Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quay Về Giống Bản Địa

Quay Về Giống Bản Địa
Ngày đăng: 22/11/2013

Với mong muốn giúp người thụ hưởng Chương trình 30a nhanh chóng thoát nghèo, các huyện nghèo trong tỉnh Quảng Ngãi đã chọn con giống lai có lợi thế về năng suất, sản lượng để hỗ trợ. Thế nhưng, hiệu quả mang lại là không cao.

Ưu tiên “giống bản địa”

Dễ dàng làm phép kiểm chứng hiệu quả của con giống lai và giống bản địa ở các huyện nghèo Quảng Ngãi thông qua việc hỗ trợ bò giống từ nguồn vốn Chương trình 30a.

Năm 2010, khi chọn con bò để hỗ trợ, một số huyện nghèo đã chọn loại bò lai, trị giá mỗi con gần 10 triệu đồng. Sau một năm cấp phát bò giống, tỉnh và huyện tổ chức kiểm tra. Số bò còn sống, phát triển chỉ khoảng 30 - 50%. Bước sang năm thứ 2, một số huyện đã quay sang “ưu tiên” con giống địa phương. Kết quả, sau một năm nuôi, số bò cấp cho dân đã sống, phát triển tốt tăng vọt lên 90%.

Tại huyện Sơn Hà, ban đầu UBND huyện cũng rất quan tâm đến hỗ trợ bò lai cho hộ nghèo. Thế nhưng sau khi hỗ trợ, tổ chức đi giám sát thì số lượng bò giống đã cấp gần như chết sạch. “Bò không chịu ăn cỏ tạp, nó chỉ biết uống nước thôi. Không ăn lâu ngày nó gầy rồi chết” – bà Đinh Thị So, thôn Hà Thành, xã Sơn Thành phân trần về cái chết của con bò giống “30a” được chính quyền hỗ trợ. Mặc dù trước khi cấp phát giống, ngành khuyến nông huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại, trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò... Thế nhưng, do kiến thức hạn chế cộng với thói quen chăn thả rông nên hầu hết số bò lai ở Sơn Hà được cấp phát đều đã chết vì không được chăm sóc đúng cách.

Năm 2013 này, khi phê duyệt phương án hỗ trợ con giống cho các xã, UBND huyện Sơn Hà đã “phê” rõ: “Chọn giống bản địa, khi nào giống bản địa không đủ thì mới chọn mua giống nơi khác về cấp phát”. Cách làm này được đồng bào Hrê nghèo ở Sơn Hà đồng tình. Già làng Đinh Văn Dớ, thôn Làng Mùng, xã Sơn Bao, bảo: “Con bò địa phương mới leo được núi kiếm cỏ ăn. Bò lai nó chỉ biết đứng một chỗ uống nước cám, ăn cỏ voi, khó nuôi lắm! Lãi ít cũng được, cứ phát bò địa phương cho dân làng mình đi!”.

Năm 2012, huyện Sơn Hà, Sơn Tây còn tổ chức thí điểm mô hình nuôi gà H’mông, vịt xiêm lai nhưng các mô hình này sau đấy tắt lịm bởi phần thì con giống chết, nhất là vịt xiêm lai. Số con còn sống nuôi lớn thì không có đầu ra. Năm 2012 chị Đinh Thị Giấy, ở thị trấn Di Lăng được chọn thí điểm nuôi gà H’mông. Chị than thở: “Gà nuôi lớn khó bán vì chân nó có 5 ngón, người mua chê không làm vật cúng được. Còn mua làm thức ăn thì gà này giá cao chẳng ai mua cả”. Thế là sau đó, chính quyền lại quay về với “gà thả vườn, gà ngủ cây”, để hỗ trợ người nghèo.

“Chốt” lại con giống!

Triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, chỉ riêng khoản hỗ trợ con giống cho hộ nghèo Quảng Ngãi chăn nuôi đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều gia đình đã coi “của cho” này là món của cải lớn, ra sức chăm sóc, nâng niu, để vật nuôi sinh lợi. Nhưng cũng có không ít gia đình bỏ mặc theo kiểu “trời sinh voi sinh cỏ”, dẫn đến con giống chết rất nhiều.

Tại huyện Sơn Tây, một số gia đình ở xã Sơn Long, Sơn Tinh được hỗ trợ gà H’mông, vịt xiêm lai để nuôi. Hộ ông Đinh Văn Vót, thôn Mang He được cấp 80 con gà, nhưng sau 1 tháng chỉ còn vỏn vẹn có… 3 con. Ông Vót bảo: “Nó cứ chết dần chẳng rõ nguyên nhân. Có lẽ nó không hợp với làng mình!”. Sau 2 năm chọn gà, vịt xiêm lai hỗ trợ, đến năm thứ 3, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để chỉ đạo: “Dừng ngay việc chọn các con lai này hỗ trợ. Ở miền núi Sơn Tây chỉ có con trâu, con bò bản địa là thích nghi với khí hậu, tập quán chăn nuôi”. Thế là năm 2013, con trâu, con bò bản địa ở Sơn Tây lại đến với những hộ nghèo!

Ở huyện Minh Long, sau 3 năm cấp – nuôi heo lai siêu nạc không hiệu quả, UBND huyện đã quyết định chuyển hướng chọn heo cái bản địa, gà thả vườn để hỗ trợ cho hộ nghèo. Đến nay dù chưa đánh giá, nhưng qua kiểm tra sơ bộ, tỷ lệ sống rất cao so với “con lai” hỗ trợ trước đó.

Sau nhiều năm triển khai hỗ trợ con giống cho hộ nghèo ở Quảng Ngãi đến nay nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện “phép thử”. Hãy nhìn vào kết quả của nhiều năm thực hiện để có quyết định đúng đắn, tránh lãng phí thời gian của dân, tiền bạc của Nhà nước cho việc chọn con gì trong chặng đường 30a tiếp theo.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả mô hình trồng lúa bằng sữa tươi Hiệu quả mô hình trồng lúa bằng sữa tươi

Mô canh tác lúa của của ông Dương Xuân Quả (Năm Nhã) cả vụ chỉ sử dụng sữa tươi, hột gà và phân lân Địa Long phun cho lúa.

04/12/2020
Thu nhập tiền triệu mỗi ngày nhờ nuôi ruồi lính đen Thu nhập tiền triệu mỗi ngày nhờ nuôi ruồi lính đen

Với kỹ thuật chăn nuôi đơn giản, tiết kiệm chi phí, ruồi lính đen có nhiều lợi ích đối với môi trường, bảo đảm an toàn với vật nuôi và sức khoẻ con người.

07/12/2020
Hiệu quả từ mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm Hiệu quả từ mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm

Với ưu điểm dễ nuôi, đầu ra ổn định, nhiều hộ dân đang lựa chọn sò huyết để nuôi trong vuông tôm thay vì nuôi tôm, cua theo truyền thống

11/12/2020
Trồng chanh tứ mùa thu ổn định hàng trăm triệu đồng Trồng chanh tứ mùa thu ổn định hàng trăm triệu đồng

Khi cây cam đang phải đối diện với bài toán tiêu thụ do diện tích trồng quá lớn, nhiều hộ dân ở Tuyên Quang lựa chọn trồng chanh tứ mùa để phát triển kinh tế.

14/12/2020
Nuôi cá hồi, cá tầm trên đỉnh Pù Rinh Nuôi cá hồi, cá tầm trên đỉnh Pù Rinh

Chọn được dòng suối trên đỉnh Pù Rinh, ông Sâm thực hiện dự án nuôi cá hồi, cá tầm. Ông là người duy nhất tại tỉnh Thanh Hóa nuôi thành công giống cá này.

15/12/2020