Sản phẩm cá tra cần phải minh bạch
Doanh nghiệp “kêu oan”
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe than thở “doanh nghiệp đang trong tình trạng bị nghi ngờ”. Ông Hòe nói: “Có cảm giác Bộ NN&PTNT không tin tưởng doanh nghiệp”, ông đề nghị trong việc tìm giải pháp đưa ngành cá tra ra khỏi khó khăn cần tin tưởng doanh nghiệp vì doanh nghiệp có vai trò quan trọng xác lập sản phẩm cá tra trên thị trường.
Ông Dương Ngọc Minh cho biết, khó khăn của ngành cá tra là do khó khăn thị trường thực phẩm thế giới nói chung, giá các loại thực phẩm trên thế giới đang giảm. Giá giảm và thị trường thu hẹp nên giá cá tra trong nước phải giảm, và cũng không có khả năng tiêu thụ hết sản lượng nuôi. Phó giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Thạnh, đặt câu hỏi: Khó khăn chính do dâu, do thị trường khách quan hay chủ quan? Ông Hồ Văn Vàng hỏi tiếp: Tại sao doanh nghiệp mua dưới giá sàn để bán rẻ ra thị trường, làm nghèo nông dân?
Từ những đổ lỗi qua lại, hai luồng ý kiến cũng đi đến hai hướng. Đại diện doanh nghiệp đề nghị bỏ Nghị định 36, còn ý kiến ngược lại cảnh báo, nếu bỏ thì ngành cá tra sẽ đổ vỡ. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nói xa xôi nhưng đi thẳng đến mục đích đó. Ông Hòe phân tích, dự thảo sửa đổi đã nâng tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm lên (trước đây Nghị định quy định 10% và 83%, nay dự thảo sửa đổi đề nghị nâng lên 20% và 86%), bỏ già sàn nguyên liệu và xuất khẩu thì cũng nên bỏ việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nói: Như thế cũng có nghĩa bỏ Nghị định 36 là không được.
Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng còn nặng nề hơn: “Tác hại của Nghị định 36 đối với các doanh nghiệp lớn hơn vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn nói: “Bảo Nghị định có tác hại là không đúng”. Ông Dũng chữa lại: “Gây tác hại về tâm lý. Một số doanh nghiệp khủng hoảng tâm lý đã phải đóng cửa”.
Phải rõ ràng thông tin
Cuộc hội thảo “nóng” cũng vì thực trạng ngành cá tra đang rất khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng giảm 11% so với cùng kỳ, giá cá nguyên liệu đang dưới giá thành 3.000 đồng/kg. Một chủ doanh nghiệp ở Tiền Giang cho biết, số lượng hợp đồng xuất khẩu đầu năm nay chỉ bằng khoảng 10% cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân gốc rễ lại ở chất lượng cá tra không ổn định. Một số doanh nghiệp chế biến cá tra không tốt. Nhìn chung, chất lượng sản phẩm cá tra đang có vấn đề. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, qua kiểm tra chỉ có tỷ lệ rất thấp sản phẩm cá tra đạt tỷ lệ mạ băng tối đa 10%, hàm ẩm tối đa 83%. Còn lại cao hơn rất nhiều, thậm chí nếu quy định tỷ lệ mạ băng 20%, hàm ẩm 86% thì vẫn có tỷ lệ đáng kể chưa đạt. Vì thực trạng như thế, để thực hiện Nghị định 36 nâng cao chất lượng cá tra lên tỷ lệ mạ băng 10%, hàm ẩm 83% cần có lộ trình thích hợp.
Bà Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long, cho biết ở tỉnh Vĩnh Long, nông dân nuôi cá tra còn chiếm 45,6% sản lượng và “rất mừng khi có Nghị định 36”. Tuy nhiên, kéo dài thời gian thực hiện thì nông dân đã “thất vọng ê chề”. Bà đề nghị, các khâu trong chuỗi sản phẩm cá tra “cùng hội cùng thuyền, mong không đạp nhau nhau xuống mà xử sự với nhau thật văn minh”.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ Nguyễn Minh Thạnh cùng quan điểm “đừng nên nói với nhau quá nặng nề” mà cần tỉnh táo xem lại vì lợi ích lâu dài. Ông Thạnh nói: “Mục tiêu của Nghị định 36 là tốt đẹp, tại sao không bảo vệ mà đòi bãi bỏ, đả phá ý chí của chính mình? Mới thực hiện thời gian ngắn mà thay đổi cũng chưa phù hợp”. Nghị định 36 được khởi đầu bàn thảo từ năm 2009, đến giữa năm 2014 chính thức ra đời, khi đó chủ yếu do VASEP còn Hiệp hội Cá tra chưa ra đời.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Nguyễn Việt Thắng đặt vấn đề “căn cứ nào để sửa Nghị định 36 và Thông tư 23?”. Theo ông, quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhưng cũng phải quan tâm đến người nuôi để đảm bảo an sinh xã hội, phát triển chuỗi sản phẩm cá tra bền vững. Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Võ Hùng Dũng cũng cho rằng, Nghị định 36 mới ra đời một năm chưa đủ thời gian để đánh giá mà sửa là quá sớm, đặc biệt là nếu sửa “thì phát tín hiệu với thị trường tốt hay xấu?”.
Dù những căng thẳng từ trong hội trường ra cả hành lang lúc giải lao thì cũng có một điều các đại biểu thống nhất, nâng cao chất lượng cá tra là trách nhiệm của cả chuỗi ngành hàng, con đường để tồn tại và phát triển. Trong đó, kiểm soát cả chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc của thị trường. Các sửa đổi Nghị định 36 và Thông tư 23 dù có hay không thì dứt khoát cũng phải minh bạch thông tin sản phẩm trên nhãn hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm
Xà lách xoong rất giàu beta-carotene, vitamin B1, vitamin B6 và những vitamin tan trong dầu như vitamin E, vitamin K. Nó cũng chứa một hàm lượng cao các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như iodine, sắt, calcium, magnesium, kẽm
Sinh ra, lớn lên ở vùng biển nên từ nhỏ Nguyễn Thành Nhơn ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu, Phú Yên), đã quen với sông nước vịnh, đầm nơi đây. Đến khi lập gia đình, anh vào nghề nuôi tôm hùm làm kế mưu sinh và trở thành đại gia tôm hùm
Chiều 27.6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp cùng với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo công bố phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm do vi khuẩn riskettsia - like gây ra tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Đến ngày 14.6, tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà – nơi nuôi tôm hùm nhiều nhất nước, giá tôm hùm thương phẩm loại 1 chỉ còn 800.000 đồng/kg, so với trước đây khoảng 2,8 triệu đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ nhiều năm nay.
Với sự siêng năng, cần cù, chịu khó, mô hình vườn - ao - chuồng - ruộng (VACR) của ông Trần Văn Khải ngụ ấp Ông Gồng, xã Tân Đông (Tiền Giang) cho thu nhập 100 triệu đồng/năm