Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá rô phi

Sản Xuất Giống Cá Rô Phi Sạch

Sản Xuất Giống Cá Rô Phi Sạch
Ngày đăng: 06/12/2011

Thế nào là giống cá rô phi sạch? Có thể hiểu giống cá rô phi sạch là giống được sản xuất theo qui trình đã được Bộ Thuỷ sản cho phép. Trong quá trình sản xuất không sử dụng các loại hoá chất, kháng sinh đã được cấm theo quyết định số 01-2001/QÐ-BTS, ngày 22/01/2001 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ Sản.

Giống phải có nguồn gốc tốt, khoẻ mạnh và không nhiễm bị nhiễm bệnh. Trong quá trình ương nuôi không sử dụng các loại phân bón hữu cơ chưa qua xử lý. Trước khi cung cấp cho người nuôi phải được kiểm dịch.

Hiện nay có nhiều phương pháp sản xuất giống cá rô phi nhưng phương pháp sản xuất cá rô phi đơn tính bằng cách cho ăn hormone là phổ biến, rẻ tiền và dễ áp dụng trong điều kiện ở Việt Nam. Cá giống sản xuất theo qui trình này được thế giới áp dụng phổ biến và đạt các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm.

1. Tuyển chọn cá bố mẹ và kỹ thuật nuôi vỗ

1.1. Tuyển chọn cá bố mẹ

Cá bố mẹ tuyển chọn vào nuôi vỗ phải: khoẻ mạnh, không xây sát, trọng lượng trung bình 0,3-0,4kg/con. Không nên chọn cá bố mẹ quá to vì khó thao tác khi thu trứng, tiêu tốn nhiều thức ăn và năng suất sinh sản không cao.

Cá rô phi bố mẹ phải có nguồn gốc tốt, hiện nay cá rô phi chọn giống dòng GIFT được sản xuất tại viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I là giống cá có ngoại hình đẹp, lớn nhanh có thể sử dụng làm đàn cá bố mẹ hậu bị.

Ðối với cá đực: Chọn những con có ngoại hình cân đối, phần phụ sinh dục hình chóp nhọn, có 2 lỗ là lỗ niệu sinh dục và lỗ hậu môn. Màu sắc thân sáng, hồng nhạt, hầu cá và các vây chẵn và vây đuôi có màu đỏ tươi.

Ðối với cá cái: Chọn những con cá phần phụ sinh dục là hình bầu dục dẹt, có 3 lỗ: lỗ hậu môn, lỗ niệu và lỗ sinh dục. Màu sắc của thân xám nhạt, hầu và bụng có màu vàng nhạt.

1.2 Kỹ thuật nuôi vỗ

- Chuẩn bị ao nuôi vỗ:

· Diện tích ao nuôi vỗ 300-1000 m2

· Mực nước 1,2-1,5m

· pH 6,5-8,5

· Ô xy hoà tan luôn duy trì trên 2mg/l

· Gần nguồn nước sạch để chủ động thay nước

Ao nuôi vỗ phải được chuẩn bị kỹ: làm cạn ao, vét bùn đổ ra xa ao, lượng bùn trong ao càng ít càng tốt. Dùng vôi bột rải đều đáy ao với liều lượng 7-10kg/100m2. Sau khi rải vôi, phơi đáy ao 2-3 ngày rồi lọc nước vào ao cho đủ mức nước qui định. Khi lấy nước vào ao phải dùng phên lọc tránh cá rô phi con theo nước vào ao.

- Nuôi vỗ cá bố mẹ:

Cá đực và cá cái được tách và nuôi trong các ao nuôi vỗ riêng biệt, mật độ cá trong ao nuôi vỗ là 2-3 con/m2. Cho cá ăn bằng thức ăn tổng hợp có hàm lượng đạm cao 30-35%. Thức ăn cho cá bố mẹ có thể tự phối trộn theo 2 công thức sau:

Công thức 1: Bột cá 30%, đỗ tương 15%, cám gạo 37%, ngô 12%, bột sắn 5%, vi khoáng 1%.

Công thức 2: Bột cá 20%, khô đỗ 25%, cám gạo 40%, ngô 10%, bột sắn 4%, vi khoáng 1%.

