Quy trình chăm sóc lợn nái lai F1 giai đoạn chửa, đẻ và nuôi con
Chăm sóc lợn nái chửa và nuôi con tốt sẽ quyết định năng suất sinh sản của đàn lợn nái, vì vậy người chăn nuôi cần thực hiện đúng quy trình như sau:
I. CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG LỢN NÁI CHỬA
1, Đặc điểm lợn nái chửa
Thời gian chửa của lợn trung bình là 114 ngày, dao động trong vòng từ 111 ngày đến 118 ngày chia làm hai giai đoạn:
* Giai đoạn chửa kỳ I : từ lúc phối giống có chửa đến ngày chửa thứ 84. Bào thai phát triển chậm, chỉ chiếm 1/4 khối lượng lợn con lúc sơ sinh.
* Giai đoạn chửa kỳ II : từ ngày 85 đến khi đẻ, bào thai lớn nhanh chiếm 3/4 trọng lượng sơ sinh.
2, Dinh dưỡng lợn nái có chửa
Nguyên tắc nuôi lợn nái có chửa:
Cho ăn đúng khẩu phần, đảm bảo chất dinh dưỡng, đặc biệt chú ý cho ăn đủ Vitamin và khoáng chất. Thiếu khoáng, xương lợn con phát triển kém, lợn nái có chửa có nguy cơ bại liệt. Thiếu vitamin, lợn con phát triển chậm, sức sống kém. Không cho ăn quá nhiều tinh bột để chống béo, khó đẻ.
- Nhu cầu dinh dưỡng của lợn chửa: Đạm thô 13%, NLTĐ 2900 Kcal/Kg TA
- Mức ăn cho lợn nái có chửa (Kg thức ăn đã phối trộn/con/ngày)
Trọng lượng nái (Kg) | 80 | 90 | 100 | 110 | >110 |
Chửa I | 1,6 | 1,7 | 1,8 | 1,9 | 2,2 |
Chửa II | 1,8 | 1,9 | 2,0 | 2,2 | 2,5 |
Chú ý:
- Mức ăn cho nái chửa còn tùy thuộc vào thể trạng của con nái: Nái quá gầy phải cho ăn thêm thức ăn tinh, nái quá béo phải giảm thức ăn tinh tăng thức ăn thô xanh.
- Vào mùa đông những ngày nhiệt độ dưới 150C, lợn nái cần cho ăn thêm 0,2 – 0,3 kg/con/ngày để bù vào phần năng lượng mất đi do phải chống rét.
- Không được cho lợn nái chửa ăn bỗng bã rượu, khô dầu bông, lá đu đủ do dễ gây sảy thai.
- Cho lợn uống nước tự do.
3, Chăm sóc lợn nái chửa
+ Cho lợn yên tĩnh tuần đầu tiên sau khi phối giống
+ Kiểm tra theo dõi lợn có chửa vào ngày thứ 21 và ngày thứ 42 sau khi phối xem có động dục trở lại không.
• Tắm: 1 lần/ngày vào những ngày nắng nóng
• Vệ sinh xoa bóp bầu vú trước dự kiến đẻ 10 - 15 ngày để kích thích sữa ra nhiều khi lợn sinh con. Nếu vú bị xây xước hoặc nứt nẻ cần bôi vadơlin và kháng sinh chống nhiễm trùng.
• Vệ sinh chuồng trại hàng ngày, giữ cho lợn sạch sẽ, ấm áp mùa đông, thoáng mát mùa hè. Phun thuốc tiêu độc khử trùng 1 lần 1 tuần.
• Không nên tiêm phòng, tẩy giun sán, tắm ghẻ vào tháng chửa đầu và trước đẻ 15 ngày vì do tác động cơ hoành rất dễ sảy thai và đẻ non.
• Cần ghi chép ngày phối giống để tính toán ngày đẻ và có kế hoạch trực lợn đẻ.
+ 7 ngày trước khi đẻ: dọn vệ sinh khử trùng chuồng trại, che chắn chuồng.
+ 3 ngày trước khi đẻ: giảm lượng thức ăn tinh từ 30-50%.
II. CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG LỢN NÁI NUÔI CON VÀ LỢN CON THEO MẸ
1. Chăm sóc lợn nái đẻ
Dùng rơm hay cỏ khô lót ổ ngày lợn đẻ và 1-2 ngày sau khi lợn đẻ.
