Sẵn sàng cho vụ mía mới
Trong tháng 9 này, khả năng người dân huyện Phụng Hiệp sẽ thu hoạch khoảng 1.700ha mía chín sớm.
Khởi sắc với giá mía đầu vụ
Niên vụ 2015 - 2016, toàn huyện Phụng Hiệp đã trồng được 7.805ha mía. Trong đó giống mía chín sớm là 4.895ha, chiếm 62,72% diện tích trồng; còn lại là giống mía chín trung bình và muộn. Hiện giống mía chín sớm, chủ yếu là ROC 16 đã đạt từ 9 chữ đường trở lên.
Nếu so với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì giống mía ROC 16 hoàn toàn đảm bảo yêu cầu thu hoạch. Đáng kể là giá mía nguyên liệu đạt 10 chữ đường (CCS) được doanh nghiệp thu mua tại rẫy khoảng 850 đồng/kg. Cho nên không ít hộ dân đều mong muốn bán sớm để tranh thủ gieo sạ thêm vụ lúa liếp.
Đây là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao mà người dân ở một số nơi trong vùng mía nguyên liệu của huyện Phụng Hiệp đã đốn khoảng 374ha để bán mía chục cho thương lái bên ngoài, với giá dao động 25.000 - 32.000 đồng/chục, tương đương 800 - 830 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho rằng với mức giá khá cao như hiện nay thì sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi héc-ta, người trồng mía có thể thu lợi nhuận 15 triệu đồng. Vì thế, khả năng trong tháng 9 này, toàn huyện sẽ thu hoạch khoảng 1.700ha mía chín sớm.
Gần nửa tháng qua, Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát đã chính thức vào vụ. Hiện tại, công ty đang triển khai công tác thu mua nguồn nguyên liệu ở các địa bàn có lượng mía chín sớm của huyện Phụng Hiệp như Hòa Mỹ, Phương Bình, Hòa An.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, đại diện Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát, có nơi mía ROC 16 đã đạt trên 10 CCS. Quan trọng là bước đầu, giá mía khá hấp dẫn, từ 850 đồng/kg trở lên nên có thể người dân sẽ đẩy mạnh thu hoạch trong vài ngày tới. Tuy nhiên, nước lũ năm nay về trễ đã gây khó khăn cho quá trình vận chuyển mía nguyên liệu về nhà máy.
Tránh tình trạng thu hoạch tràn lan
Theo kế hoạch, các nhà máy, xí nghiệp trực thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) sẽ vào vụ ép mía từ ngày 20 đến 29-9 tới. Trong đó, ưu tiên cho vùng có nguy cơ ngập lũ, những địa phương đã ký kết hợp đồng bao tiêu với công ty như Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, Búng Tàu hoặc các giống mía có thời gian thu hoạch sớm như ROC 16.
Ngoài ra, công ty đã đưa ra mức giá mua mía 10 CCS tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp là 940 đồng/kg; Xí nghiệp đường Vị Thanh là 965 đồng/kg. Trường hợp mía có chữ đường trên 10 CCS sẽ tăng 10 đồng/kg/0,1 CCS; dưới 10 CCS giảm 7 đồng/kg/0,1 CCS.
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, khuyến cáo năm nay nước lũ về chậm, nhất là giá mía đầu vụ cao hơn cùng kỳ năm rồi nên bà con đừng vội thu hoạch để xuống giống lúa liếp mà phải chờ mía trên rẫy thực sự chín để tránh làm ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận do năng suất, chữ đường còn thấp.
Riêng, phía công ty sẽ không thu gom tràn lan mà chỉ tập trung thu mua mía nguyên liệu theo đúng địa chỉ, vùng phân chia cụ thể. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ thêm các thiết bị xác định độ chín, đo chữ đường cho một số hợp tác xã, câu lạc bộ tham khảo trước khi đưa ra quyết định đốn mía bán cho doanh nghiệp.
Tại buổi họp bàn công tác điều hành thu hoạch mía niên vụ 2015 - 2016 với các doanh nghiệp và địa phương trong vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp mới đây, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, yêu cầu ngành nông nghiệp huyện và các địa phương tiếp tục rà soát diện tích trồng giống chín sớm ở từng khu vực cụ thể để có cơ sở điều hành, chỉ định phương tiện thu mua mía nguyên liệu cho bà con được tập trung, chính xác, đảm bảo mía tại rẫy đạt từ 10 CCS trở lên.
Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra và thông tin về chữ đường để người dân nắm rõ, sau đó chọn ngày thu hoạch cho phù hợp.
Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, đến nay Công ty Casuco đã ký kết hợp đồng bao tiêu khoảng 4.692ha mía của người dân các xã, thị trấn là Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, Tân Long, Phụng Hiệp, Búng Tàu và Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; với sản lượng ký kết 469.140 tấn.
Riêng Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát sẽ triển khai thu mua 1.585ha mía của người dân ở các xã, thị trấn như Hòa An, Phương Bình, Phương Phú, Hòa Mỹ, Cây Dương; ước sản lượng 145.759 tấn mía.
Có thể bạn quan tâm
Sau hơn 1 năm nuôi thử nghiệm, ông Lê Văn Dũng, Chi hội Nghề cá Chợ Vàm (Phú Tân - An Giang), nuôi thành công cá chép giòn, cá trắm giòn trong điều kiện khí hậu, môi trường ở An Giang.
Tính đến cuối tháng 3-2014, chỉ riêng 3 tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Cà Mau, Sóc Trăng và Trà Vinh đã có trên 5.000 héc ta tôm nuôi bị thiệt hại. Tỉnh Sóc Trăng bị nặng nhất với hơn 30% diện tích tôm thả nuôi đã thất bại hoàn toàn.
Trong khi tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi chưa được khống chế, nhất là bệnh gan tuỵ, nông dân luôn mong chờ nguồn tôm giống đạt chất lượng để giảm mức thấp nhất rủi ro trong quá trình nuôi.
Có mặt tại Trại cá Hòa Sơn (Trung tâm Thủy sản) vào ngày đầu tháng 4, chúng tôi thấy có khá nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến mua cá giống. Anh Hoàng Văn Quách, một khách hàng ở tận xã Huyền Tụng, thị xã Bắc Kạn (Bắc Kạn) đợi mua cá giống từ sáng sớm cho biết: Tôi đầu tư chăn nuôi cá được 7 năm thì có đến 5 năm mua con giống ở đây về nuôi.
Nói đến mô hình nuôi cá lóc, người dân xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa (Long An), đều biết đến anh Trần Văn Ẩn, ở ấp Bình Tây 1. Anh Ẩn là người đầu tiên áp dụng mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới và được nhiều người dân trong xã học tập và nhân rộng để tăng thu nhập.