Sản xuất giống dừa sáp bằng phương pháp cấy phôi
Dừa sáp là giống cây đặc sản ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và một số địa phương lân cận.
Tuy nhiên, nông dân trồng dừa sáp tỷ lệ quả có sáp chỉ chiếm khoảng 20% nên sản lượng ít, khi ra thị trường giá rất đắt.
Vì vậy, cách đây 7 năm Trường Đại học Trà Vinh bắt đầu nghiên cứu cấy phôi dừa sáp và đầu năm nay quy trình này được công nhận với sản phẩm giống dừa sáp khi trồng sẽ cho quả có tỷ lệ sáp trên 70%, đặc biệt có vườn tỷ lệ sáp lên đến 90%.
Cây dừa sáp khi ra quả sẽ cho tỷ lệ sáp cao gấp 3 đến 4 lần so với giống dừa ngoài tự nhiên sẽ mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân.
Tiến sĩ Lâm Thái Hùng, Trưởng khoa Nông nghiệp – Thủy sản (Trường Đại học Trà Vinh) cho biết:
“Giống dừa sáp ngoài tự nhiên trung bình 1 buồng 10 quả thì chỉ có 2 quả sáp, những quả còn lại bình thường.
Khi đó, nông dân lấy 8 quả không sáp làm cây giống thì cây con khi trưởng thành cho quả tỷ lệ sáp cũng tương tự.
Nhận thấy vấn đề này nên khoa nghiên cứu lấy phôi (mọng) quả dừa có sáp cấy, nuôi trong môi trường dinh dưỡng để thành cây giống đem đi trồng sẽ cho quả tỷ lệ sáp nâng lên rất cao”.
Sản xuất giống dừa sáp bằng phương pháp cấy phôi tại trường Đại học Trà Vinh
Theo tiến sĩ Hùng, hiện Khoa Nông nghiệp – Thủy sản đã ký hợp đồng cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật trồng cho nông dân với diện tích trên 10 ha.
Một số vườn đã cho thu hoạch với tỷ lệ quả có sáp đều trên 70%.
Cây dừa cao hơn 1 mét có thể đem ra ngoài tự nhiên trồng
Bà Đinh Thị Thanh Tâm, Giảng viên Bộ môn Trồng trọt (Khoa Nông nghiệp – Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh) cho biết:
“Để cho ra một cây giống phải mất 15 tháng gồm các công đoạn như: lấy phôi trong quả dừa sáp, cấy phôi rồi nuôi trong môi trường dinh dưỡng, đem ra vườn ươm đến khi cây cao khoảng 1 mét có thể cung ứng ra thị trường.
Chi phí để làm ra cây giống dừa sáp theo phương pháp này khá cao.
Hiện tại, khoa đang nhận hợp đồng cung ứng giống cho nông dân với giá 800.000 đồng/cây”.
Dừa sáp từ lâu là đặc sản của tỉnh Trà Vinh
Ông Thạch Phu My, Chủ nhiệm HTX dừa sáp Hòa Tân (Cầu Kè, Trà Vinh) cho biết:
“Vùng Hòa Tân trồng dừa sáp có tỷ lệ quả sáp khoảng trên 20%, các vùng khác tỷ lệ còn thấp hơn.
Hiện tại giá dừa sáp thu mua tại địa phương giá 160.000 đồng/quả (loại 1) nhưng không có hàng để bán vì tỷ lệ sáp thấp nên khan hiếm hàng. Khi kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp cấy phôi thành công sẽ mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân trồng dừa ở địa phương”.
Hiện giá dừa sáp lên đến 160.000 đồng/quả nhưng vẫn khan hàng
Theo ông My, mấy năm nay nông dân trồng dừa ở huyện Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè (Trà Vinh) đã bắt đầu trồng dừa sáp cấy phôi từ nguồn giống được mua ở Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (TP Hồ Chí Minh).
Hiện một số vườn dừa đã bắt đầu cho thu hoạch với kết quả tỷ lệ sáp rất cao, hầu hết đều trên 70% nên đem lại lợi nhuận cho nông dân rất lớn.
Trồng dừa sáp từ giống cấy phôi sẽ giúp nông dân tăng thu nhập
Những nông dân trồng dừa sáp hy vọng giống dừa sáp cấy phôi trong thời gian tới sẽ đem lại lợi nhuận cao.
Khi đó, sản lượng lớn nên dừa sáp không chỉ phục vụ nhu cầu làm thực phẩm mà có thể chế xuất dầu, mỹ phẩm, nhiên liệu sinh học…
Có thể bạn quan tâm
Mỗi khi đến với vùng đất cổ Sơn Tây, du khách không thể bỏ qua bốn đặc sản tiến vua. Đó là Cá chép Cấn Khánh, gà mía Đường Lâm và rau muống Linh Chiểu.
Sáng nay (29.8), UBND xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang long trọng tổ chức lễ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2016.
Mô hình giăng lưới kết hợp bẫy chuột thủ công của nông dân huyện Phú Tân, tỉnh An Giang vừa an toàn, hiệu quả, vừa giảm thiểu tình trạng phá hoại lúa do chuột gây ra.