- Cho lợn mẹ uống nước tự do.
- Thông thường ngày đầu cho lợn mẹ ăn 1 kg thức ăn tinh; ngày 2 cho ăn 1,5 kg và ngày 3 cho ăn 2,0 kg, từ ngày thứ cho ăn theo định mức.
- Nhu cầu dinh dưỡng của lợn nuôi con: Đạm thô 15%, NLTĐ 3000 Kcal/Kg TA
- Định mức ăn cho lợn nái F1 nuôi con/ 1 ngày đêm (TB nuôi 10 con)
Trọng lượng nái (Kg) | 100 - 120 | 121 - 140 | >140 |
Thức ăn hỗn hợp (Kg) | 3,3 - 3,5 | 3,6 - 3,8 | 3,9 - 4,0 |
2. Trực và đỡ đẻ
* Chuẩn bị ô úm:
- Vật liệu lót chuồng trong ổ úm lợn con cần phải khô, sạch, không vụn nát.
- Chuẩn bị bóng đèn sưởi, củi, trấu để sưởi ấm cho lợn con.
- Chuẩn bị dụng cụ trực đẻ:
+ Vải màn hoặc vải mềm khô, sạch
+ kìm bấm răng nanh cho lợn con
+ Cồn Iot để sát trùng
+ Kéo để cắt rốn
+ Chỉ để buộc rốn.
* Hộ lý lợn nái đẻ:
- Khi lợn nái vỡ ối (từ âm đạo chảy ra nước ối lẫn cứt su) là bắt đầu đẻ.
- Cuộc đẻ bình thường kéo dài từ 2 - 3 giờ, song cũng có lợn nái đẻ kéo dài từ 4 - 5 giờ. Phải giữ thật yên tĩnh khi lợn đang đẻ. Dùng khăn vải mềm sạch lau khô dịch nhày cho lợn con ngay sau khi sinh
- Can thiệp khi lợn con bị ngạt.
- Cắt rốn cho lợn con (cách rốn 1 đốt ngón tay), dùng cồn iốt, rượu hoặc thuốc đỏ sát trùng cuống rốn.
- Bấm răng nanh cho lợn con.
- Phải trực liên tục cho đến khi lợn nái đẻ xong hoàn toàn, nhau ra hết, lợn nái trở về trạng thái yên tĩnh và cho con bú.
- Không can thiệp khi quá trình đẻ của lợn nái diễn ra bình thường, chỉ can thiệp khi lợn mẹ rặn đẻ lâu và khó khăn.
3. Chăm sóc lợn con theo mẹ
- Sưởi ấm cho lợn con: Nhiệt độ thích hợp cho lợn con sơ sinh ngày đầu lọt lòng mẹ là 350C. Cứ mỗi ngày sau đó giảm đi 20C, đến ngày thứ 8 trở ra nhiệt độ trong ô úm là 23-250C.
+ Cho lợn con bú sữa đầu càng sớm càng tốt. Cố định đầu vú cho lợn con để tạo sự đồng đều trong đàn.
+ Tiêm phòng sắt cho lợn con ở 3 và 7 ngày tuổi.
+ Cho lợn con vận động.
+ Cho lợn con tập ăn sớm khi được 10 – 15 ngày tuổi, cai sữa sớm cho lợn con ở 28 ngày tuổi.
+ Phòng bệnh lợn con ỉa phân trắng: Cho lợn mẹ ăn đủ chất dinh dưỡng, giữ cho chuồng trại luôn khô ráo sạch sẽ, giữ ấm cho lợn, tuyệt đối không tắm cho lợn con.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học là quá trình lên men vi sinh vật trên nền đệm lót, chất thải được phân hủy hết nên không có mùi hôi, không phải rửa chuồng,
Để bổ sung sắt và vitamin đúng cách cho lợn, con người nuôi cần hiểu được các vấn đề: Tại sao phải bổ sung sắt, vitamin cho lợn con, bổ sung vào thời điểm nào
Bổ sung sắt cho heo bằng cách tiêm bắp với liều 200mg trong tuần đầu tiên sau khi sinh đã được công nhận là phác đồ chuẩn trong nhiều năm qua.