Quất Cảnh Chờ Thăng Hoa
Thị trường cây quả cảnh phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi (2015) tại phía Bắc bắt đầu rục rịch vào mùa.
Tại vùng quất cảnh lớn nhất miền Bắc - Văn Giang (Hưng Yên), các nhà vườn dự đoán giá quất cảnh năm nay cao hơn mọi năm từ 25-30%.
Quất cảnh giảm nguồn cung
Rảo quanh các vùng trồng cây cảnh lớn tại huyện Văn Giang (Hưng Yên) như Thắng Lợi, Mễ Sở, Liên Nghĩa… thời điểm này, dễ nhận thấy có sự khác biệt so với một số năm trước đây khi có khá nhiều nhà vườn chuyên về cam cảnh, bưởi cảnh mọc lên bên cạnh các vùng quất cảnh.
Bên cạnh đó, tại các diện tích trồng quất cảnh trước đây, hiện nay đã xuất hiện xen kẽ khá nhiều vườn cây ăn trái, đặc biệt là ổi, không còn thấy cảnh những cánh đồng bạt ngàn quất cảnh vàng ruộm như trước.
Anh Hoàng Văn Xoa, thôn Đan Kim (xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang) đang tạo thế cho vườn quất khoảng 100 gốc cho biết: "Tết năm ngoái, dù giá quất cảnh không quá bèo, song chỉ có cánh thương lái trúng đậm do càng áp tết, giá quất cảnh càng tăng chóng mặt.
Còn người trồng như chúng tôi, mỗi sào quất 200 gốc, trừ chi phí nhà vườn chỉ thu lãi từ 15-20 triệu đồng. Thu nhập này thấp hơn nhiều so với một số cây ăn quả khác, điển hình như cây ổi hiện đang phát triển khá mạnh thay thế đất trồng quất.
Một sào ổi trồng năm đầu cho quả bói, nhưng năm sau cho thu hoạch từ 30-40 triệu đồng là dễ, ổi lại dễ trồng, đầu tư thấp và không phải tốn công như nuôi con mọn giống như trồng quất cảnh. Vì thế năm nay, khá nhiều nhà vườn đã chuyển sang trồng ổi” – anh Xoa cho biết.
Nhận định về thị trường quất cảnh dịp Tết sắp tới, anh Xoa cho biết, hiện đang là thời điểm các thương lái đến chọn vườn “xem mặt” để đặt cọc tiền. Năm nay thời tiết rất thuận lợi cho quất, cam, bưởi cảnh phát triển khi không có mưa lớn, thời tiết nắng ấm xen kẽ các đợt rét vừa phải…
Mặc dù vậy, giá quất cảnh mà các thương lái đặt hàng các nhà vườn thời điểm này vẫn cao hơn năm ngoái từ 25-30%. Điều này một phần do nhiều diện tích quất đã chuyển sang trồng cây trồng khác nên nguồn cung giảm, giúp giá tăng. Theo đó, giá quất hạng “bình dân” mà các nhà vườn bán ra dao động từ 250-350 nghìn đồng/gốc, loại đẹp nhất từ 600-650 nghìn đồng/gốc.
Cam, bưởi lên ngôi
Nếu như dịp này các nhà vườn trồng quất hiện đang tất bật vào khuôn tạo dáng, thì các nhà vườn chuyên cam, bưởi cảnh lại đang chạy đua với mốt ghép quả. Mốt chơi cây cảnh ghép quả có vẻ đang rất thịnh hành.
Do năm nay nhuận hai tháng 9 nên để kéo dài thời điểm giúp quất chín trùng với dịp Tết, các nhà vườn đã đánh gốc quất muộn hơn 1 tháng (tháng 5 âm lịch, thay vì tháng 4 như mọi năm), bên cạnh đó, họ sẽ vặt bỏ đi một lớp quả đầu tiên để quất ra lớp quả thứ 2, làm sao giúp quất chín trùng vào dịp Tết. Vì vậy, việc năm nhuận không ảnh hưởng nhiều tới thị trường quất cảnh.
Tại nhà vườn cam – bưởi cảnh Dương Linh (thôn Công Luận 2, Thị trấn Văn Giang), chúng tôi bắt gặp cách ghép quả khá thú vị khi anh Dương, chủ cơ sở này đang thoăn thoắt ghép những quả phật thủ vào các gốc bưởi lủng lẳng quả.
