang đã nghiên cứu thành công kỹ thuật sản xuất giống cá chim vây vàng và nhanh chóng phát triển, mở rộng sản xuất đối tượng này. Kết quả là: Năm 2010, sản lượng đạt khoảng 300 nghìn con (cỡ 3-5 cm), ba năm tiếp theo, mỗi năm sản xuất gần 1 triệu con.
Dự kiến trong năm 2014 sẽ sản xuất được 1,2 triệu con cá giống cung cấp cho các cơ sở nuôi thương phẩm đã đặt hàng. Bên cạnh việc tự sản xuất giống, cung cấp cho thị trường, trường Đại học Nha Trang còn cung cấp trứng cá chim vây vàng và tư vấn kỹ thuật cho một số cơ sở ở trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa, giúp các cơ sở này sản xuất được 300 nghìn con cá giống (năm 2012), 1 triệu con (năm 2013) và dự kiến đạt 1,5 triệu con (năm 2014).
Với nhu cầu giống cá chim vây vàng nuôi thương phẩm của cả nước (đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ) ngày càng tăng, nhiều cơ sở sản xuất giống đã tích cực tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá này.
Phát triển nuôi thương phẩm cá chim vây vàng
Trên thế giới, nghề nuôi cá biển luôn đem lại những kết quả to lớn. Thành công của nhiều nước trong lĩnh vực này đã thúc đẩy những nước có biển tích cực nuôi thương phẩm các loài cá có giá trị kinh tế cao (trong đó có cá chim vây vàng). Là một nước có tiềm năng phát triển nghề nuôi biển (với đường bờ biển dài hơn 3.200 km trải dài từ Bắc vào Nam, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trên 400 nghìn ha mặt nước ven biển, có nhiều eo vịnh, đầm phá... có khả năng sử dụng để nuôi trồng thủy sản); Trước đây, Việt Nam chủ yếu nuôi cá chim vây vàng bằng lồng. Những năm gần đây, Việt Nam còn nuôi cá trong ao đất (được tận dụng từ các ao nuôi tôm bỏ hoang do dịch bệnh).
Năm 2012, trường Đại học Nha Trang đã thành công trong việc nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng bằng thức ăn tổng hợp. Vì vậy, năm 2014, trường đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài cá này tại hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Bình.
Về sản lượng cá nuôi thương phẩm tại Việt Nam: Năm 2010, tại Khánh Hòa, hình thức nuôi lồng chỉ đem lại vài tấn cá, được tiêu thụ trong nước. Năm 2011, tại Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng với hình thức nuôi lồng, thu hoạch hơn 100 tấn, tiêu thụ trong nước. Nhưng bắt đầu từ năm 2012, địa bàn nuôi cá chim vây vàng được mở rộng đến các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau... với 02 hình thức nuôi lồng và nuôi trong ao đất, đem lại từ 200-300 tấn cá, tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang một số thị trường (như: Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc). Năm 2014, sản lượng dự kiến đạt trên 400 tấn.
Có thể trong tương lai, cá chim vây vàng sẽ trở thành đối tượng nuôi chính tại một số địa phương có tiềm năng phát triển nuôi biển. Hiện nay, tại Việt Nam, rất nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư nuôi cá biển với quy mô công nghiệp - nuôi bằng lồng của Na Uy, thể tích lớn, công nghệ hiện đại. Tại Bình Định, Dự án Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đầu tư 02 lồng. Tại Phú Yên, một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã đầu tư 25 lồng Na Uy để nuôi cá giò (cá bớp). Tại Khánh Hòa, một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã đầu tư 140 lồng Na Uy để nuôi cá giò và cá chim vây vàng.
Ở miền Bắc, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 được sự tài trợ của Dự án NORAD cũng đã nuôi 06 lồng cá chim vây vàng. Ngoài ra, có rất nhiều doanh nghiệp và ngư dân vẫn duy trì hình thức nuôi cá biển bằng lồng nuôi truyền thống (với số lượng lên đến hàng nghìn lồng). Nhìn chung, nghề nuôi biển tại Việt Nam phát triển khá mạnh, đối tượng nuôi công nghiệp chủ yếu là cá giò, cá chẽm và hiện có thêm cá chim vây vàng, đã và sẽ trở thành đối tượng nuôi chủ lực, cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Chị Chuẩn lý giải rất hợp lý: Chăn nuôi trâu bò, đòi hỏi phải có nhiều vốn và điều kiện chăn thả cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Trong khi đó, chỉ cần tầm 7 triệu đồng là đã có một cặp dê giống. Hơn nữa, dê còn có khả năng kháng bệnh cao và không chiếm quá nhiều diện tích đất làm chuồng trại, nên mô hình này rất phù hợp với những ai ít vốn hoặc những người mới bắt đầu khởi nghiệp.
Vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại, anh Võ Văn Lựu vừa hồ hởi cho biết: Lớn lên trên vùng đất Tú Loan (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chứng kiến cảnh người dân quanh năm vất vả với độc canh cây lúa, đất cằn nên cuộc sống cứ mãi chật vật. Trăn trở để tìm hướng đi mới, cuối cùng anh nhận thấy điều kiện đất đai ở đây với diện tích đất hoang hóa còn lại khá nhiều, cộng với nhiều trảng cát rộng, rất phù hợp cho chăn nuôi đà điểu.
Hiện nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang nuôi hươu lấy nhung để phát triển kinh tế. Nhiều hộ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình này. Thu gần 200 triệu đồng/năm chỉ từ 12 con hươu của gia đình ông Nguyễn Viết Long ở ấp 54, xã Lộc An (Lộc Ninh) là minh chứng.
Xác định chăn nuôi lợn là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Yên (Bắc Giang) vừa thành lập Hội Chăn nuôi lợn sạch nhằm liên kết người sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững.
Mắc ca, loài cây có nguồn gốc Úc châu đã bắt đầu thân thuộc với nông dân Lâm Đồng. Tại khắp nơi trong tỉnh, từ Di Linh, Bảo Lộc, Lâm Hà, Đơn Dương, diện tích mắc ca trồng xen với cây cà phê đã lên xanh và kết trái, mang lại thu nhập không nhỏ cho người nông dân.