Sản lượng khai thác thuỷ sản sụt giảm
Mặc dù đang đúng con nước biển nhưng ông Ðặng đã trở về trước hạn.
Ông Ðặng cho biết: “Chi phí cho mỗi chuyến biển là 30 triệu đồng, con nước này ghe tôi chỉ thu khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày.
Chính vì vậy, tôi phải trở về sớm để không lỗ vốn”.
Sở hữu 2 chiếc tàu đánh bắt có công suất 160 CV, ông Nguyễn Văn Ðẹt (ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh) đánh bắt có phần khá hơn do hoạt động tầm xa.
Tuy nhiên, tình hình cũng không mấy khả quan.
Theo ông Ðẹt: “Mấy tháng nay đánh bắt chủ yếu cầm chừng.
Mặc dù chưa đến mức lỗ nhưng chủ yếu đủ bù chi phí.
Ðiều ngư dân phấn khởi là hiện nay giá dầu giảm, giá mực cao.
Tuy nhiên, sản lượng sụt giảm khiến chúng tôi cũng gặp khó”.
Phương tiện nhỏ đánh bắt ven bờ của ngư dân xã Khánh Tiến, huyện U Minh.
Trước tình hình đánh bắt khó khăn hiện nay, nhiều lao động làm thuê cho các ghe biển cũng bắt đầu bỏ nghề.
Chính vì vậy, lực lượng lao động này đang trở nên khan hiếm.
Bên cạnh đó, nhiều chủ ghe đang bức xúc là tình trạng ngư phủ lừa tiền.
Anh Nguyễn Văn Phát, chủ ghe ở cửa biển Hương Mai, cho biết: “Vào mỗi con nước, các ngư phủ đều ứng tiền trước mới chịu ra khơi.
Nhưng khi nhận tiền rồi, họ chuyển sang đi ghe khác, thậm chí bỏ trốn đi làm ăn xa.
Từ đó, các chủ ghe chúng tôi đang khó khăn lại chồng chất khó khăn”.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện U Minh có khoảng 1.000 phương tiện công suất nhỏ, vỏ composite (Khánh Hội hơn 700 chiếc, Khánh Tiến hơn 300 chiếc).
Các loại phương tiện này hành nghề câu mực mé, dùng lưới mắt nhỏ, thậm chí dùng xung điện để đánh bắt.
Bên cạnh đó còn có đội tàu với công suất từ 30 CV trở lên với gần 500 chiếc, chủ yếu đánh bắt tầm gần.
Thực hiện Nghị định 67 của Thủ tướng Chính phủ, huyện U Minh được phân bổ chỉ tiêu đóng mới 10 tàu.
Tuy nhiên, đến nay những ngư dân này vẫn chưa vay được tiền do vướng mắc về thủ tục.
Ông Ðặng chia sẻ: “Biển đã trở thành cái nghiệp của gia đình.
Dù có như thế nào tôi cũng sẽ cố gắng bám biển.
Nếu được hỗ trợ, cũng chỉ mong Nhà nước cho vay ưu đãi vài trăm triệu đồng nâng cấp ghe lớn để đánh bắt xa hơn.
Còn đầu tư tiền tỷ để theo nghề biển thật sự tôi không dám vì chưa biết hiệu quả đánh bắt ra sao”.
Anh Phát thì bi quan hơn: “Qua mấy chuyến biển thua lỗ, thực sự tôi đang cân nhắc đến chuyện bán ghe để chuyển đổi nghề khác.
Do chưa kiếm được việc gì phù hợp nên vẫn cố gắng làm, còn nâng cấp thì tôi không nghĩ đến, dù đóng ghe lớn hay nhỏ”.
Trước tình hình đánh bắt khó khăn như hiện nay, huyện U Minh được chọn để triển khai thực hiện Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Theo đó, vùng biển thuộc xã Khánh Hội và Khánh Tiến sẽ được khoanh nuôi khu vực ven bờ để bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản.
Ông Phạm Văn Út, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến, cho biết: “Hiện nay, Dự án CRSD đang được triển khai thực hiện giai đoạn 1.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang phối hợp với xã Khánh Tiến bố trí nhân lực cũng như thành lập tổ quản lý dự án.
Sắp tới sẽ khoanh nuôi toàn bộ vùng ven bờ, từ đất liền trở ra khoảng 6 hải lý.
Khi chính thức đi vào hoạt động có quy định rõ vùng đánh bắt, phương thức khai thác thuỷ sản, kích cỡ lưới… Nếu làm tốt dự án này thì đây là tín hiệu vui cho ngư dân”.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều người dân nuôi cá thiệt hại nặng do ảnh hưởng do phân bò gây ô nhiễm từ các trại bò quy mô lớn
Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nếu các nhà máy sản xuất nhập khẩu nguyên liệu tồn dư chất cấm thì nên áp dụng hình thức xử phạt cao nhất là đóng cửa 6 tháng đến một năm.
Ở thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi chưa dám hoặc không thể tái đàn gà vì thiếu vốn. Do đó, rất có thể dịp Tết Nguyên đán sắp tới giá gà sẽ là một ẩn số.
4 năm trở lại đây, với sự “đỏng đảnh” của cây mía, diện tích vùng mía ở Đông Nam bộ cũng như ở các vùng, miền khác trong nước đã giảm đáng kể.
Thời gian qua, rệp sáp bột hồng gây hại sắn ở hầu hết địa phương trong tỉnh Phú Yên (trừ TP Tuy Hòa). Có thời điểm, rệp sáp bột hồng phát sinh gây hại cao nhất lên đến trên 315ha, lúc đó huyện Sông Hinh có diện tích sắn bị nhiễm rất cao.