Quảng Ngãi keo chết hàng loạt do nắng nóng
Nắng hạn kéo dài khiến người trồng keo ở Quảng Ngãi lâm cảnh điêu đứng. Hàng trăm ha rừng keo héo úa rồi chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Bình Sơn và Đức Phổ là hai huyện có diện tích rừng keo chết nhiều nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Tình trạng keo chết diễn ra liên tục suốt hơn 1 tháng qua và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi nắng nóng vẫn gay gắt.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Bình Sơn, trên địa bàn toàn huyện có gần 100ha rừng keo ở các xã Bình Phú, Bình Tân, Bình Bình Thuận… bị chết. “Keo chết thường ở độ tuổi từ 2 – 3 năm. Nguyên nhân do nắng hạn kéo dài. Từ trước đến nay, trên địa bàn chưa xảy ra hiện tượng này”, ông Đỗ Văn Của, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bình Sơn cho biết.
Đi dọc các rừng keo ở các xã Bình Phú, Bình Tân, chúng tôi chứng kiến nhiều cánh rừng keo cao từ 7 – 8m đã chết khô chỉ còn trơ lại thân và cành. Một số diện tích khác thì lá cây cũng đã ngả vàng úa. Thậm chí, phía bên dưới mặt đất, cây cỏ một thời gian dài hứng chịu nắng nóng cũng đã khô cháy hết.
Đa số keo chết ở độ tuổi từ 2 - 3 năm
Nhìn rừng keo của mình đã bị chết khô, bà Phạm Thị Muốn (trú thôn Phú Nhiêu 3, xã Bình Phú) nghẹn ngào: “Cách đây mấy năm, nhà tôi vay mấy chục triệu để đầu tư trồng 3 sào keo, đến nay cũng sắp thu hoạch. Vậy mà nắng quá cây chết hết rồi, giờ chỉ lấy làm củi thôi. Sắp tới không biết lấy tiền đâu mà trả nợ”.
Tương tự, gia đình anh Hà Văn Hoa (thôn Phú Nhiêu 3, Bình Phú) có đến hơn 1ha rừng keo bị chết và vàng lá. Theo anh Hoa, gia đình anh cũng giống như nhiều gia đình khác trong xã, keo chết thường đã trồng được 2 – 3 năm. Những diện tích mới trồng hoặc đã được từ 5 năm trở lên ít chết hơn.
“Do khô hạn, các loại cây non cần ít nước hơn nên ít chết. Cây trồng lâu năm có bộ rễ dài, lấy được nước sâu trong lòng đất nên còn cầm cự được. Còn những cây mới được vài năm thì cần một lượng nước tương đối. Trong khi rễ chưa cắm sâu cộng với khô hạn kéo dài nên không đủ nước rồi chết hàng loạt như thế”, anh Hoa chia sẻ.
Nhiều diện tích rừng khác cũng héo úa.
Tại huyện Đức Phổ, đại diện Phòng NN-PTNT huyện thông tin, suốt 6 tháng qua, do nắng nóng liên tục nên nhiều cánh rừng keo ở các xã Phổ Thạnh, Phổ Cường, Phổ Khánh… cũng chết hàng loạt. Theo thống kê chưa đầy đủ thì tại huyện này có ít nhất 200 ha trồng keo của người dân bị bị chết khô, gây thiệt hại lớn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Lái, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Phổ cho biết: “Hiện nay, mỗi ha keo, người dân có thể thu về từ 70 – 100 triệu đồng. Với diện tích keo chết như thế thì toàn huyện thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tổng hợp, thống kê diện tích keo chết của người dân địa phương để báo lên cấp trên xem xét, hỗ trợ”.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả vừa tổ chức lớp tập huấn “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa”
Tỉnh Bình Định có 723 tàu cá có công suất trên 90CV nhưng chiều dài dưới 15m. Bởi chiều dài không đủ 15m nên theo quy định mới, không còn được đánh bắt xa khơi,
Cần nhiều giải pháp đồng bộ cho bài toán tồn tại và phát triển ngành mía đường