Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quỳnh Lâm (Thái Bình) Điểm Sáng Phát Triển Trang Trại

Quỳnh Lâm (Thái Bình) Điểm Sáng Phát Triển Trang Trại
Ngày đăng: 13/09/2014

Xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ - Thái Bình) được phù sa của sông Luộc bồi đắp nên đất đai màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; là một trong những xã chủ lực phát triển diện tích cây màu của huyện.

Trong những năm gần đây, Quỳnh Lâm còn là xã đi đầu trong việc phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại đời sống ấm no cho người nông dân.

Chị Lê Thị Biển, cán bộ phụ trách chăn nuôi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ cho biết: Nhiều gia đình ở Quỳnh Lâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi. Hiện xã có 13 trang trại, 40 gia trại với tổng số trên 25 vạn gia súc, gia cầm, trong đó chủ lực là gà.

Chúng tôi đến thăm trang trại gà của ông Hoàng Công Ðiền (thôn Ngọc Tiến) nằm bên bờ đê hữu Luộc. Ông Ðiền tâm sự: Gia đình vốn có truyền thống chăn nuôi gà, trước còn ở trong nội đồng diện tích chật hẹp, chăn nuôi đạt hiệu quả không cao.

Nhận thấy con gà ri lai mang lại hiệu quả kinh tế, từ năm 2008, ông mạnh dạn đấu thầu đất của xã với diện tích 5.400m2 xây dựng trang trại với 3 khu, 1 khu nuôi gà con và 2 khu nuôi gà thịt thương phẩm. Hiện ông đã đầu tư trên 2 tỷ đồng phát triển hệ thống chuồng trại, kho bãi, sân chơi, tường bao, giàn phun mưa... Trang trại của ông hiện nuôi 25.000 con gà ri lai, một tháng trung bình ông xuất 5.000 con gà thương phẩm ra thị trường.

Gà ri lai là giống dễ nuôi, ăn khỏe, nhanh lớn, ít bệnh, đặc biệt gà trong trang trại của ông nuôi chủ yếu bằng ngô từ 1 tháng tuổi trở lên nên thịt ngon và săn chắc, được người tiêu dùng ưa chuộng nên không lo đầu ra. Ông thường xuất gà cho các khách hàng quen thuộc tại Hải Phòng, Hải Dương và nhiều nhất cho chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội).

Riêng năm 2013, doanh thu của trang trại đạt hơn 5,5 tỷ đồng, trong đó ông thu lãi 10%. Ðể đạt hiệu quả cao, tránh rủi ro trong chăn nuôi, công tác vệ sinh phòng dịch được trang trại hết sức coi trọng, ngoài việc thường xuyên theo dõi, đầu tư vắc-xin tiêm phòng bệnh gia cầm, lao động trong trang trại còn được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thú y, nâng cao kiến thức về vệ sinh phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm do Trạm Thú y huyện và Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức.

Do lượng vắc-xin được hỗ trợ rất ít nên ông luôn chủ động mua thêm vắc-xin phòng dịch, là một trong những trang trại điển hình làm ăn hiệu quả của huyện.

Trang trại gà ri lai của ông đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y công nhận là 1 trong 6 cơ sở chăn nuôi của Thái Bình đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh động vật. Hiện ông Ðiền đang tiến hành các thủ tục để thuê thêm 4.800m2 đất của xã, dự định mở rộng quy mô trang trại, phát triển thêm 20.000 gia cầm.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang là thành quả lao động sau bao năm gắn bó với con gà của ông Hoàng Công Tính (xóm 2, thôn Ðồng Mỹ). Khởi nghiệp từ năm 2002 với 50 con gà ri lai và trắng tay sau một trận cúm không làm ông Tính nản chí. Với quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Tính đã tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo, qua những hộ làm ăn hiệu quả và qua những lớp tập huấn chăn nuôi.

Năm 2006, ông mạnh dạn đề nghị với UBND xã cho thuê đất ngoài đê bao, đầu tư phát triển trang trại. Hiện trang trại của ông rộng hơn 3.000m2, với 20 chuồng nuôi chia làm 3 dãy nuôi hơn 20.000 con gà ri lai, mỗi tháng xuất chuồng từ 4.500 - 5.000 con cho thị trường Hải Dương, Nam Ðịnh, Hải Phòng. Năm 2013, doanh thu của trang trại đạt hơn 5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 8 lao động.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trang trại chăn nuôi hiệu quả ở Quỳnh Lâm, với ý chí, nỗ lực, nhạy bén trong kinh doanh đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh những thành công đã đạt được, những trang trại chăn nuôi ở Quỳnh Lâm còn gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn phát triển sản xuất, mở rộng diện tích, đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh do giá cả thị trường biến động.

Ðây không phải là khó khăn của riêng Quỳnh Lâm mà là bài toán khó của nhiều trang trại, gia trại ở những địa phương khác. Ðể tìm được lời giải, giúp người nông dân đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất cần sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể.

Hiệu quả từ những trang trại ở Quỳnh Lâm xứng đáng là điểm sáng trong chăn nuôi của huyện Quỳnh Phụ nói riêng và toàn tỉnh nói chung, là nơi các địa phương khác có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để phát triển kinh tế. Chăn nuôi trang trại, gia trại là một trong những động lực giúp Quỳnh Lâm chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên xây dựng nông thôn mới.


Có thể bạn quan tâm

Đàn Bò Tăng Gần 1.400 Con So Với Cùng Kỳ Đàn Bò Tăng Gần 1.400 Con So Với Cùng Kỳ

Mặc dù đàn bò tăng nhưng đàn trâu lại có xu hướng giảm. Thời điểm này, toàn tỉnh có gần 70 nghìn con trâu, giảm trên 600 con so với cùng kỳ.

17/02/2014
Dê Núi Quất Sơn Dê Núi Quất Sơn

Sau gần chục năm nuôi dê, anh Lê Văn Hồng, thôn Hồ Lương, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, có thu nhập cao từ loài vật này.

17/02/2014
Xã Lùng Khấu Nhin Thêm 44 Hộ Được Nhận Lợn Giống Luân Chuyển Xã Lùng Khấu Nhin Thêm 44 Hộ Được Nhận Lợn Giống Luân Chuyển

Xã Lùng Khấu Nhin (Lào Cai): Thêm 44 hộ được nhận lợn giống luân chuyển Đến nay, 41 hộ dân tại xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương (Lào Cai) đã được nhận luân chuyển 44 con giống lợn đen địa phương, trong đó có 41 con cái, 3 con đực.

17/02/2014
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Bò Sinh Sản Ở Phú Yên Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Bò Sinh Sản Ở Phú Yên

Sau 3 năm triển khai mô hình chăn nuôi bò để giảm nghèo, 15 hộ dân ở xã Đa Lộc (Đồng Xuân - Phú Yên) đã giảm nghèo bền vững, có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mô hình này vừa được biểu dương tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015.

17/02/2014
Quy Hoạch Phát Triển Chăn Nuôi Đến Năm 2020, Định Hướng Đến Năm 2030 Quy Hoạch Phát Triển Chăn Nuôi Đến Năm 2020, Định Hướng Đến Năm 2030

Ngoài ra, quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp để thực hiện các mục tiêu như: Nâng cao chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi; bố trí quỹ đất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; xử lý môi trường; nguồn vốn đầu tư…

17/02/2014