Rau VietGAP Tiến Quân Vào Chợ Thành Phố Hồ Chí Minh

Sau khi đã có chỗ đứng vững vàng trong siêu thị, rau VietGAP bắt đầu quay trở lại cuộc “tiến quân” ra chợ.
Khác với mấy năm trước, khi rau VietGAP còn nằm lẫn với rau thường, khó phân biệt mà giá bán lại cao, bị người tiêu dùng chê, thì lần trở lại lần này rau VietGAP đã ở một vị thế khác, có cửa hàng riêng khang trang. Chỉ cần tới đầu chợ Trần Hữu Trang (Phú Nhuận), chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình) hay chợ Tân Định (quận 1)… hỏi mọi người cửa hàng bán rau sạch, rau VietGAP là bà con sẽ chỉ ngay: “Cái cửa hàng đẹp đẹp, bày bán toàn rau trong bao bì là nó đó”.
Chị Tú Quỳnh ở phường 11, quận Phú Nhuận, khen: “Chợ Trần Hữu Trang vừa có cửa hàng rau VietGAP của Công ty Phú Lộc khoảng 1 tháng nay, gần sát bên là cửa hàng rau VietGAP của Vissan. Tôi thấy rau VietGAP sạch sẽ, đựng trong bao bì và có dán nhãn mác đàng hoàng, giá cả lại không quá mắc, chỉ hơn rau trong chợ chỉ khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg nên gia đình mấy tuần nay đã đổi qua ăn rau VietGAP cho an toàn”.
Ông Lương Tấn Luận - Chủ tịch HĐQT Công ty XNK Nông sản an toàn cho biết, công ty vừa mới tham gia thị trường rau VietGAP với 4 cửa hàng ở khu vực các chợ Tân Định, Cô Giang, Trần Hữu Trang, Phạm Văn Hai. Cửa hàng được đặt sát mặt đường để khách tiện ghé vào chọn mua, với khoảng hơn 70 loại rau, củ quả các loại. Tuy mới mở khoảng 1 tháng nhưng tiêu thụ khá tốt, hiện mỗi cửa hàng bán được khoảng vài tấn rau/ngày. Dự kiến từ nay đến cuối năm, công ty sẽ mở thêm 7 điểm bán hàng nữa tại các chợ ở TP.HCM.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Thỏ Việt cũng đang có chiến lược “tấn công” ra chợ với mục tiêu tăng sản lượng bán ra mỗi ngày từ 40 - 50 tấn rau củ, trái cây VietGAP hiện nay lên 200 tấn/ngày vào năm 2014. HTX đang ráo riết tìm kiếm các vị trí thuận lợi làm mặt bằng mở cửa hàng và điểm tập kết rau VietGAP bán cho tiểu thương ở các chợ. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Chủ nhiệm HTX Thỏ Việt, tiểu thương các chợ đã tham quan trang trại trồng rau của HTX và khá ưng ý nên đã đặt hàng HTX cung ứng rau quả VietGAP hàng ngày cho họ.
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức cũng cho biết, khách hàng và các chợ lẻ đang có nhu cầu cần tiêu thụ rau quả VietGAP nên công ty đang xúc tiến liên hệ với Sở NNPTNT TP.HCM tìm nguồn đưa rau VietGAP về bán. Theo kế hoạch đến cuối năm nay, rau VietGAP sẽ có mặt ở chợ đầu mối Thủ Đức.
Có thể bạn quan tâm

Khoảng một tuần nay nhiều nơi ở ĐBSCL có mưa liên tục làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa hè thu. Chiều 22-6, ông Trần Điền Lang, Trưởng ấp Đông Giang, xã Đông Bình, huyện Thới Lai (Cần Thơ) cho biết, mưa dầm đã làm lúa bị đỗ ngã hàng loạt khiến chi phí thu hoạch tăng cao, tỷ lệ hao hụt nhiều và chất lượng lúa cũng bị ảnh hưởng.

Những năm qua, một số mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp theo chuẩn toàn cầu đã thuyết phục được nhiều nông dân làm theo, nhưng khó khăn về đầu ra khiến nông dân e ngại. Dù vậy, đây vẫn là xu hướng tất yếu để nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường thế giới trong giai đoạn hội nhập.

Tháng 1-5 âm lịch hàng năm là mùa cá “đoàn” - cách mà ngư dân đặt cho những loại cá nhỏ đi theo bầy và thường hay vướng vào lưới. Để rồi sau mỗi phiên biển, khi cập về bờ, chủ tàu phải huy động tất cả thuyền viên, thậm chí thuê thêm người mới giũ sạch được lưới...

Kể từ khi bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện đến nay, những vườn cam sành bạt ngàn nằm ven các con lộ nông thôn chạy qua địa bàn các xã, thị trấn của huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy ngày nào đã nhanh chóng thay màu lá mới, khi màu xanh tươi tốt dần biến mất và để lại một màu vàng nhạt nhẽo ngoài mong đợi.

Ban đầu do chưa biết kỹ thuật nuôi nên ông đã mày mò tìm hiểu từ sách báo, và dần dà ông cũng biết cách chăn nuôi. Vì vậy, chỉ 6 tháng sau, gà đã cho lợi nhuận từ trứng hàng ngày. Thấy có thể thoát nghèo từ nuôi gà, ông mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay 100 triệu đồng về xây chuồng trại và nhân đàn gà lên 2000 con.