Ra khơi mùa biển động
Vào vụ cá bắc
Sau khi vụ sản xuất chính kết thúc, ngư dân trên địa bàn tỉnh lại bắt đầu vụ cá bắc với những nghề đặc trưng, tranh thủ thời tiết thuận lợi là ra khơi bám biển.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày này, ở khu vực phía bắc của tỉnh, tàu thuyền tấp nập ra khơi.
“Mùa biển động, thời tiết thất thường nên chúng tôi bố trí trên tàu cá 2 máy ICOM để liên lạc riêng với các tàu cá cùng ngư trường trong đội đánh bắt hải sản và thông tin về trạm bờ.
Diễn biến của thời tiết luôn được cập nhật để chủ động ứng phó” - ngư dân Nguyễn Đình Đơ (khối Châu Trung, phường Cẩm Nam, TP.Hội An) nói.
Trên phương tiện của gia đình, ông Đơ bố trí đến 3 vàn lưới dùng cho 3 nghề riêng biệt là chụp mực, lưới rê và mành đèn.
“Ban đầu rất khó để sắm sửa nhiều ngư lưới cụ một lần.
Dần dà, tích cóp được bao nhiêu, chúng tôi mua tiếp.
Đến chừ thì mình chủ động hoàn toàn trong sản xuất.
Tùy điều kiện thời tiết, ngư trường mà thay phiên đánh bắt bằng nghề chụp mực, mành đèn hay lưới rê” - ông Đơ cho biết.
Ngư dân khu vực phía bắc của tỉnh bám biển bằng các nghề sản xuất gần bờ trong vụ cá bắc.
Theo ông Đơ, ở vụ chính vừa qua, gia đình chủ yếu khai thác hải sản bằng nghề chụp mực, các thời điểm khác phù hợp thì sử dụng lưới rê.
Thời điểm này, gia đình chủ yếu đánh bắt bằng nghề mành đèn ở ngư trường gần bờ.
Mành đèn là nghề truyền thống của ngư dân phía bắc Quảng Nam, chủ yếu ở Cẩm Nam, Cửa Đại (TP.Hội An), Điện Dương (thị xã Điện Bàn), Duy Vinh, Duy Hải (huyện Duy Xuyên), diễn ra sôi động vào những ngày qua.
Nghề này đánh bắt hải sản nhỏ ven bờ như cá nục, cá trích, cá bạc má.
Mành đèn hoạt động trên nguyên tắc dùng ánh sáng để thu hút đàn cá.
Khi nhận thấy đàn cá bị ánh sáng dẫn dụ đến độ “say đèn” thì ngư dân lựa hướng gió, thả lưới giăng sẵn và đánh bắt.
Tại huyện Núi Thành, nhiều tàu cá cũng tranh thủ ra khơi.
Tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang), một số tàu câu mực ra khơi đã chuẩn bị xuất bến trong chuyến biển cuối năm.
“Thuận lợi của nghề này là sản xuất ở ngư trường Trường Sa, có các khu neo đậu tàu cá bố trí ở các đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây… Hễ nghe ngóng được thời tiết thất thường là chúng tôi tấp vào đảo neo đậu.
Nghề này có thời gian sản xuất đến 3 tháng nhưng có điểm tựa âu thuyền trên đảo nên chúng tôi vững tin vươn khơi trong mùa biển động” - ngư dân Nguyễn Văn Bé (thôn Đông Mỹ, Tam Giang) nói.
An toàn trên biển
Phấn đấu khai thác 18 nghìn tấn hải sản trong vụ cá bắc
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành thủy sản tỉnh đặt ra chỉ tiêu là khai thác đạt 18.000 tấn hải sản trong vụ cá bắc này.
Để thực hiện điều đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam tổ chức cho ngư dân bám biển bằng các nghề phù hợp.
Công tác theo dõi diễn biến nguồn lợi, thông tin ngư trường có thể cho sản lương cao cũng như dự báo thời tiết được thực hiện thường xuyên, tiếp sức ngư dân sản xuất ổn định.
“Chúng tôi đã rà soát lại số lượng tàu thuyền hoạt động trong vụ cá bắc này, tạo ổn định trong hoạt động của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển cũng như phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu hải sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) để cung cấp kịp thời các thông tin về ngư trường, hỗ trợ ngư dân bám biển” - ông Ngô Tấn nói.