Thức ăn được chế biến và đùn viên để tránh thất thoát khi cho ăn. Lượng cho ăn từ 1,5-2% trọng lượng cá trong ao. Thời gian nuôi vỗ là 1,5 tháng trước khi ghép đôi. Cần kiểm tra độ thành thục của cá và độ béo của cá sau 1 tháng nuôi vỗ để điều chỉnh lượng cho ăn cho phù hợp. Nếu cá quá béo thì nửa tháng còn lại ta giảm lượng thức ăn xuống 1%. Cá béo là cá khi ta mổ kiểm tra bụng cá chứa nhiều dải mỡ màu trắng.

Sau khi nuôi vỗ 1,5 tháng, khi nhiệt độ nước ao khoảng 24-26oC là thời điểm phù hợp để ghép đực cái và cho cá sinh sản. Trong điều kiện thời tiết ở miền Bắc, thời gian ghép đực cái vào cuối tháng 3 dương lịch. Miền nam do có khí hậu ấm áp quanh năm nên có thể cho cá rô phi đẻ quanh năm.

Trong quá trình nuôi vỗ tránh hiện tượng cá bị thiếu ô xy và nổi đầu bằng cách bơm thêm nước mới, sử dụng máy quạt khí hoặc thay nước cho ao, đặc biệt vào những ngày thời tiết thay đổi lạnh chuyển sang nóng và ngược lại.

2. Cho cá bố mẹ sinh sản và thu trứng

2.1 Bố trí giai và ao cho đẻ

Tỷ lệ ghép cá đực/cá cái: là 1,5:1 hoặc 2:1 khi cho chúng tham gia sinh sản.

Có thể cho cá rô phi đẻ trong ao hoặc trong giai nhưng cho cá rô phi đẻ trong giai là biện pháp tiên tiến nhất.

Ao sinh sản: Có độ sâu 1-1,2 m nước, diện tích 500-800 m2, đáy cứng, ít bùn và phẳng để tiện khi thu trứng. Quá trình tẩy dọn như đối với ao nuôi vỗ. Sau khi lấy đủ nước 1-2 ngày thả cá bố mẹ cho đẻ. Mật độ cá bố mẹ sinh sản là 2-3 con/m2.

Giai sinh sản: Giai sinh sản có diện tích 20-40m2, đáy làm bằng lưới cước mịn 1mm, thành bằng lưới A10 hoặc A12. Giai có độ sâu 1-1,2m, phần ngập nước 0,8-1,0m và cao lên mặt nước 0,2-0,4m. Giai được cắm trong ao cho đẻ có độ sâu nước 1,2-1,5m. Tổng diện tích giai trong cắm trong ao không được quá 60% diện tích mặt nước. Mật độ cá bố mẹ sinh sản trong giai 6-8 con/m2.

2.2 Chăm sóc cá bố mẹ sinh sản

Sau khi ghép cá đực, cái cho cá ăn bằng thức ăn có độ đạm 20-30%, khẩu phần cho ăn 1-1,5% trọng lượng cá/ngày. Quản lý chất lượng nước sạch, thay nước khi thấy nước ao quá bẩn. Trong quá trình cho đẻ hạn chế tối đa khả năng cá bị thiếu ô xy và nổi đầu bằng cách quạt khí hoặc bơm thêm nước mới.

2.3 Thu trứng

Chu kỳ thu trứng phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ nước, thông thường ở nhiệt độ 25-30oC thì 7-10 ngày thu 1 lần. Nếu nhiệt độ dưới 25oC thì 10-12 ngày thu 1 lần. Với chu kỳ như vậy, thường thu được trứng cá ở giai đoạn 3 hoặc cá bột chưa tiêu hết noãn hoàng, tỷ lệ ấp nở rất cao. Nếu chu kỳ thu quá mau thì thu được trứng ở giai đoạn 1-2, tỷ lệ nở của trứng khi ấp trong khay sẽ thấp.

Thu trứng trong ao: Dùng lưới thưa kéo gom cá bố mẹ vào 1 góc, dùng cọc tre cắm để giữ cá trong lưới. Tránh dồn cá quá dày khi quẫy mạnh cá mẹ sẽ nhả hết trứng. Dùng 1 lưới mau khác kéo bắt hết cá con ở ngoài ao sau đó mới thu trứng ở lưới kéo cá bố mẹ. Dùng sào tre ngăn từng phần lưới bắt cá mẹ kiểm tra và thu trứng. Cá bố mẹ sau khi thu trứng được giữ trong giai. Kéo mẻ tiếp theo để thu trứng ở những cá còn lại ngoài ao. Sau khi thu hết trứng ta thả toàn bộ cá trong giai trở lại ao.

