Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản Xuất Chôm Chôm VietGAP Xã Vĩnh Bình Hướng Phát Triển Phù Hợp

Sản Xuất Chôm Chôm VietGAP Xã Vĩnh Bình Hướng Phát Triển Phù Hợp
Ngày đăng: 31/01/2015

Tăng năng suất

Hiện tại, huyện Chợ Lách (Bến Tre) có hơn 3.290 héc-ta chôm chôm, trong đó có hơn 2.940 héc-ta đang cho thu hoạch. Diện tích trồng chôm chôm tập trung chủ yếu ở các xã Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Tân Thiềng và Hưng Khánh Trung B.
Để nâng cao giá trị kinh tế từ loại cây truyền thống này, huyện Chợ Lách đã có kế hoạch đưa chôm chôm vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và nhân rộng ra 300 héc-ta vào năm 2015. Trên cơ sở đó, nhiều xã đã xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo hướng Gap.
Ngoài mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap tại ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng với diện tích 28,6 héc-ta thì mô hình liên kết sản xuất chôm chôm ấp Vĩnh Lộc và Lộc Hiệp xã Vĩnh Bình là mô hình thứ 2 được Công ty Cổ phần Chứng nhận GLOBALCERT cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap.
Tổ liên kết sản xuất chôm chôm VietGap ấp Vĩnh Lộc và Lộc Hiệp, xã Vĩnh Bình có 40 hộ sản xuất trên diện tích 24,25 héc-ta. Hai tổ này được thành lập từ những năm 2010 - 2011 với hình thức tổ liên kết sản xuất.
Trên cơ sở đó, các thành viên tổ chức sinh hoạt đều đặn 2 tháng/lần với các nội dung trao đổi kinh nghiệm với nhau về phương pháp canh tác, chăm sóc và xử lý ra hoa, quản lý phòng trừ sâu bệnh, nắm bắt thông tin giá cả thị trường. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp địa phương cũng có định hướng và chuyển giao một số phương thức sản xuất nông sản an toàn, tăng năng suất và thân thiện với môi trường cho các tổ viên.
Đến tháng 9-2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Ban quản lý Dự án QSEP tư vấn hướng dẫn quy trình sản xuất và trang bị cơ sở vật chất theo yêu cầu chứng nhận VietGap cho các thành viên trong tổ.
Qua hơn 1 năm xây dựng cơ sở vật chất và áp dụng thành công quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGap, sản phẩm trái chôm chôm thương phẩm của các thành viên trong 2 tổ liên kết sản xuất chôm chôm ấp Vĩnh Lộc và Lộc Hiệp đã được Công ty Cổ phần Chứng nhận GLOBALCERT kiểm tra và công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap với sản lượng ổn định hàng năm đạt trên 790 tấn trái.
Ông Ngô Ngọc Lãng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Bình cho biết: “Hiện tại, các thành viên của 2 tổ liên kết sản xuất chôm chôm VietGap Vĩnh Lộc và Lộc Hiệp đã đảm bảo các quy trình, kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Hiệu quả về năng suất và chất lượng sản phẩm tăng rõ rệt so với cách sản xuất trước kia, đồng thời còn tiết kiệm được chi phí vật tư nông nghiệp đáng kể”.
Anh Dương Văn Dũng - thành viên tổ liên kết sản xuất chôm chôm VietGap ấp Vĩnh Lộc cho biết, khi tham gia vào sản xuất theo qui trình VietGap, anh cũng như các thành viên trong tổ đã được tiếp cận với các tiến bộ khoa học trong nông nghiệp; được tập huấn về cách chăm sóc, xử lý cho cây ra hoa, các sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, thân thiện với môi trường.
Từ đó anh có cách sản xuất hợp lý, vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng và mẫu mã trái cây khi đưa ra thị trường cũng đẹp hơn, ngon hơn.
Anh chia sẻ: “So với cách sản xuất truyền thống thì cách sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap sẽ giúp tăng năng suất từ 200 - 500kg/1.000m2/năm. Đồng thời, chi phí vật tư nông nghiệp tiết kiệm được hơn 500 ngàn đồng/1.000m2/vụ. Với diện tích 6.000m2 mỗi năm tôi thu hoạch gần 18 tấn chôm chôm thương phẩm, tăng hơn 3 tấn trái so với lúc trước”.
Nỗ lực tìm đầu ra ổn định
Các thành viên của tổ sản xuất chôm chôm VietGap Vĩnh Lộc và Lộc Hiệp còn băn khoăn về đầu ra sản phẩm. Một phần do thị trường xuất khẩu không ổn định, trong khi thị trường trong nước chưa minh bạch giữa sản phẩm an toàn được chứng nhận và sản phẩm không rõ nguồn gốc nên sản phẩm chôm chôm của tổ vẫn còn tình trạng tiêu thụ nội địa với giá thu mua sản phẩm VietGap ngang bằng với giá sản phẩm bình thường.
Ông Trần Văn Kiếm - Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất chôm chôm VietGap ấp Lộc Hiệp, xã Vĩnh Bình trăn trở: “Hiện tại, các thành viên trong tổ liên kết sản xuất đảm bảo các tiêu chí theo chuẩn VietGap, sản phẩm trái cây của tổ cũng được Công ty Cổ phần Chứng nhận GLOBALCERT đã chứng nhận phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa tìm được hợp đồng tiêu thụ với các thị trường xuất khẩu. Trái cây của tổ hiện vẫn bán cho thương lái địa phương để tiêu thụ nội địa nên giá bán chưa tương xứng với công sức của nhà vườn bỏ ra. Tổ kiến nghị ngành chức năng sớm tìm được doanh nghiệp có đủ năng lực để bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định để nhà vườn yên tâm canh tác”.
Trước tình hình đó, xã Vĩnh Bình chủ động đề xuất đến ban, ngành huyện và các sở, ngành tỉnh có liên quan hỗ trợ, giới thiệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây có năng lực để ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm cho nhà vườn.
“Theo kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của huyện giai đoạn 2015 - 2020, xã chú trọng xây dựng hệ thống liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà “nhà vườn, Nhà nước , nhà khoa học, nhà doanh nghiệp”. Với mục tiêu xã đặt ra đến năm 2015, có 30% tổ liên kết sản xuất có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đến năm 2020 tỷ lệ này đạt 80%” - ông Đoàn Hữu Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình cho biết.
Để trái cây Chợ Lách nói chung và sản phẩm chôm chôm nói riêng có được sự cạnh tranh và mang lại lợi nhuận cao cho nông dân thì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap là xu thế phát triển tất yếu cho nông nghiệp Chợ Lách.
Tuy nhiên, để các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Gap phát triển bền vững, các ngành chức năng và người dân phải có sự phối hợp chặt chẽ để liên kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm bằng việc khai thác có hiệu quả thị trường xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

