Sản phẩm địa phương sẽ làm nên thương hiệu quốc gia?
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác quảng bá cho chương trình Thương hiệu Quốc gia, khuyến khích động viên các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia và phát triển thương hiệu quốc gia cho sản phẩm địa phương, ngày 13.7, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua sản phẩm.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chia sẻ, nhận thức rõ tầm quan trọng của thương hiệu trong thương mại hiện đại, tỉnh Hưng yên đã có ý tưởng xây dựng thương hiệu cho Nhãn lồng Hưng Yên từ trước năm 2004. Sau 2 năm thực hiện, hiện sản phẩm nhãn lồng đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Từ khi có thương hiệu, "Nhãn lồng Hưng Yên" đã khẳng định được vị trí, vai trò trong tâm trí khách hàng, giá trị sản phẩm được tăng lên, thu nhập của người dân trồng nhãn ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên vẫn còn một số hạn chế như thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, công tác tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít; công tác quản lý giám sát thị trường hạn chế, hiện tượng bán trà trộn nhãn khác dùng bao bì, túi đựng, mạo danh Nhãn lồng Hưng Yên thường xuyên xảy ra; chưa gắn kết được sản xuất và tiêu thụ, chưa xây dựng được hệ thống phân phối ổn định,...
Nhận định về việc xây dựng thương hiệu cho một số loại cây trồng có lợi thế xuất khẩu tại Việt Nam, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với thương hiệu lúa gạo, hiện nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.
Theo ông Trung, mặc dù với sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng khá, chiếm vị trí cao trên thị trường thế giới nhưng giá trị xuất khẩu trên đơn vị sản phẩm lại thấp do chất lượng gạo Việt Nam còn thấp, độ lẫn giống còn cao, chưa có thương hiệu riêng mà phải mang một nhãn hàng khác của quốc gia nhập khẩu. Các thương hiệu sản phẩm gạo đã góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, được các bạn hàng trong và ngoài nước biết đến, tạo được lòng tin cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cần có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, hiệp hội và người nông dân.
Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các vùng, miền, nhờ vậy, các vùng, miền đó đã có bước phát triển ấn tượng ở tầm quốc gia, tạo thành sức mạnh để quốc gia vươn ra thế giới, tạo vị thế cao ở trong nước và trên thị trường xuất khẩu quốc tế.
Tên tuổi của nhiều doanh nghiệp Việt Nam gắn với các thương hiệu vùng, miền theo đó cũng được khẳng định. Tuy vậy, vẫn còn những mục tiêu lớn phải hướng tới nhằm hoàn thiện và không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu.
Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Diễn đàn Thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương được tổ chức trong bối cảnh các địa phương đang nỗ lực kết hợp phát triển kinh tế với việc chú trọng xây dựng hình ảnh về địa phương, vùng, miền gắn với chỉ dẫn địa lý để nâng cao hình ảnh quốc gia trong con mắt của cộng đồng quốc tế.
Vì vậy, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu vùng, miền vừa cấp thiết trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực về nhiều mặt và của các ngành, các địa phương. Chia sẻ về mô hình xây dựng thương hiệu địa phương, vùng miền liên quan tới xây dựng Thương hiệu quốc gia, ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chuyên gia Ban tư vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia nhận định, vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia đang ngày một nóng lên trên thế giới.
Hiện nay, có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình này. Ở khu vực Đông Nam Á, trừ Lào và Campuchia, thì các quốc gia còn lại cũng đang trong những giai đoạn thực thi chiến lược. Việt Nam đương nhiên không thể nằm ngoài quy luật.
Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vừa cấp thiết trước mắt vừa là chiến lược lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực về nhiều mặt của các ngành, các địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Từ việc trồng cây rau màu, cấy lúa kém hiệu quả, hàng trăm hộ dân ở các tỉnh Sơn La, Vĩnh Phúc... đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng ngô, đặc biệt là việc đưa cây ngô biến đổi gen (BĐG) vào sản xuất…
Hiện nay, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hoặc đã quá hạn sử dụng đang trôi nổi trên thị trường Bình Định khiến nhà nông khó khăn khi chọn mua. Với hình thức bán dạo lén lút, hoạt động tận những vùng sâu, vùng xa... nên ngành chức năng tại địa phương này đang đau đầu trong việc xử lý triệt để.
“Những năm qua, chúng tôi đã nhập hàng ngàn tấn phân bón Lâm Thao để bón cho hàng trăm ha chè của công ty. Qua theo dõi, thử nghiệm, thấy rằng phân bón Lâm Thao rất phù hợp với cây chè” – bà Nguyễn Thị Phượng - Trưởng phòng Kế toán, Công ty Dịch vụ và phát triển chè Sơn La chia sẻ.