Ra khơi trong mùa biển động, ngư dân phải đối mặt với nhiều rủi ro do thời tiết bất thường, vì vậy ngư dân và các lực lượng quản lý hoạt động khai thác hải sản đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn.
Thượng tá Nguyễn Văn Búp - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (Núi Thành) cho biết, đơn vị đã phối hợp với UBND huyện Núi Thành và các xã ven biển tổ chức tuyên truyền về đảm bảo an toàn tàu cá cho ngư dân.
Các nội dung phổ biến là ngư dân trang bị đầy đủ các trang thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá để kết nối liên lạc thường xuyên với các trạm bờ, nhất là khi tình huống khẩn cấp xảy đến.
Khi ra khơi, các tàu cá bắt buộc phải có đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn cần thiết như phao, loa...
Trước khi phương tiện ra khơi, công tác kiểm tra thiết bị an toàn trên tàu cá sẽ được lực lượng biên phòng thực hiện kỹ càng ở khu vực xã Tam Quang và Tam Hải.
“Khi nhận được tin báo về biến động thời tiết trên biển, chúng tôi liền thông báo đến ngư dân qua các tần số kết nối có sẵn, hướng dẫn họ rời khỏi khu vực nguy hiểm.
Việc này được thực hiện liên tục 24/24 giờ.
Trước khi có bão, chúng tôi tiến hành kiểm đếm các phương tiện đang có mặt trên các vùng biển và báo cáo về lực lượng biên phòng cấp trên cũng như UBND tỉnh để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Tùy theo mức độ nguy hiểm xảy ra, chúng tôi yêu cầu các tàu cá gần ngư trường đến giúp đỡ lẫn nhau hoặc phối hợp với Hải đội 2 Biên phòng Quảng Nam ra ứng cứu, lai dắt tàu cá gặp nạn” - Thượng tá Nguyễn Văn Búp nói.
Theo Sở NN&PTNT, để giúp ngư dân giảm thiểu tai nạn, ngành thủy sản đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai các nhiệm vụ phòng chống tai nạn trên biển.
Khi có bão, công tác trực ban, kết nối trạm bờ với tàu cá của ngư dân được thực hiện 24/24 giờ.
Công tác kiểm tra an toàn cho tàu cá trước khi ra biển sẽ được tăng cường hơn trong mùa biển động này.
Các khu neo đậu cho tàu cá trên địa bàn tỉnh đang được khẩn trương kiểm tra, sẵn sàng cho tàu cá trú ẩn khi cần thiết.
Đến thời điểm này, Quảng Nam đã thành lập được 136 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để chủ động phối hợp lẫn nhau, vượt qua những tình huống xấu có thể xảy đến trong mùa biển động.
Có thể bạn quan tâm
Không ít chủ cơ sở giết mổ gia cầm lậu đã sử dụng một loại hóa chất tẩm vào da gà để biến gà công nghiệp có màu trắng chuyển sang màu vàng óng. Loại hóa chất đó có thể là “bột sắt”. Bởi loại bột này chỉ cần đổ vào nửa muỗng cà phê là có thể nhuộm vàng được cả trăm con gà.
Trong năm 2015, theo dự báo của Hiệp hội Rau quả VN, giá trị xuất khẩu các mặt hàng rau quả VN có thể cán mốc 2 tỉ USD, một con số ấn tượng khi đa số mặt hàng nông sản khác vẫn đang gặp khó.
Thốt nốt không chỉ là biểu tượng tinh thần mà còn là nguồn sống của nhiều người dân vùng Bảy Núi (An Giang). Thời gian qua, thông tin có một số thương lái người Trung Quốc đến thu mua cây thốt nốt, khiến cả một vùng biên bàn tán xôn xao…
Xuất hiện nhiều điểm thu mua cà gai leo để bán ra tỉnh ngoài. Để nâng giá trị kinh tế cho cây trồng này, huyện Minh Long đã đồng ý cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển (ĐT&PT) dược liệu Ngọc Linh xây dựng xưởng sơ chế, đóng gói, trồng và bảo tồn cà gai leo.
Ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 14% vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, nhưng lao động trong lĩnh vực này chiếm đến 47% tổng số lao động của tỉnh. Để vực dậy ngành nông nghiệp, tỉnh đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư.