Nuôi rắn ri cá, quyết tâm khá giàu
Mặc dù vẫn duy trì nghề nuôi lươn, nhưng anh Huỳnh Vũ Cần, ấp Tân Hòa A, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) chỉ xem đây là nguồn thu trong ngắn hạn; còn dài hạn, anh đang tập trung đầu tư cho mô hình nuôi rắn ri cá, bởi theo anh, đây mới chính là đối tượng nuôi có thể giúp anh vươn lên khá giàu trong tương lai.
Theo anh Cần, nếu bán rắn ri cá ở thời điểm hiện tại giá khoảng 450.000 đồng/kg - Ảnh: XT
Cách nay 5 năm, anh Cần cũng từng nuôi lươn trong vèo khá thành công, nhưng cũng chỉ được 3 năm thì lươn bắt đầu phát sinh bệnh ghẻ, nên anh chuyển sang nuôi lươn bùn bằng hồ lót bạt. Dù với chỉ 22 m2 diện tích nuôi, nhưng mỗi năm anh cũng thu lợi nhuận từ 30 - 50 triệu đồng. Hiện anh vẫn đang tiếp tục thực hiện mô hình nuôi lươn bùn vì theo anh, nuôi lươn bùn có hiệu quả hơn nuôi không bùn nhờ bán được giá cao hơn (khoảng 10.000 đồng/kg). Chỉ cho chúng tôi xem thau lươn giống khoảng 500 con mới mua về, anh Cần chia sẻ: “Lươn giống loại này giờ cũng 3.500 đồng/kg, nhưng phải qua tận bên Phụng Hiệp mới có. Dù lươn thịt loại I hiện có trên 200.000 đồng/kg, còn bán xô cũng được 140.000 đồng/kg, nhưng tôi vẫn quyết định chỉ dành 3 hồ nuôi lươn, còn lại là để nuôi rắn ri cá”.
Quyết định không mở rộng số hồ nuôi lươn, mà dành phần nhiều cho con rắn ri cá được anh Cần giải thích: “Thật ra mới có một hai năm nay là lươn có giá và dễ bán, chứ hồi trước, mỗi lần muốn bán rất khó, chỉ được vào chục ký trở lại. Riêng với con rắn ri cá này, do nguồn giống còn hiếm, ít người nuôi trong khi nhu cầu thị trường cao nên giá lúc nào cũng cao và có bao nhiêu lái cũng mua hết. Vì vậy, sau khi suy tính, tôi quyết định sẽ đầu tư nhiều hơn cho rắn ri cá coi như là vốn tích lũy, còn con lươn là để chi tiêu hàng ngày trong gia đình”.
Do chỉ mới thử nghiệm và giá con giống khá cao (20.000 đồng/con), nên trong lần nuôi đầu tiên (vào tháng 8/2018) anh Cần mới bắt 150 con về để nuôi. Với nguồn lợi cá đồng tự nhiên tại địa phương khá dồi dào nên anh không mất tiền mua thức ăn, mà mỗi ngày anh đánh bắt khoảng 1 - 2 kg cá rô phi, cá sặc… về đổ vào bể nuôi làm thức ăn cho rắn ri cá. Sau 1 năm nuôi, hao hụt chỉ có 12 con và hiện đàn rắn ri cá của anh có trọng lượng bình quân khoảng 700 g/con. Theo anh, nếu cung cấp đủ thức ăn, chỉ sau 1 năm, rắn ri cá sẽ đạt trọng lượng khoảng 1 kg/con.
500 lươn giống chuẩn bị thả nuôi
Bên cạnh hồ rắn ri cá đầu tiên đang sinh sản anh còn một hồ với 100 con được vài tháng, nên theo anh chỉ cần khoảng 2 năm nữa là anh có cả trăm triệu bởi rắn ri cá càng lớn, càng có giá cao. Anh Cần cho biết: “Nuôi rắn ri cá này trọng lượng phải đạt từ 2 kg trở lên thì mới có giá và lợi nhuận mới cao. Tuy nhiên, nếu nuôi rắn thịt phải chọn nhiều rắn cái, vì chỉ có rắn cái mới đạt trọng lượng cao, còn rắn đực chỉ khoảng 500 g là hết lớn”. Hiện dù chưa thu hoạch, nhưng anh Cần vẫn rất tự tin vào khả năng thành công với nghề nuôi rắn ri cá của mình: “Cao lắm là khoảng 3 năm nữa thôi là tôi có vài trăm triệu đồng trong tay vì hiện tại, có rất ít người nuôi, trong khi nguồn rắn giống từ tự nhiên bây giờ rất hiếm, giá cao, còn con giống nhân tạo cũng không có nhiều nơi cung cấp, nên nguồn cung rắn ri cá thịt luôn luôn thiếu hụt so với nhu cầu thị trường trong nước lẫn xuất khẩu qua Trung Quốc, chắc chắn giá bán sẽ luôn cao”.
Hiện tại, giá rắn ri cá loại 1,2 - 2 kg/con được thương lái đến thu mua 450.000 đồng/kg, còn loại trên 2 kg có giá từ 500.000 đồng/kg trở lên, nhưng anh quyết định không bán mà để lại tất cả để nhân giống, mở rộng diện tích nuôi vì hiện đã có một vài con bắt đầu sinh sản, hơn nữa giá con giống hiện 40.000 đồng/con nhưng vẫn rất khó mua.
Có thể bạn quan tâm
Chanh ngón tay của ông Anh vừa được một khách sạn 5 sao ở TP HCM đặt mua với giá 2 triệu đồng một kg.
Mặc dù thời tiết năm nay không được thuận lợi, đầu vụ nắng nóng, ít mưa, nhưng nhờ được trồng theo công nghệ Nhật Bản nên thanh long luôn nặng trĩu quả.
Trạm Khuyến nông thị xã Thái Hòa đã triển khai mô hình nuôi cá lồng trắm, chép giòn tại hộ ông Võ Xuân Hương ở xóm 16, xã Nghĩa Thuận và cho hiệu quả cao.