Anh Dương cho biết: Vài năm trở lại đây, thị trường cam cảnh, bưởi cảnh ghép quả phục vụ tết rất ăn khách. Theo đó vào đầu năm, dân làm cây cảnh ở Văn Giang phải tỏa đi các vùng trồng bưởi lớn tít tận Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Tây (cũ)… để sưu tầm các gốc bưởi đã có từ 5 đến 10 năm thu hoạch quả, gốc bưởi to cỡ bắp chân trở lên với giá từ 1,5 – 2 triệu đồng/gốc, sau đó đem về cắt tạo tán, dưỡng để gốc mọc chồi.
Khoảng tháng 5, tháng 6, khi chồi đã mọc 50-60cm, các nhà vườn sẽ sưu tầm mua các quả bưởi non (cỡ bằng cái chén), mang về ghép vào chồi gốc. Quả bưởi non được ghép vào chồi gốc có thể phát triển bình thường.
“Mỗi cây bưởi cảnh chúng tôi thường tạo khoảng 30-40 quả, tuy nhiên chỉ có 5-7 quả là mọc ra thực sự từ chồi gốc, còn lại đều là quả ghép” – anh Dương tiết lộ.
Để tạo ra các cây bưởi cảnh sinh động hơn, hiện các nhà vườn đang đặt hàng quả phật thủ ở các vùng trồng phật thủ tại Tuyên Quang, Hà Nội… với giá khoảng 30 nghìn đồng/quả về ghép vào gốc bưởi, tạo thành cây bưởi có cả quả phật thủ trông rất bắt mắt.
“Tùy vào kích cỡ gốc, số lượng quả ghép, dáng đẹp hay không mà các chậu bưởi cảnh có giá khá khác nhau. Năm nay, chúng tôi đang chào hàng từ 4 đến 7 triệu đồng/chậu bưởi ghép quả, cao hơn năm ngoái khoảng 20%. Nếu gặp khách, mỗi chậu bưởi cảnh trừ chi phí mua gốc, đầu tư các loại, lãi từ 2 đến 2,5 triệu đồng, còn cam cảnh mỗi gốc lãi khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng” – một nhà vườn tại Văn Giang cho biết.
Sở dĩ thị trường cam, bưởi cảnh đang ngày càng thịnh hành bởi xu hướng người có tiền xây nhiều nhà to, họ thích chơi tết bằng cam cảnh, bưởi cảnh đồ sộ. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị ngày càng thích mua các cây cảnh chơi tết cỡ lớn, đắt tiền, có khi tới 20 triệu đồng/gốc...
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/quat-canh-cho-thang-hoa-post136300.html
Có thể bạn quan tâm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người trồng bí tại làng Bung (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đều đến từ thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. Họ phải thuê đất của người dân trong làng với giá từ 3 đến 8 triệu đồng/ha/vụ hoặc 3 triệu đồng/ha trong thời gian trên 2 năm. Hộ ít trồng 7 sào, hộ nhiều cũng trên 2 ha. Và việc trồng bí của họ cũng giống như 1 canh bạc, năm được, năm mất. Năm nay, ngoài một số ít hộ có lãi nhờ trồng sớm, còn lại đa số đều bị thua lỗ do bí vừa mất mùa, vừa mất giá.
Việc thực hiện Chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu ở các tỉnh đã có những kết quả đáng khích lệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông báo số 3020/TB-BNN-VP về Kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng chống bệnh hại cây hồ tiêu.
Cuộc tọa đàm trực tiếp có chủ đề “Cà Mau tìm hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản”. Sáng 26/4, tại Cà Mau, Hệ thời sự chính trị tổng hợp (VOV1) và Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Cà Mau tìm hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản”.
Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh Tây Ninh hiện đạt khoảng hơn 27.900 ha, trong đó hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt nước là 27.000 ha, còn lại là sông suối, kênh rạch.
Theo tin từ Cục Thống kê, hiện nông dân các địa phương trong tỉnh Bình Định đã sử dụng 4.255 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Riêng diện tích mặt nước đã thả nuôi tôm 1.482,4 ha, tăng 67,5 ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 483,3 ha diện tích tôm thẻ chân trắng và 999,1 ha tôm sú.