Bổ sung sắt và vitamin đúng cách cho lợn con
Để bổ sung sắt và vitamin đúng cách cho lợn, con người nuôi cần hiểu được các vấn đề: Tại sao phải bổ sung sắt, vitamin cho lợn con, bổ sung vào thời điểm nào và liều lượng bao nhiêu Nhằm đảm bảo tỷ lệ sống và khả năng tăng trọng cho lợn nuôi.
Bổ sung sắt
Nhu cầu sắt (Fe) của lợn con giai đoạn 1 - 20 ngày tuổi rất cao. Nguồn cung cấp sắt cho lợn con giai đoạn này chủ yếu là từ sữa mẹ, trong khi đó sữa mẹ chỉ đáp ứng được 10 - 30% lượng sắt cơ thể cần. Lợn con càng lớn, sự thiếu hụt sắt càng cao. Cường độ và tốc độ sinh trưởng khác nhau nhu cầu cũng khác nhau. Nhu cầu Fe cho lợn con cần 7 - 16 mg/ngày hoặc 21 mg/kg tăng trọng.
Nếu lợn con chỉ nhận sắt qua sữa mẹ thì cơ thể sẽ bị thiếu sắt, dẫn đến thiếu máu, suy dinh dưỡng, còi cọc, chậm lớn và tiêu chảy… Vì vậy, phải bổ sung sắt cho lợn con ngay từ ngày thứ 3 trở đi là tốt nhất.
Liều lượng bổ sung cho lợn con khoảng từ 100 - 200 mg Fe ở dạng Fedextran, Fedextrin hoặc Gleptoferron… Nếu tiêm liều 100 mg thì sau 7 ngày phải bổ sung liều 200 mg và sau 3 tuần phải tiêm tiếp liều 100 mg, thì lượng sắt mới đủ cung cấp cho lợn con đến lúc tập ăn.
Vị trí tiêm: Lúc 3 ngày tuổi nên tiêm mông hay đùi sau. Lúc 10 - 21 ngày tuổi nên tiêm ở cổ sau gốc tai. Khi tiêm sắt chú ý, luộc sôi xilanh 3 - 5 phút để khử trùng, trước khi hút dung dịch sắt vào xilanh phải lắc đều. Trước khi rút mũi tiêm ra cần phải dùng ngón tay ấn chặt vào vị trí tiêm trong 30 giây để dung dịch sắt không thoát ra theo khi rút mũi kim.
Cần chú ý là lợn con có thể bị trúng độc sắt do tiêm hoặc uống. Nếu uống liều 600 mg/kg thể trọng, loại Sulfat sắt thì sau 1 - 3 giờ có biểu hiện trúng độc (nổi mẩn đỏ, co giật hoặc chết). Nếu tiêm liều 100 mg/ngày cũng có trường hợp trúng độc chết. Nguyên nhân của phản ứng trúng độc và chết cấp tính này là do cơ thể lợn con sinh ra từ lợn mẹ bị thiếu Vitamin E, làm cho sắt tiêm vào bị ôxy hóa, tạo độc tố trong máu. Vì vậy, đối với lợn nái trước khi sinh cần phải tiêm hoặc bổ sung vào thức ăn Vitamin ADE theo nhu cầu cần thiết.
Bổ sung vitamin
Bổ sung vitamin cho lợn có tác dụng kích thích sinh trưởng và tăng trọng. Trong đó, vitamin ADE là ba loại có tác dụng kích thích tổng hợp các tế bào cho cơ thể, tạo xương và phát triển cơ bắp. Bổ sung Vitamin ADE lợn con sẽ hồng hào, mướt da, mau lớn, chống còi cọc, xù lông hay tiêu chảy… Khi thiếu vitamin, lợn con sẽ bị giảm sức sống, dễ bị chết yểu, dễ còi cọc, dễ mắc các bệnh về máu, da... (Lợn con sinh ra không có mắt do thiếu Vitamin A)
Tuy nhiên, nếu dùng không đúng liều sẽ phản tác dụng làm cho heo kém ăn, còi cọc, chậm lớn. Thừa Vitamin A làm cho gan bị phù, tiết dịch vị kém gây biếng ăn. Thừa Vitamin D làm tăng lượng Canxi huyết, mềm xương gây bại liệt. Vì vậy, nếu bổ sung premix có thành phần Vitamin ADE trộn vào thức ăn theo tỷ lệ đã quy định thì không được tiêm Vitamin ADE nữa. Chỉ tiêm cho những lợn con không được bổ sung premix hoặc có bổ sung nhưng không thường xuyên.
Hiện nay trên thị trường, tỷ lệ những loại Vitamin ADE dạng tiêm trong 1ml thường có Vitamin A: 500.000 UI; Vitamin D: 75.000 UI, Vitamin E: 50 UI. Chúng ta có thể bổ sung cho lợn con theo liều lượng 0,5 ml/con trong tháng thứ nhất. Nên tiêm Vitamin E cho đàn lợn con yếu, đẻ non trước khi tiêm sắt 1 - 2 ngày.
Người chăn nuôi nên chọn mua dung dịch sắt có phối hợp với các loại vitamin ở các cửa hàng bán thuốc thú y lớn, của các hãng thú y lớn có tên tuổi, có uy tín nhiều năm, địa chỉ rõ ràng, có tem nhãn và còn thời hạn sử dụng để đảm bảo an toàn chất lượng và hiệu quả khi sử dụng cho lợn nuôi.
>> Theo các số liệu nghiên cứu, lợn con sẽ hấp thu khoảng 15 - 50% lượng sắt hằng ngày từ sữa mẹ và thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, cần phải bổ sung 50 % lượng sắt còn lại.
Có thể bạn quan tâm
DDGS là sản phẩm phụ của ngành công nghiệp ethanol, là một nguồn năng lượng và nguồn protein giá cả phải chăng được dùng trong khẩu phần của heo
Trong vòng 40 năm qua, quá trình chọn lọc giống và thức ăn nuôi dưỡng theo hướng tăng tỷ lệ nạc và giảm dày mỡ lưng đã kéo theo làm giảm chất béo trong thịt
Nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học là quá trình lên men vi sinh vật trên nền đệm lót, chất thải được phân hủy hết nên không có mùi hôi, không phải rửa chuồng,