Thu trứng trong giai: Hai công nhân dùng một sào tre dài, nhẵn luồn dưới đáy giai dồn cá vào một góc sau đó thu trứng ở những cá cái sinh sản. Khi thu trứng, mỗi công nhân phải sử dụng 2 vợt, 1 vợt mau và 1 vợt thưa. Vợt thưa dùng để xúc cá bố mẹ, kiểm tra miệng cá cái có trứng hay không. Nếu cá cái có trứng đặt ngay cá cái và vợt thưa vào trong vợt mau, sau đó tiến hành rũ trứng từ miện cá cái vào vợt. Trứng cá được giữ lại trong vợt mau. Cá cái sau khi rũ hết trứng được thả trả lại giai. Trứng của mỗi cá thể được để riêng trong từng tô, sau đó một công nhân kỹ thuật sẽ phân chia giai đoạn. Trứng của cùng 1 giai đoạn có thể đổ chung vào 1 tô. Có thể dựa vào hình thái bên ngoài của trứng để phân chia trứng thành 4 giai đoạn :

· Giai đoạn 1: Trứng vừa mới đẻ ra, hình quả lê màu vàng nhạt.

· Giai đoạn 2: Trứng đã chuyển sang màu vàng sẫm

· Giai đoạn 3: Phôi đã phát triển nhưng chưa nở, có 2 điểm mắt màu đen

· Giai đoạn 4: Cá bột vừa mới nở ra, bơi vòng tròn, dưới bụng còn khối noãn hoàng to.

2.4 ấp trứng

Trứng sau khi thu được làm vệ sinh nhẹ nhàng bằng nước sạch, lọc qua vợt để loại bỏ vảy cá và tạp chất. Trứng giai đoạn 1 đến giai đoạn 3 được ấp trong bình ấp, trứng giai 4 được ấp trong khay ấp.

Bình ấp là một bình hình trụ, có đáy hình cầu lõm trơn bóng. Ðường kính bình ấp 16-20cm, chiều cao 35-40cm (hình 6c). Mật độ ấp trứng tối đa trong bình là 90.000 trứng/lít. Lưu tốc nước được điều chỉnh bằng van sao cho trứng được đảo đều nhẹ nhàng. Trong qúa trình ấp trứng, công nhân kỹ thuật thường xuyên theo dõi trứng trong bình, ngay sau khi trứng nở thành cá bột, chuyển toàn bộ cá bột mới mở ra ấp trong khay.

Khay ấp có chiều rộng 25cm, dài 30-40cm, cao 7-9cm. Hai thành khay mỗi bên có 3 dãy lỗ đường kính 1cm và được dán lưới có mắt 1mm. Mật độ trứng ấp trong 1 khay tối đa là 15.000 trứng. Lượng nước được điều chỉnh bằng ban điều tốc sau cho trứng được đảo đều nhẹ nhàng (hình 6b).

Trứng hỏng trong bình tự động nổi lên là trôi ra ngoài, trứng hỏng trong khay sẽ vỡ và bám vào lưới lọc, công nhân kỹ thuật cứ 2-3h dùng bàn chải đáng răng làm vệ sinh lưới lọc 1 lần tránh để nước dâng cao làm tràn khay, trứng không được đảo đều sẽ bị hỏng.

Trong điều kiện nhiệt độ ổn định 28-30oC, trứng ấp 4-5 ngày sẽ nở hết. Cá bột tiêu hết noãn hoàng được cân mẫu, định lượng và chuyển ra giai ương. Nếu chưa chuyển kịp ta có thể giữ cá bột trên khay từ 1 đến 2 ngày, khi đó cần cho cá ăn bằng bột cá mịn. Trứng ấp nở theo phương pháp này rất thích hợp để xử lý chuyển giới tính thành cá đực bằng hormone.

2.5 Xử lý cá bột

Chuẩn bị ao: Ao cm giai xử lý cá bột có diện tích 200-1000m2, độ sâu 1,2-1,5 m nước nhưng không bón phân hữu cơ hoặc vô cơ gây màu.

