Rì Rào Đồng Lúa Mường Thanh
Tháng 10, trên khắp cánh đồng Mường Thanh đâu đâu cũng tấp nập là tiếng người hòa vang cùng tiếng máy. Mường Thanh vào mùa gặt, dọc đôi bờ sông Nậm Rốm là màu vàng óng ả của lúa xen lẫn màu xanh của ngói mới, của những màu tôn đỏ, tôn xanh. Cánh đồng Mường Thanh hiện ra như một bức tranh hữu tình tuyệt đẹp.
Bước xuống những thửa ruộng tại xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, mặc cho những lá lúa sắc như dao cứa vào da thịt, chúng tôi như bị hút hồn bởi màu vàng óng, bao la của lúa trên nền trời mùa thu xanh thẳm. Tiếng nói, tiếng cười rộn rã xen lẫn với động tác gặt nhịp nhàng, thoăn thoắt của những đôi tay đã dạn dày sương gió.
Hương lúa mới ngòn ngọt quện vào từng cơn gió khiến lòng người như cũng nhẹ nhàng, khoan khoái hơn. Cầm những bông lúa nặng trĩu mới gặt, anh Vũ Hữu Khanh, đội 3B, thôn Cộng Hòa, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên hồ hởi cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình anh gieo trồng 5.000m2 giống lúa Bắc thơm số 7.
Trước lúc lúa trổ bông có một số diện tích bị nhiễm bệnh khô vằn, bạc lá, sâu cuốn lá, người nhà anh Khanh lo lắm. Song nhờ có cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn nhà nào nhà ấy trong thôn Cộng Hòa đã chủ động phun thuốc phòng, chống bệnh cho lúa kịp thời nên hạn chế tác hại của sâu bệnh. Vì vậy mà năng suất vụ này cũng khá hơn nhiều so với vụ trước.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, anh Khanh cùng 3 người trong gia đình khẩn trương xuống ruộng gặt lúa, như gặt về niềm vui sau bao tháng ngày gieo hạt chăm cây.
Cạnh thửa ruộng gia đình anh Vũ Hữu Khanh là hơn 4.000m2 ruộng nhà ông Lê Viết Tiến, thôn Thanh Đông, xã Thanh Luông. Nhà neo người nên gia đình thuê 2 người cùng gặt. Bữa trưa chủ nhà và người gặt thuê cùng ăn ở ruộng và tranh thủ vài phút ngả lưng để chuẩn bị buổi gặt mới…
Gạt đi những giọt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt xạm đen vì nắng, ông Tiến tâm sự với chúng tôi về chuỗi tháng ngày gắn bó với cây lúa. Với ông và nhiều người trong gia đình ông thì cây lúa không chỉ là cây lương thực, là nguồn sống mà còn là loại cây gắn bó nhiều đời.
Từ ông nội đến bố và giờ đến ông, đều có làm thêm nhiều nghề nhưng chưa người nào bỏ cây lúa. Vì vậy mà trồng lúa, hiểu lúa người nhà ông rõ lắm. Ông Tiến tự tin khẳng định khéo chăm lúa và lúa sẽ không phụ công người...
Nhìn nụ cười mãn nguyện của những người nông dân như ông Tiến, tôi thầm nghĩ ước gì ở nơi nơi người nông dân đều yên tâm gắn bó với ruộng đồng như ông Tiến thì chắn chắn là mùa màng sẽ bội thu và ruộng đồng không còn cảnh bỏ không...
Tìm hiểu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, chúng tôi mới biết vụ mùa năm nay, toàn huyện Điện Biên gieo cấy hơn 6.200ha. Trong đó, vùng lòng chảo hơn 4.100ha chủ yếu các giống: Bắc thơm số 7, hương thơm số 1, IR 64...
