Ba Huyện Ven Biển Trúng Mùa Tôm
Trong 6 tháng đầu năm, một số hộ nuôi tôm nước mặn bị thua lỗ vì tôm chết, sau đó rất nhiều hộ lời to do trúng mùa, trúng giá.
Ông Lê Thành Nam - Chủ tịch UBND xã Giao Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, sau Tết Nguyên đán - 2013, nắng nóng kéo dài khiến 48 ao nuôi tôm bị thiệt hại khoảng 37ha. Hầu hết tôm nuôi công nghiệp dễ bị chết, tôm nuôi quảng canh ít chết, không tốn thức ăn. Hộ ông Bùi Thế Khải ở ấp Giao Bình nuôi 20.000 con tôm sú quảng canh với diện tích gần 4ha, sau khi trừ chi phí lời 30 triệu đồng. “Tôi thấy nuôi tôm sú quảng canh tuy lời ít nhưng ăn chắc.
Còn nuôi thâm canh (công nghiệp) thấy hồi hộp quá” - ông Khải nói. Cũng ở ấp Giao Bình, hộ ông Bùi Tấn Tài nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 1ha, lời 30 triệu đồng. Hộ ông Lê Thanh Hồ, ấp Giao Thạnh, nuôi 2ha tôm thẻ trắng, với giá bán khoảng 160 ngàn đồng/kg, lời 110 - 120 triệu đồng. Tôm của ông Hồ suốt quá trình nuôi không bị bệnh.
Toàn xã An Nhơn có 54,56ha nuôi tôm biển, trong đó có 3,7ha nuôi tôm sú, còn lại nuôi tôm thẻ chân trắng. Đầu vụ có 18ha của 10 hộ nuôi bị thất trắng sau 10 - 25 ngày tuổi. Nhờ mua bảo hiểm nông nghiệp nên có hộ huề vốn. Trong đó, hộ ông Lê Văn Võng ở ấp An Bình, nuôi 5 ao trong diện tích 3ha. Ao đầu thất trắng, 4 ao còn lại chỉ sau 50 ngày nuôi bán lấy được vốn. Nguyên nhân do lúc đó nắng nóng kéo dài, tôm chết chủ yếu do bệnh đốm trắng.
Bên cạnh vài hộ nuôi tôm thua lỗ ban đầu, An Nhơn có rất nhiều hộ trúng mùa, trúng giá tôm biển. Hộ ông Huỳnh Văn Dọc ở ấp An Định, nuôi 20.000 con tôm sú quảng canh với diện tích 3ha, thu hoạch được 1,2 tấn, giá bán 120 - 150 ngàn đồng/kg, ông còn lời khoảng 50 triệu đồng.
Cũng ở ấp An Định, hộ ông Võ Văn Vũ nuôi thâm canh 3 ao tôm thẻ chân trắng với diện tích 1,5ha mặt nước. Năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, nhờ giá cao nên ông lời khoảng 200 triệu đồng. “Tôi thích nuôi tôm thẻ chân trắng, vì thời gian nuôi chỉ khoảng 75 ngày, ít tốn chi phí, tránh được rủi ro về dịch bệnh nên dễ kiếm lời” - ông Vũ tâm đắc với việc nuôi tôm thẻ chân trắng.
Xã An Điền (Thạnh Phú) nuôi tôm biển trúng không kém gì xã An Nhơn. Ông Bùi Quang Chinh - Phó Chủ tịch UBND xã An Điền phấn khởi, năm nay toàn xã có 1.890ha tôm sú quảng canh và gần 360ha tôm thẻ chân trắng. Hộ ông Nguyễn Văn Đực ở ấp An Điền nuôi tôm sú quảng canh với diện tích 3ha, lời gần 100 triệu đồng. Hộ ông Lê Văn Yêm ở ấp Giang Hà, nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng với diện tích gần 3.000m2, lời khoảng 100 triệu đồng, cũng nhờ giá tôm khoảng 120 - 160 ngàn đồng/kg.
