Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau Trái Vụ Ở Ngoại Thành Hà Nội Hướng Sản Xuất Mới

Rau Trái Vụ Ở Ngoại Thành Hà Nội Hướng Sản Xuất Mới
Ngày đăng: 25/12/2013

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân và ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội đã triển khai thí điểm trồng rau trái vụ tại một số huyện ngoại thành. Các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả cao, mở ra hướng sản xuất mới, giúp các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí nông thôn mới.

Xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) hiện có gần 200ha sản xuất rau an toàn (RAT). Việc sản xuất RAT trước kia vẫn theo thời vụ, tức là gieo trồng từng loại rau theo mùa. Thế nhưng, từ khi được cán bộ Chi cục BVTV Hà Nội hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, nông dân Tiên Dương đã sản xuất được nhiều loại rau trái vụ, giá bán cao hơn và không lo ế hàng.

Bà Đặng Thị Lan, một trong những người sản xuất RAT ở xã Tiên Dương bộc bạch, gia đình bà có 4 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) chuyên canh su hào, mỗi năm trồng 4 lứa, 2 lứa vụ đông và 2 lứa vụ hè, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/sào/vụ. Giá su hào hiện đạt khoảng 4.000 đồng/củ, mỗi sào thu được 3.000 củ, nếu trái vụ, giá bán còn cao hơn. Với giá bán tại ruộng như vậy, chỉ với 4 sào su hào, gia đình bà thu nhập khoảng 100-120 triệu đồng/năm.

Không chỉ gia đình bà Lan, hầu hết các hộ nông dân của HTX RAT Tiên Dương đều sản xuất rau trái vụ luân canh với rau chính vụ, cho thu nhập cao ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đông Anh, cho biết, để phát triển vùng rau hiệu quả, thời gian qua, huyện đã huy động tất cả các kỹ sư xuống tận xã, mỗi người phụ trách 20ha trên tổng số hơn 400ha rau của huyện. Theo đó, các kỹ sư sẽ hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất RAT để bảo đảm chất lượng.

Bởi, sản xuất rau trái vụ không khó nhưng cần thực hiện đầy đủ theo đúng quy trình kỹ thuật như: sử dụng nylon che cho rau, giúp cây hạn chế ánh sáng vào mùa hè, hạn chế mưa, giảm lượng nước tưới, giảm sâu bệnh... Từ đó, khắc phục những hạn chế mang tính mùa vụ của một số loại rau quả, góp phần tăng năng suất các sản phẩm rau trái vụ.

Giống như Đông Anh, các huyện Từ Liêm, Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm… cũng đã trồng thành công các loại hoa, rau, quả đặc sản trái vụ. Theo nhiều nông dân, trồng các loại rau quả trái vụ tuy vất vả vì phải tuân thủ nghiêm ngặt theo từng quy trình kỹ thuật và năng suất không cao như chính vụ nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, với hơn 2 sào trồng cà chua, 12 sào trồng củ cải, dưa ngọt trái vụ, năm 2012 gia đình ông thu lãi hơn 500 triệu đồng, dự kiến năm nay thu gấp đôi…

Từ thực tế trồng rau trái vụ cho thấy, ngoài việc khắc phục những hạn chế mang tính mùa vụ, rau trái vụ còn dễ thích nghi với những biến động khắc nghiệt của thời tiết. Điều này được thể hiện rõ qua những đợt mưa úng nhưng tại các vùng rau Đông Anh, Gia Lâm, người dân vẫn thu hoạch với sản lượng khá.

Bên cạnh đó, rau trái vụ cho giá trị về mặt kinh tế cao hơn hẳn so với rau chính vụ và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng bởi lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong quy trình sản xuất rau được giảm đi rất nhiều.

Trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết: “Mặc dù sản xuất nông nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, giá bán nông sản thấp và không ổn định, nhưng trên địa bàn thành phố vẫn có nhiều mô hình phát triển hiệu quả, đặc biệt là rau quả trái vụ...

Hơn nữa, hiện sản lượng rau ở các địa phương của Hà Nội mới đáp ứng được gần 50% nhu cầu tiêu dùng của thành phố. Vì vậy, việc phát triển rau trái vụ không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần tăng nguồn cung rau cho Thủ đô”.

Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng RAT trái vụ, đồng thời triển khai xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ cho các sản phẩm nhằm ổn định khâu tiêu thụ cho nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Một Số Lỗi Trong Việc Sử Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Của Nông Dân Một Số Lỗi Trong Việc Sử Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Của Nông Dân

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cây trồng trước sự tàn phá của các đối tượng sâu bệnh, dịch hại.

24/06/2013
Bảo Vệ Môi Trường Nuôi Để Hạn Chế Dịch Bệnh Thủy Sản Bảo Vệ Môi Trường Nuôi Để Hạn Chế Dịch Bệnh Thủy Sản

Nghề nuôi trồng thủy sản đã mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân ở Phú Yên. Tuy nhiên vì chưa áp dụng đúng kỹ thuật nên thời gian gần đây dịch bệnh trên thủy sản nuôi thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi và kinh tế của địa phương.

24/06/2013
Làm Giàu Trên Đất Nhiễm Phèn Làm Giàu Trên Đất Nhiễm Phèn

Hiện tại anh Tuyên đang nuôi hơn một vạn con cá, gần 300 con ngan lấy thịt, hơn 400 con vịt đẻ trứng... thu lãi trên 200 triệu đồng.

24/06/2013
Nguy Cơ Mất Trắng Hàng Trăm Ha Bắp Nguy Cơ Mất Trắng Hàng Trăm Ha Bắp

Hàng trăm ha bắp vụ Hè Thu thuộc các xã Bình Trung, Bình Giã, Xuân Sơn (huyện Châu Đức - Bà Rịa - Vũng Tàu) có nguy cơ mất trắng do cây phát triển không đồng đều và không ra trái. Được biết đây là giống bắp NK67 - lai đơn F1có xuất xứ từ Inđonesia do Công ty TNHH Syngenta Việt Nam (trụ sở đóng tại khu công nghiệp Biên Hòa - Đồng Nai) nhập khẩu và phân phối.

24/06/2013
Cần Cù Tìm Hướng Làm Giàu Cần Cù Tìm Hướng Làm Giàu

Bởi tính cần cù, biết tính toán và ham học hỏi, áp dụng kỹ thuật trong sản xuất nên mô hình kinh tế đa canh của ông Lý Văn Mến, ấp Bà Hính, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi cho thu nhập hơn 350 triệu đồng mỗi năm.

24/06/2013