Với mục tiêu đề ra, phấn đấu năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, ngay từ đầu vụ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã cử cán bộ hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời khuyến cáo bà con bám sát đồng ruộng, căn cứ vào diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng của lúa để điều chỉnh lượng nước, phân bón phù hợp. Trước mùa gặt, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã đi thăm đồng định sản. Theo dự ước, năng suất lúa mùa ở lòng chảo đạt 62 tạ/ha, vượt 0,5 tạ/ha so với kế hoạch HĐND huyện đề ra.
Nhiều giống lúa trên cánh đồng Mường Thanh cho năng suất, sản lượng tốt như giống Bắc thơm số 7, nghi hương mới tạo nên thương hiệu cho gạo tám Điện Biên. Đi thêm nhiều nơi trên cánh đồng Mường Thanh, như: Thanh Chăn, Thanh Yên... đâu đâu cũng thấy cảnh người tấp nập, háo hức làm mùa.
Anh Lò Văn Hiếu, xã Thanh Chăn, cho biết: Cùng với việc trồng các giống lúa thuần, gia đình anh vẫn dành phần lớn diện tích để gieo cấy lúa nghi hương để dự trữ lương thực cho gia đình và bán cho nhiều cửa hàng trên địa bàn thành phố...
Chiều về trên cánh đồng Mường Thanh từng đàn trâu thong dong gặm cỏ và những gốc rạ, thỉnh thoảng tiếng mõ lốc cốc rơi giữa trời chiều khiến đàn cò trắng giật mình bay đi như những nốt nhạc đồng quê nhẹ nhàng. Nhìn những ánh mắt lấp lánh niềm vui của người nông dân Mường Thanh, tôi chợt nghĩ về những giọt mồ hôi mặn mòi của họ.
Đã bao nhiêu năm rồi người nông dân vẫn thế, vẫn cần mẫn trên cánh đồng để làm ra hạt gạo Mường Thanh. Trong kháng chiến, gạo Mường Thanh góp phần nuôi anh bộ đội “khoét núi ngủ hầm” làm nên trận Điện Biên Phủ lừng lẫy thì nay, gạo Mường Thanh đem no ấm cho người nông dân.
Vụ mùa này, sau bao vất vả chăm bón, cánh đồng Mường Thanh lại thêm một vụ mùa bội thu, thêm ấm lòng những người nông dân xứ Mường Trời.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay một số địa phương trên địa huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) xảy ra tình trạng tôm bệnh, tập trung tại thị trấn Sịa (4 ha), xã Quảng Phước (3 ha) và xã Quảng Công (1 ha) với số lượng tôm bị bệnh trên 120 vạn con. Trước tình hình trên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã cử cán bộ kỹ thuật tiến hành lấy mẫu giáp xác tại các hồ nuôi để kiểm tra các chỉ tiêu môi trường. Kết quả kiểm tra mầm bệnh bằng phương pháp PCR cho thấy các hồ nuôi tôm trên bị nhiễm bệnh vi rút đốm trắng. Để khống chế dịch bệnh, không để lây lan sang các hồ khác, Phòng NN&PTNT huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành lập biên bản đóng cống các hồ nuôi xen ghép tôm cá, tiến hành thả cá ở những hồ này. Đối với những hồ nuôi chuyên tôm, tiến hành xử lý rãi hóa chất Chlorin để tiêu diệt mầm bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật mới tiếp tục thả nuôi.
Một thời gian dài, cây hồ tiêu được xem là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao của nông dân xã Văn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, những vườn tiêu hàng nghìn gốc của bà con nơi đây bỗng dưng chết rụi…
Hiện nay có rất nhiều mô hình làm kinh tế của đoàn viên, thanh niên trong huyện Cái Nước (Cà Mau) mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến mô hình nuôi thỏ giống của anh Nguyễn Văn Trạng, Bí thư Chi đoàn ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước.
Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.
Vỗ béo bò trước khi bán mang lại hiệu quả cao nhờ tăng khối lượng và chất lượng thịt. Vỗ béo là biện pháp tích cực để phát huy khả năng sinh trưởng bù của bò khi ở giai đoạn trước không nuôi thâm canh.