Thạnh Phú có nhiều người trúng tôm biển thì Ba Tri cũng tương tự. Sáu tháng đầu năm, huyện Ba Tri có khoảng 383ha nuôi tôm sú và 834ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Ở các xã: An Đức, Vĩnh An, Bảo Thạnh, có người nuôi lời từ 400 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Bum - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh An cho biết: Toàn xã có 130 hộ nuôi với 135ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chấn trắng (chiếm 70%).
Tháng 2-2013, nông dân bắt đầu nuôi. Chỉ có 7 - 8 hộ thất trắng sau 25 - 40 ngày nuôi. Còn lại trúng đậm nhờ giá lên cao. Một số hộ như: ông Hồ Văn Chiến, ông Nguyễn Văn Tứ, ông Trần Văn Dũng, ông Nguyễn Ngọc Thiện… ngoài đất nhà các ông còn thuê vài héc-ta đất ở những xã lân cận: An Hòa Tây, An Đức, An Hiệp chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.
Ở huyện Bình Đại, cũng sáu tháng đầu năm 2013, tình hình dịch bệnh trên tôm biển ít hơn năm 2012. Đầu năm, tôm chết nhưng không nhiều, không ít hộ chờ thời tiết thích hợp để thả tôm. Đến nay, nhiều hộ trúng lớn, nhất là ở xã Thạnh Phước. Ông Lê Vũ Minh - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cho biết: Hầu hết những hộ thả nuôi đợt sau đều trúng đậm, có hộ lời trên 1 tỷ đồng. Hộ ông Lương Văn Thủ ở ấp Phước Lợi, nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 7.000m2, lời khoảng 1,1 tỷ đồng. Ông Dân ở ấp Phước Bình, nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 2ha, thu hoạch gần 20 tấn, lời gần 2,5 tỷ.
Theo ông Nguyễn Văn Buội - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sáu tháng đầu năm, tôm bán được giá cao nên nhiều hộ có lời cao. Tổng diện tích thả nuôi tôm biển thâm canh ước tính 4.100ha (trong đó tôm thẻ chân trắng khoảng 2.600ha). Thường tôm chết ở giai đoạn 25 - 40 ngày tuổi, nguyên nhân chủ yếu do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính. Tình hình tôm chết ngày càng giảm. Số hộ bị thua lỗ không nhiều.
Hầu hết các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng rút ra kinh nghiệm: Tôm thích hợp đáy ao là đất thịt hoặc đất thịt pha cát, độ pH của đất từ 5 trở lên. Công trình nuôi phải có đầy đủ ao nuôi, ao chứa và ao lắng, ao xử lý nước thải, mương cấp nước và mương tiêu nước, hệ thống bờ và đê bao, cống nấp và cống tháo nước, bãi phơi bùn đáy ao... Nên thả tôm vào sáng sớm hoặc chiều mát. Không thả tôm vào lúc trời mưa to gió lớn, bởi khí hậu thay đổi đột ngột khiến tôm dễ chết.
Có thể bạn quan tâm
Để tránh tình trạng việc trồng khoai lang không theo quy hoạch dẫn đến mất mùa, không bán được giá, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu theo quy trình sản xuất sạch VietGAP tại ấp Thành Hậu (xã Thành Đông, huyện Bình Tân).
Lời khuyên của chuyên gia nông nghiệp: Tích cực làm cỏ, bón phân cho lúa và hoa màu các loại đã trồng, cung cấp đủ nước cho cây nhất là lúa để chúng đẻ nhánh tốt.
Sau gần 50 năm chủ trương đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính với nhiều đối tượng vật nuôi, giờ chỉ còn hy vọng vào con vịt và gà thả vườn.
Không thể phủ nhận việc Việt Nam trúng thầu XK 800 ngàn tấn gạo sang Philippines sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong nước. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những băn khoăn, lo ngại...
Giới phân tích cho rằng chiến tranh về giá giữa ba nhà XK lớn ở châu Á là Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ có thể xảy ra tới đây.