Sắn Chết Hàng Loạt, Nông Dân Gặp Khó Ở Tuy An (Phú Yên)
Hơn 2 tháng nay, tại các xã miền núi huyện Tuy An (Phú Yên), 70% diện tích sắn không mọc rễ, không nảy mầm và bị chết hàng loạt. Nguyên nhân ban đầu là do nắng hạn kéo dài kết hợp không khí lạnh khiến đất khô cằn.
Ông Nguyễn Văn Sang ở thôn Xuân Trung, xã An Xuân cho biết: “Vụ này gia đình tôi trồng hơn 1ha. Trước Tết Nguyên đán, tôi đã cày đất, bón phân, xuống giống như các vụ trước nhưng sắn không mọc mà cứ chết dần.
Sau tết tôi phải phá bỏ, tiếp tục thuê người cày lại đất và lên xã Sơn Phước (Sơn Hòa) mua giống để trồng nhưng sắn cũng không mọc và bị chết như lần trước.
Tiền thuê máy cày hơn 8 triệu đồng, mua phân NPK bón lót hơn 4 triệu đồng và mua giống trồng lại lần hai gần 2 triệu đồng (ước tính ban đầu thiệt hại hơn 14 triệu đồng), chưa tính phân chuồng sẵn có và công nhà bỏ ra”.
Còn ông Nguyễn Thanh Phong cũng ở thôn Xuân Trung cho biết, hơn 2,5ha sắn của ông cũng bị chết như hộ ông Sang. Ông Phong trồng giống KM94 và giống sắn cao sản có nguồn gốc từ Tây Ninh nhưng các giống này chủ yếu lấy từ vụ trước.
Theo người dân ở đây, từ trước Tết Nguyên đán đến nay ở xã An Xuân chưa có mưa lớn, sáng sớm thường có sương mù và trời lạnh làm cho đất bị khô, đây có thể là nguyên nhân làm cho cây sắn không mọc và bị chết hàng loạt. Khi đào những hom sắn bắt đầu có triệu chứng chết thì phát hiện bị con mối ăn rỗng trong ruột. Nhiều hộ trồng sắn ở xã An Xuân hiện không dám xuống giống trồng lại lần ba, đa số bà con chờ có mưa mới dám trồng tiếp…
Hiện đa số diện tích trồng sắn của nông dân xã An Xuân trong niên vụ 2013-2014 đều bị chết, trong đó có các hộ: Đinh Văn Hùng 1ha, Nguyễn Thị Hồng Kiều 1,5ha, Nguyễn Thị Thu trồng hơn 2ha… Các diện tích sắn có tỉ lệ cây chết từ 70 đến 100%; nhiều hộ đã trồng lại lần hai nhưng cũng bị chết.
Bà Trần Thị Hồng Lan ở xã An Xuân cho biết: “Một bó sắn giống khoảng 20 cây hiện nay mua khoảng 10.000 đồng, nhưng tại địa phương không còn nên chúng tôi phải đến các huyện Tây Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân… để mua.
Chưa có năm nào sắn bị chết như năm nay. Hiện nay cây sắn giống mua cũng không ra. Hơn 1ha sắn của tôi khi phát hiện bị héo lá, gia đình đã kéo ống nước để bơm tưới nhưng sắn cũng bị chết nhưng tỉ lệ chết thấp hơn.
Không biết ngoài nguyên nhân khô hạn thì còn có nguyên nhân gì khác? Bà con nông dân kiến nghị Nhà nước quan tâm tìm ra nguyên nhân cây sắn bị chết trên địa bàn xã và có chính sách hỗ trợ, cung cấp cây giống cho bà con tiếp tục trồng vì hiện nay tìm giống không có”.
Ông Trần Quang Minh, Chủ tịch UBND xã An Xuân, cho biết: “Hiện chưa thể thống kê số diện tích sắn bị chết, nhưng xã đã khuyến cáo bà con nên chờ cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân gây chết cây sắn và chờ có mưa thì mới trồng lại, tránh thiệt hại. UBND xã cũng đã báo cáo việc này cho Phòng NN-PTNT huyện để có hướng chỉ đạo tiếp theo”. Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết:
“Không chỉ xã An Xuân mà nhiều xã miền núi của huyện đều có sắn bị chết. Phòng NN-PTNT huyện đã cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở nắm tình hình, nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời tiết khô hạn cộng với không khí lạnh làm cho đất bị khô cằn, hom sắn mới trồng không mọc rễ và không nảy mầm được, nên bị con mối ăn rỗng ruột làm cho sắn bị chết hàng loạt. Hiện huyện Tuy An có khoảng 560ha đất trồng sắn, chủ yếu tại xã An Xuân và An Nghiệp.
Đến nay, bà con đã trồng hơn 270ha. Theo các địa phương báo cáo, ước tính ban đầu tỉ lệ sắn bị chết trên 70%, trong đó có nhiều diện tích đã trồng lại lần hai nhưng sắn vẫn bị chết.
Phòng NN-PTNT huyện đã khuyến cáo bà con trồng sắn trên địa bàn cần làm đất kỹ và bón phân, chờ trời có mưa tiếp tục trồng lại hoặc chuyển số diện tích trên sang trồng các loại cây khác có khả năng chịu hạn”.
Có thể bạn quan tâm
Các tỉnh Tây Nguyên hiện có hơn 28.000 ha hồ tiêu, chủ yếu tập trung tại 3 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông, với năng suất đạt 3,5 tấn/ha.
Năm 2009, anh Nguyễn Văn Hoan ở khu phố Phú Tân, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài - Bình Phước) được một người giới thiệu trồng cây hông (Paulownia) cho lợi nhuận cao. Với ước muốn làm giàu, anh Hoan đã bỏ hàng ngàn USD mua giống trồng để rồi thu về “trái đắng”.
Những năm gần đây, việc phát triển hình thức tưới cà phê bằng béc phun mưa tự động đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực, đặc biệt làm giảm đi phần nào gánh nặng về tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới trong mùa khô đối với người trồng cà phê…
Theo đó, Bộ Tài chính quy định giá mua tối đa (đã có thuế giá trị gia tăng) thóc rời vụ Đông Xuân năm 2013 - 2014 đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ Nhà nước giao trên phương tiện bên bán tại cửa kho dự trữ là 6.300 đồng/kg.
Cũng từ nguồn tin trên, vụ Hè Thu này, Tân An Luông có thêm 990 hộ nông dân đưa hơn 402ha đất ở các Ấp 3, 4, 5, Rạch Cốc và Bào Xép vào sản xuất cánh đồng mẫu lớn; nâng diện tích trồng lúa được đưa vào cánh đồng mẫu lớn là 99%.