Cây ngò gai có giá, người trồng phấn khởi Cây ngò gai có giá, người trồng phấn khởi

Trong một tháng trở lại đây, cây ngò gai bắt đầu có giá trở lại. Hiện thời điểm này, ngò gai ta giá dao động từ 21.000 - 22.000 đồng/kg. Còn giống ngò gai khác thì giá khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg.

03/06/2015
Trồng cây chùm ngây cho hiệu quả kinh tế cao Trồng cây chùm ngây cho hiệu quả kinh tế cao

Nhằm nghiên cứu, đánh giá khả năng thích nghi cũng như hiệu quả kinh tế từ trồng cây chùm ngây trên đồng đất Thái Nguyên, cuối năm 2014, Kỹ sư (KS) Vũ Trung Thành, thuộc Trung tâm thực hành Thực nghiệm (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) đã lập Dự án và được Hội đồng Khoa học của tỉnh phê duyệt đưa vào trồng thử nghiệm hơn 2ha cây chùm ngây tại địa bàn T.X Sông Công và huyện Đồng Hỷ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

03/06/2015
Trao tặng ngư dân Hải Phòng 93 tủ thuốc Trao tặng ngư dân Hải Phòng 93 tủ thuốc

Viện Y học Biển Việt Nam vừa phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố trao tặng ngư dân thuộc 2 quận Đồ Sơn, Dương Kinh và huyện Kiến Thụy 93 tủ thuốc.

03/06/2015
Ngư dân khai thác trên 1.200 tấn hải sản các loại Ngư dân khai thác trên 1.200 tấn hải sản các loại

Trong tháng 5-2015, ngư dân huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) vươn khơi đánh bắt xa bờ, ước sản lượng khai thác trong tháng đạt 1.220 tấn, tăng 2,4 lần so với tháng trước; nâng tổng sản lượng khai thác hải sản từ đầu năm đến nay lên 8.560 tấn.

03/06/2015
Tổng sản lượng thủy sản tháng 5 đạt 608 nghìn tấn Tổng sản lượng thủy sản tháng 5 đạt 608 nghìn tấn

Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng thủy sản trong tháng 5 tăng 2,4% so với tháng 5/2014. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 257 nghìn tấn (sản lượng khai thác hải sản đạt 242 nghìn tấn, sản lượng khai thác nội địa đạt 15 nghìn tấn). Lũy kế từ đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 2,4 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng nuôi trồng đạt 351 nghìn tấn.

03/06/2015