Rau trái vụ, hái ra tiền
Hợp tác xã chuyên tiêu thụ rau
Hộ ông Nguyễn Khả Phương, thôn Nhất, xã Cảnh Thụy gắn bó với nghề trồng rau màu hàng chục năm qua. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm vẫn bấp bênh. Trải qua nhiều lần như vậy, ông Phương có ý định liên kết cùng các hộ trong thôn nhằm có diện tích đất lớn hơn, đủ sản phẩm cung cấp cho doanh nghiệp (DN) theo hợp đồng ổn định.
Cùng với phần đất sẵn có của gia đình, ông Phương thuê mượn và thuyết phục một số hộ góp chung được khu đồng liền khoảnh hơn 3ha, được Sở Nông nghiệp và PTNT cấp chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP..
Ông Phương chia sẻ: Điều tôi trăn trở nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Qua tìm hiểu nhiều nơi và được sự giúp đỡ của lãnh đạo xã, cán bộ chuyên môn huyện, tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc với chủ Công ty TNHH Hưng Việt (Hải Dương). Đây là DN lớn, tiêu thụ hàng chục tấn rau quả mỗi ngày cho các nhà máy chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp”.
Là đơn vị có uy tín, DN đòi hỏi chỉ mua sản phẩm thông qua hợp tác xã (HTX). Vậy là, ông cùng các thành viên rốt ráo, hoàn thiện các thủ tục thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp và Môi trường Cảnh Thụy vào tháng 4-2015. Theo đó, Công ty chỉ thu mua khi sản phẩm được chăm sóc theo quy trình VietGAP. Công ty cử cán bộ kỹ thuật đột xuất kiểm tra quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác, HTX trồng rau bắp cải, su hào sớm. Ngày ngày các thành viên bám đồng, bám ruộng theo dõi sát sao sự sinh trưởng của cây; đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó chỉ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học phun phòng trừ sâu bệnh cho cây.
Dẫn khách thăm đồng, ông Phương phấn khởi: “Hiện nay, người tiêu dùng lo ngại nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, chúng tôi chú ý khâu xử lý đất, giống trước khi trồng nên hạn chế được sâu bệnh hại. Vụ trước, chúng tôi chỉ phải phun một đợt trừ sâu bệnh cho rau, giảm 4 - 5 lần so với cách làm trước”. Khi rau được thu hoạch, DN thu mua tại ruộng với giá 4 - 5 nghìn đồng/kg. Dù rau xanh ngoài thị trường giá cao hơn nhưng các thành viên HTX tuân thủ hợp đồng, không bán sản phẩm ra ngoài, theo đó Công ty cũng điều chỉnh tăng giá thu mua. Vụ đông vừa qua, HTX thu lãi hơn 80 triệu đồng/ha rau.
Tranh thủ nguồn lực, mở rộng quy mô
Sau một vụ thắng lợi, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng, vụ xuân này, HTX tiếp tục trồng bắp cải trái vụ. Những ngày này, rau lên xanh mơn mởn nổi bật trên nền đất màu nâu sậm, dự kiến sẽ thu được khoảng 100 tấn vào cuối tháng 4. Thời điểm đó, hầu như ở miền Bắc bắp cải đã thu hoạch xong, các loại rau chính của vụ xuân hè chưa nhiều nên dễ bán.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá: “Thay vì sản xuất mùa nào thức ấy, HTX đã chọn hướng đi khác biệt là tập trung vào trồng rau lệch vụ. Từ cách làm này, những năm tới huyện chú trọng xây dựng các vùng chuyên canh rau trái vụ. Dự kiến đến năm 2017, toàn huyện trồng hơn 30 ha rau trái vụ, tập trung tại xã Cảnh Thụy, Tư Mại, Tiến Dũng”.
Hiện nay UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện dự án Xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ sản xuất rau an toàn VietGAP bằng chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, tiêu thụ. Tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó hơn 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh, ngân sách huyện còn lại là vốn đối ứng của người dân. Đến nay, đã đầu tư xây dựng xong giếng khoan, kênh mương nội đồng, hệ thống máy bơm, điện tại vùng sản xuất của xã Cảnh Thụy.
Trong năm 2016, sẽ tập trung xây dựng từ 3 - 4 nhà lưới phục vụ nhân giống, trồng rau thương phẩm. Để tránh đi vào “vết xe đổ” của các dự án mà trước đây đã từng triển khai, phát huy lợi thế khi quốc lộ 7 đưa vào sử dụng, tới đây UBND huyện tổ chức cuộc làm việc với một số doanh nghiệp tại Bắc Ninh, Hà Nội tiến tới cung cấp trực tiếp thực phẩm vào bếp ăn khu công nghiệp; hỗ trợ HTX in nhãn mác, bao bì sản phẩm.
Ngoài ra, tranh thủ nguồn lực từ Đề án hỗ trợ sản xuất rau an toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, huyện xây dựng nhà bảo quản lạnh tại xã Cảnh Thụy. Ông Hoàng Hữu Lân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Sản xuất rau trái vụ thường bị sâu bệnh gây hại nặng hơn so với chính vụ nên thường phải sử dụng nhiều thuốc hóa học phun trừ. Do đó, để hạn chế việc này, chúng tôi luôn đồng hành cùng bà con, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nhất là việc sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hoạch nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Trồng rau an toàn không mới nhưng cách làm của Yên Dũng lại rất riêng. Đó là sản xuất theo chuỗi và đi sâu vào rau trái vụ. Sản phẩm được doanh nghiệp thu mua, trong đó ràng buộc rõ trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà tiêu thụ nên tạo mối liên kết chặt chẽ, sản xuất mới phát triển bền vững". (Ông Nguyễn Văn Khái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT)
Có thể bạn quan tâm
Sa mạc Sahara sẽ trở thành nơi trồng rau xanh và cung cấp năng lượng sạch cho con người trong tương lai.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn tại lễ khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (TTND HTND) tỉnh Thái Nguyên do Hội ND tỉnh tổ chức ngày 21.3.
Hàng năm từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 năm sau là mùa đánh bắt cá bông lau trên sông Hậu chảy dài từ An Giang đổ về Cần Thơ, Vĩnh Long và Sóc Trăng là nơi cá bông lau sinh sống.