Sản Vật Khơi Xa
Nhắc đến Quảng Ninh, là nghĩ ngay đến Vịnh Hạ Long, đến những sản vật biển gắn với từng vùng, miền như: Cua biển - ngán Quảng Yên, mực ống Cô Tô, ghẹ Trà Cổ, sá sùng Quan Lạn, nước mắm Cái Rồng...
Món ngon nhớ lâu
Những lần được “du khơi” đêm cùng các lão ngư ở vùng biển Cô Tô đúng vào mùa khai thác mực (cuối tháng 6 âm lịch), chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên trước sự “giàu có” của vùng biển đảo này. Chỉ với một cuộn dây cước dài khoảng 40m, gắn vào lưỡi câu chùm, phía trên là vật nhỏ có hình con tôm đầy màu sắc làm bằng nhựa phát quang, bằng kinh nghiệm của mình, sau vài tiếng lênh đênh, lão ngư tên Xô ở xã Đồng Tiến đã câu được kha khá mực; trong đó chủ yếu là loại mực lá với đủ kích cỡ…
Theo các lão ngư, ngư trường Cô Tô rất rộng lớn. Quanh đảo có khoảng 1.000 loài cá; trong đó 60 loài có giá trị kinh tế cao như: Cá hồng, cá song, cá mú, cá chim. Riêng mực biển cũng có đến 5 loài là: Mực ống, mực lá và 3 loại mực nang. Điểm đặc biệt là Cô Tô nằm ở phía Bắc Vịnh Bắc Bộ nên có loài mực ống của biển Bắc Hải.
Đây là loài mực ống cơ thể lớn (con lớn nhất dài tới 35-40cm) và cũng rất đặc trưng với vị dai, mềm, ngọt hơn hẳn loại mực ở những vùng biển khác. Ngư dân ở Cô Tô cũng có rất nhiều cách để khai thác mực, từ câu mực đêm; sử dụng mành đèn, vó đến chụp. Sản lượng mực khai thác tại Cô Tô, theo tính toán, cũng thường đạt trên 300 tấn/năm.
Nếu như ngư trường Cô Tô nổi tiếng với loài mực ống, mực lá thì các vùng biển đảo, ven biển khác ở Quảng Ninh cũng có những loài sản vật đặc trưng như: Ghẹ Trà Cổ (Móng Cái); tu hài Vân Đồn, sá sùng Quan Lạn (Vân Đồn); cua biển Quảng Yên; ngán Quảng Yên, Đầm Hà; mực mai Vịnh Hạ Long... Trong đó, ghẹ Trà Cổ có tới 4 loại: Đốm, xanh, lửa và ba chấm rất nổi tiếng ngon, ngọt, giàu chất dinh dưỡng nhờ môi trường nước biển có độ mặn cao.
Chỉ riêng sản lượng khai thác gần bờ đối với loại hải sản này của ngư dân TP Móng Cái đã đạt tới trên 6.000 tấn/năm. Hay như loại ngán, xuất hiện nhiều ở các khu vực cửa sông thuộc Quảng Yên, Đầm Hà. Đây là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao và chỉ có thể khai thác trong tự nhiên chứ không thể nuôi trồng như các loài khác...
Làm nên thương hiệu
Nếu như ngư trường Cô Tô nổi tiếng với loài mực ống, mực lá thì các vùng biển đảo, ven biển khác ở Quảng Ninh cũng có những loài sản vật đặc trưng như: Ghẹ Trà Cổ (Móng Cái); tu hài Vân Đồn, sá sùng Quan Lạn (Vân Đồn); cua biển Quảng Yên; ngán Quảng Yên, Đầm Hà; mực mai Vịnh Hạ Long...
Từ xa xưa, cha ông ta đã không chỉ biết khai thác để duy trì, cải thiện cuộc sống, làm giàu cho bản thân, gia đình, cộng đồng mà còn biết chế biến những loài sản vật này thành những sản phẩm, món ăn rất đặc trưng, nâng tầm giá trị và chất lượng của sản vật. Chả thế mà, nhắc đến ẩm thực ở Cô Tô, người ta thường nhớ đến các món ăn chế biến từ sản vật của biển như: Mực tươi luộc, mực tươi xào, mực khô nướng, mực khô xào chua ngọt, mực một nắng chiên, cá duội rang…
Nói đến Vân Đồn là nói đến sá sùng Quan Lạn - một gia vị không thể thiếu trong các nồi nước dùng chế biến món ăn; hay sá sùng chua ngọt, sá sùng chao dầu, sá sùng rang…; rồi nước mắm Cái Rồng có vị mặn, vị ngọt đặc trưng nhờ chế biến từ các nguồn cá biển tươi dồi dào khai thác từ vùng biển Vân Đồn; được sản xuất theo phương pháp đặc trưng của miền Bắc là đánh quậy, phơi nắng, lên hương tự nhiên, không dùng bất kỳ chất phụ gia nào, với đặc trưng riêng “Hương thơm, vị mặn, ngọt hậu, giàu chất dinh dưỡng”.
Nhắc đến Quảng Yên không thể không nhắc đến loài cua biển được chế biến thành những món ăn nổi tiếng như: Rang me, lẩu hoặc làm gia vị để tăng thêm độ ngọt, đậm đà cho các món ăn truyền thống khác. Rồi con ngán Quảng Yên, Đầm Hà có thể chế biến thành rượu ngán đặc trưng; lẩu ngán; ngán nướng, hấp hoặc ăn gỏi...
Mới đây nhất, chả mực Hạ Long - món ăn được chế biến từ loài mực mai đánh bắt tại vùng Vịnh Hạ Long cũng đã được xác lập kỷ lục châu Á năm 2013 với tiêu chí “những món ăn duy nhất chỉ ở Việt Nam mới có và so sánh với món ăn của các nước trong toàn khu vực châu Á”.
Trong một cuộc hội thảo maketing diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ 3 năm trước, ông Philp Kotler - người Mỹ, được coi là “ông tổ” trường phái maketing hiện đại của thế giới đã từng có gợi ý khuyên “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”. Nói cụ thể hơn, ông khuyên Việt Nam nên xây dựng thương hiệu du lịch từ ẩm thực.
Hiện hướng đi này cũng đang là một trong những lựa chọn phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Quảng Ninh có rất nhiều sản vật, trong đó không ít sản vật đặc trưng từ biển như đã kể trên và được chế biến thành những món ăn mang đậm nét văn hoá của Quảng Ninh. Khai thác những “thương hiệu” này để phát triển cũng có thể được xem là gợi ý cho Quảng Ninh.
Có thể bạn quan tâm
Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại các thị trường đã gần bằng cả năm ngoái (181 lô so với 187 lô). Tôm là mặt hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 82 lô (cả năm 2014 có 86 lô tôm bị cảnh báo)...
Sáng 28-10, tại TP. Buôn Ma Thuột, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) phối hợp với Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả hỗ trợ giống cà phê vối lai TRS1 phục vụ tái canh cà phê cho các tỉnh Tây Nguyên.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, giai đoạn 2011 - 2015, bên cạnh các cánh đồng mẫu lớn (CĐML) do tỉnh Vĩnh Long đầu tư, từng huyện cũng đồng loạt khuyến khích nông dân triển khai nhiều mô hình tương tự.
Thời gian qua, không ít nông dân trong tỉnh Bình Phước chạy theo phong trào chặt - trồng, trồng - chặt với ý định đón đầu những mặt hàng nông sản đang “thịnh”.
Do thiếu nước, cây lúa gieo vụ Mùa ở Phù Mỹ không trỗ nổi, nông dân đành cắt lúa... cho bò ăn.