Quản Lý Vịt Chạy Đồng
“Nuôi vịt chạy đồng (NVCĐ) mang lại hiệu quả kinh tế cao do không tốn chi phí thức ăn. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại hình thức chăn nuôi này sẽ làm lây lan dịch bệnh. Vậy có nên phát triển NVCĐ ?”.
Đó là một trong những nội dung được đưa ra mổ xẻ tại hội nghị "Phát triển chăn nuôi thủy cầm bền vững ở Nam bộ" tại TP Long Xuyên, An Giang dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT).
Nguy cơ dịch bệnh chăn nuôi nhỏ lẻ
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, mặc dù dịch bệnh liên tục xảy ra nhưng số lượng đàn thủy cầm của nước ta vẫn liên tục tăng, với tổng đàn lên tới 72,5 triệu con. Trong đó, riêng khu vực ĐBSCL tăng từ 21,3 triệu con (năm 2006) lên 30,9 triệu con (năm 2011). Đàn thủy cầm của khu vực này chiếm trên 41% tổng đàn của cả nước.
Chăn nuôi vịt ở Nam bộ chủ yếu là nuôi theo hình thức chạy đồng, số hộ chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp. Toàn vùng hiện có khoảng 2.7000 hộ chăn nuôi vịt, trong đó trên 19.000 hộ NVCĐ. Theo điều tra của ngành thú y các tỉnh ĐBSCL thì số người NVCĐ xa (tỉnh này qua tỉnh khác) đang có xu hướng giảm, chủ yếu là chăn thả tại địa bàn xã, huyện nhà. Mặc dù số hộ NVCĐ ở ĐBSCL giảm nhưng số lượng đàn vịt chung của cả vùng vẫn tăng rất mạnh, chứng tỏ quy mô đàn đang ngày một tăng lên.
Mặc dù Nam bộ có tổng đàn gia cầm rất lớn nhưng công tác ấp nở con giống có vẫn còn nhiều bất cập, nhiều lò ấp nở trứng hiện không đạt yêu cầu. Đa phần các cơ sở ấp trứng sử dụng công nghệ lạc hậu, chủ yếu là loại máy thủ công, SX tự phát theo mùa vụ, hạn chế về thị trường, thiếu điều kiện thực hiện an ninh sinh học tối thiểu… Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các lò ấp trứng là rất cao.
Đại diện Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh có 6,2 triệu con gia cầm, trong đó có gần 2 triệu con vịt. Mặc dù tỉnh đã có phân cấp để quản lý nhưng do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi chạy đồng nên rất khó quản lý. Vịt chạy đồng chủ yếu được di chuyển bằng đường sông, trong khi địa bàn ĐBSCL lại có kênh rạch chằng chịt nên rất khó kiểm soát.
Bà Trương Thị Kim Dung, GĐ Trung tâm Thú y vùng 7 cho rằng, việc chăn nuôi nhỏ lẻ đang là trở ngại lớn đối với công tác quản lý, nhất là công tác tiêm phòng. Tỷ lệ các đàn gia cầm chăn nuôi nhỏ lẻ tại nông hộ được tiêm phòng thường đạt rất thấp, chỉ khoảng 20-30%. Trong khi đó, ý thức của người dân về phòng chống dịch bệnh chưa cao. Nhiều hộ chăn nuôi hỗn hợp gà, vịt, ngan chung với nhau và chủ hộ cũng chẳng biết nhà mình có bao nhiêu con gà, vịt (!).
Vì vậy, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao. “Từ đầu năm đến nay, toàn vùng đã có 6 tỉnh, với 11 huyện, 13 xã có dịch cúm gia cầm, buộc phải tiêu hủy trên 3.000 con gia cầm. Đáng lo ngại là đã có 2 trường hợp ở Kiên Giang và Sóc Trăng tử vong vì cúm gia cầm”, bà Dung cho biết.
Có nên nuôi kiểu chạy đồng ?
Theo TS. Nguyễn Văn Bắc (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) thì chăn vịt là nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập cho rất nhiều nông dân ở ĐBSCL. Tuy nhiên, phương pháp chăn nuôi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học dẫn đến dễ xảy ra dịch bệnh. NVCĐ ở ĐBSCL hầu như diễn ra quanh năm nhưng thường tăng cao vào các thời điểm thu hoạch lúa.