Giai xử lý cá bột: Giai xử lý cá bột là giai mau có cỡ mắt lưới 1mm, diện tích giai 1-4m2, độ sâu của giai là 1m. Giai 1m2 có thể nuôi với mật độ 10.000 cá bột/giai, với giai 4m2 nuôi mật độ 30.000 45.000 cá bột/giai (hình 7).

Thời gian xử lý, chăm sóc và quản lý: Trong thời gian xử lý cho cá bột ăn thức ăn đã được trộn hormone có khả năng làm đực hoá. Thành phần thức ăn bao gồm bột cá nhạt, Vitamin C và 17α Metyltestosterone. Các thành phần trên được phối trộn như sau: trộn đều 10g vitamin C vào 1000g bột cá nhạt đã được nghiền mịn. Hoà tan 60mg 17α Metyltestosterone vào 0,5 lít cồn Etanol 96% và lắc cho hormone tan đều trong cồn. Trộn đều lượng cồn đã hoà tan hormone vào hỗn hợp bột cá và Vitamin C. Thức ăn sau khi trộn hormone thức ăn được hong khô nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp hoặc xấy khô ở điều kiện nhiệt độ 45-50oC. Sau khi khô thức ăn được bảo quản trong túi nilon và xử dụng trong thời gian 2 tuần.

Lượng thức ăn trong thời gian xử lý như sau:

+ 5 ngày đầu cho ăn 25% trọng lượng cá

+ 5 ngày kế tiếp cho ăn 20% trọng lượng cá

+ 5 ngày tiếp cho ăn 15% trọng lượng cá

+ 6 ngày cuối cùng cho ăn 10% trọng lượng cá

Ðể biết được lượng cá trong giai có thể cân mẫu hoặc cân trọng lượng cá của toàn bộ giai sau 5 ngày. Mẫu phải được cân bằng cân điện tử để đảm bảo độ chính xác.

Chú ý trong quá trình xử lý: cứ 10 ngày thay giai 1 lần để đảm bảo độ thông thoáng, tránh trường hợp tảo bám vào giai làm hạn chế lưu thông nước trong và ngoài giai. Khi cá thiếu ô xy sẽ kém ăn và, hao hụt lớn, tỷ lệ chuyển giới tính sẽ không cao.

Trong quá trình xử lý thường xuyên theo dõi bệnh cá vì nuôi ở mật độ cao cá thường hay mắc bệnh kí sinh trùng như: trùng bánh xe, sán lá đơn chủ. Cần tham khảo các chuyên gia bệnh để có biện pháp xử lý khi cá bị bệnh.

3 Kết quả

Áp dụng đúng qui trình này tỷ lệ sống đạt 70-75%, tỷ lệ chuyển thành cá đực 95-100%. Kích cỡ cá sau 21 ngày tuổi 10.000-13.000 con/kg.


Có thể bạn quan tâm

Hiểu toàn diện về dịch bệnh TiLV trên cá rô phi Hiểu toàn diện về dịch bệnh TiLV trên cá rô phi

Cá rô phi là loài thủy sản có vây quan trọng thứ hai trên toàn thế giới do mang lại nguồn protein chất lượng cao, dinh dưỡng tốt.

05/12/2020
Cá rô phi - Nên bổ sung probiotic lên thức ăn chìm hay nổi? Cá rô phi - Nên bổ sung probiotic lên thức ăn chìm hay nổi?

So sánh ảnh hưởng của chế độ ăn chìm và nổi được bổ sung probiotic lên hiệu suất tăng trưởng của cá rô phi đơn tính.

08/12/2020
Trùng quả dưa tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn trên cá rô phi Trùng quả dưa tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn trên cá rô phi

Trùng quả dưa gây bệnh đốm trắng trên cá tăng nguy cơ bội nhiễm với vi khuẩn gây chết hàng loạt trên cá rô phi.

09/12/2020
Cải thiện mô hình nuôi cá rô phi ao đất bằng zeolit Cải thiện mô hình nuôi cá rô phi ao đất bằng zeolit

Sử dụng zeolit trong ao nuôi cá giúp cải thiện chất lượng nước, tăng trưởng và tình trạng sức khỏe của cá rô phi trong ao đất.

10/12/2020
Những mối lo ngại về đa dạng sinh học cá rô phi Những mối lo ngại về đa dạng sinh học cá rô phi

Một nghiên cứu mới đã tiết lộ quy mô lai tạo giữa cá rô phi bản địa và cá rô phi du nhập ở Tanzania.

24/12/2020