Sản xuất giống cua xanh hướng đi ổn định cho nghề nuôi thủy sản
Cua xanh là một trong những món ăn đặc sản nên lượng cua thương phẩm tiêu thụ trên thị trường rất cao, với giá khoảng 200.000 đến 240.000 đồng/kg cua loại 1. Nuôi cua xanh thương phẩm ít xảy ra dịch bệnh, giảm công chăm sóc, chi phí thấp nên nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển từ nuôi tôm sang nuôi cua hoặc nuôi cua xen canh tôm.
Ông Nguyễn Văn Bút, một người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), cho biết: “Mấy năm gần đây, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp nên nhiều người nuôi thua lỗ. Khoảng 3 năm nay, gia đình tôi đã nuôi tôm xen với cua xanh. Cua xanh ít bị bệnh dịch nên khi nuôi tôm có xảy ra sự cố thì mình cũng còn con cua để bán lấy lại vốn”.
Tuy nhiên thực tế, nguồn cua giống từ tự nhiên khan hiếm, không chủ động về thời gian, mùa vụ, tỉ lệ sống không cao, kích cỡ không đều nên không đáp ứng được nhu cầu con giống của người nuôi. Vì vậy, sau khi thành công trong sản xuất giống cua xanh nhân tạo, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT) đã phổ biến rộng rãi quy trình sản xuất đến các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh. Hiện nay, nghề sản xuất cua giống đang là hướng đi ổn định đối với các trại sản xuất giống thủy sản tại Phú Yên.
Cua giống sản xuất nhân tạo có tỉ lệ sống cao, con giống đồng đều, không bị tác động bởi việc đánh bắt nên người nuôi thương phẩm rất ưa chuộng. Bên cạnh đó, việc nhân nuôi cua giống giúp hạn chế việc khai thác, đánh bắt cua con, không làm suy giảm nguồn cua giống trong tự nhiên.
Theo ông Phạm Văn Thành, một trong những người sản xuất cua giống ở TP Tuy Hòa, cua có rất nhiều loại khác nhau, nhưng cua xanh có giá trị kinh tế cao lại dễ nuôi. Nguồn cua bố mẹ được người nuôi thu mua từ tự nhiên và được lựa chọn rất kỹ càng. Người sản xuất phải chọn được những con cua mẹ ôm trứng tốt, đẹp, rồi thực hiện giai đoạn nuôi vỗ trong trại giống. Bể nuôi vỗ cua mẹ được thay nước hàng ngày để giữ vệ sinh, đặc biệt nước trong bể nuôi phải có độ mặn gần với độ mặn của nước biển, khoảng 30‰. Thức ăn cho cua bố mẹ là cá, tôm và một số loài nhuyễn thể như hàu, sò…
Khi thấy yếm cua căng lên thì bơm nước tạo mưa để kích thích cho cua mẹ đẻ. Cua mẹ thường đẻ về đêm. Một con cua mẹ tốt có thể đẻ trên 1 triệu trứng. Trứng cua được ấp trong nước có máy sục khí trong thời gian khoảng 240 giờ thì trứng nở thành ấu trùng. Để loại bỏ những ấu trùng yếu, không đạt chất lượng thì tắt máy sục khí, như vậy những con yếu sẽ lắng xuống đáy bể và được loại bỏ.
Ấu trùng ăn thức ăn chủ yếu là artemia và một số vitamin cần thiết khác, thường sau khoảng 22 ngày, ấu trùng sẽ chuyển thành cua bột và lột xác thành cua giống, sau đó người nuôi chuyển sang bể ươm và đưa ra nuôi ngoài trời. Nếu trứng nở với tỉ lệ cao thì một con cua mẹ tốt có thể cho ra khoảng 600.000 ấu trùng. Giai đoạn của ấu trùng từ khi nở đến lúc thành cua giống khoảng 26 đến 30 ngày, tùy vào điều kiện thời tiết, nguồn nước và kỹ thuật chăm sóc của người nuôi. Để nâng cao tỉ lệ sống của ấu trùng và độ đồng đều về kích cỡ, người nuôi còn sử dụng dung dịch anolyte để xử lý nước trong quy trình nuôi.
Ông Phạm Trọng Thịnh, một người chuyên thu mua và cung cấp cua giống, cho biết: “Không chỉ người nuôi trong tỉnh mà người nuôi cua ở các tỉnh khác rất chuộng cua giống ở Phú Yên, do nguồn cua giống khỏe, đồng đều, sức đề kháng tốt, nguồn cung cấp ổn định. Hiện nay, giống cua xanh sản xuất nhân tạo có giá bán từ 400 đến 500 đồng/con”.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 50 cơ sở sản xuất giống cua xanh, tập trung chủ yếu ở TX Sông Cầu, huyện Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Mỗi năm sản lượng bình quân cua giống nhân tạo ở Phú Yên sản xuất đạt khoảng 9 tỉ con, riêng các trại sản xuất giống cua ở TP Tuy Hòa thường có năng suất ổn định và cao hơn các khu vực khác trong tỉnh. Hàng năm, nguồn cua giống này không những đáp ứng nhu cầu con giống của bà con địa phương trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh khác như Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng… (Sở NN-PTNT)
Có thể bạn quan tâm
Diện tích nuôi tôm công nghiệp năm 2014 ở huyện Đầm Dơi hơn 365 ha, nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp trong huyện hơn 2.690 ha, năng suất đạt từ 5 - 7 tấn/ha, diện tích nuôi tôm quang canh cải tiến hơn 9.000 ha. Xây dựng 9 mô hình sản xuất có hiệu quả ở các xã Tân Dân, Tân Thuận, Tân Đức, Nguyễn Huân và thị trấn Đầm Dơi.
Lỡ vụ cá tết - vụ cá luôn được đặt nhiều kỳ vọng trúng mùa, trúng giá do ảnh hưởng của thời tiết thất thường hoặc ô nhiễm nguồn nước - đang là nỗi lo của không ít các hộ nông dân nuôi cá. Ông Võ Anh Đang, Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy sản Đa Tôn (huyện Tân Phú) chia sẻ, hồ Đa Tôn được hợp tác xã thuê đầu tư nuôi cá theo hướng để các loài cá sinh trưởng như bên ngoài tự nhiên nên vụ thu hoạch chính là vào thời điểm cuối năm, khi nước hồ cạn bớt nước.
Nhìn lại năm 2014, thời tiết tương đối thuận lợi cho những chuyến biển. Một năm làm ăn hiệu quả của tàu thuyền có công suất lớn đánh bắt xa bờ. Phan Thiết tuy không phải đô thị 100% tập trung về ngư nghiệp nhưng nghề biển đã gắn bó từ rất lâu đời với những địa phương như Đức Thắng, Đức Nghĩa, Bình Hưng, Hưng Long, Đức Long, Hàm Tiến, Mũi Né…
UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành quy định mức hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho các đối tượng: hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Trong những năm gần đây, khi nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở tỉnh Nam Định phát triển mạnh, chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn, bên cạnh mặt tích cực đã phát sinh những bất cập cần quan tâm xử lý để bảo đảm phát triển vững chắc.