Đây là hình thức chăn nuôi mang lại hiệu quả cao nhưng dễ làm lây lan dịch bệnh. Vì vậy, cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ. “Nên chuyển dần hình thức NVCĐ xa sang chạy đồng gần bằng cách xây dựng các mô hình kết hợp vịt - lúa hay vịt - cá, hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học. Thực tế cho thấy những nông dân làm theo mô hình này đã mang lại hiệu quả khá cao”, ông Bắc đề xuất .
Nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay thì biện pháp NVCĐ vẫn là lựa chọn của số đông nông dân. ThS. Phạm Thị Hòa, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, toàn tỉnh có 4,2 triệu con gia cầm, trong đó đàn vịt 3,4 triệu con; chủ yếu được nuôi theo hình thức chăn thả. Theo bà Hòa, biện pháp mà An Giang đưa ra là yêu cầu người chăn nuôi phải ký cam kết bảo vệ môi trường, quản lý chặt NVCĐ bằng sổ. Khi di chuyển đến địa phương khác thì phải khai báo với chính cơ sở, mà cụ thể là trưởng ấp. Nhờ đó mà nhiều năm qua An Giang không xảy ra dịch cúm gia cầm.
"Chúng ta khuyến khích người chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại công nghiệp, song cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người NVCĐ. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc liên kết giữa người chăn nuôi với DN thu mua trứng, giết mổ gia cầm để tăng thêm lợi nhuận", ông Sơn nói.Trong khi nhiều đại biểu lo ngại vịt chạy đồng sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh thì ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kiên Giang lại khẳng định vịt chạy đồng ít xảy ra dịch bệnh hơn vịt nuôi nhốt tại nông hộ. Do vịt chạy đồng thường bị quản lý chặt chẽ nên người nuôi tuân thủ rất tốt việc tiêm phòng. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng tại những hộ nuôi nhỏ lẻ thường rất thấp.
Thực tế tại Kiên Giang dịch bệnh xảy ra thời gian qua chủ yếu là tại nông hộ chứ không phải từ NVCĐ. Hơn nữa, không phải giống vịt nào cũng nuôi nhốt tại nhà được. Ông Đức đề nghị nên tiếp tục duy trì việc tiêm phòng vac xin cúm gia cầm vì đây là biện pháp mang lại hiệu quả. Mỗi năm, chi phí tiêm phòng cho đàn gia cầm ở Kiên Giang chỉ hết khoảng 4 tỷ đồng, trong khi đó chỉ riêng thu nhập từ trứng vịt đã mang lại thu nhập cho người dân hơn 400 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bằng cách cho tiêm phòng vacxin, cho NVCĐ nhưng phải có kiểm soát. Đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả và đảm bảo an toàn sinh học để nông dân học tập, làm theo.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh, nghề chăn nuôi vịt có vai trò rất quan trọng đối với nông dân ĐBSCL. Mỗi năm, nghề này mang lại nguồn thu nhập rất lớn, khoảng 15-20 ngàn tỷ đồng. Điều đáng mừng là số hộ chăn nuôi giảm nhưng tổng đàn vẫn tăng, chứng tỏ quy mô đàn vịt đang ngày được tăng lên.
Có thể bạn quan tâm
Theo quy hoạch của ngành điện Trà Vinh, sản lượng điện cho nuôi tôm vỏn vẹn 670.000 kWh. Nhưng chỉ tính đến năm 2013, sản lượng điện thực tế phục vụ nuôi tôm đã lên tới 34 triệu kWh, gấp hàng chục lần quy hoạch. Sự lệch pha giữa quy hoạch nông nghiệp và quy hoạch điện đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của bà con.
Sau vụ việc cơ sở thu mua chuối ngâm hóa chất của ông Hoàng Phú Tới bị xử phạt, người trồng chuối ở Tịnh Hà (Sơn Tịnh) lại bắt đầu một mùa chuối mới với đầy hy vọng. Tuy vậy, nỗi lo mất mùa vẫn đè nặng lên người trồng chuối nơi đây.
Australia là một trong những nước có mức tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người tăng từ 10kg/năm vào những năm 1990 lên khoảng 25kg/năm hiện nay. Tuy nhiên, mức tiêu thụ bình quân này vẫn còn thiếu 40% so với khuyến cáo của các tổ chức về sức khoẻ của nước này, nên, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của Australia sẽ còn tăng hơn nữa.
Cùng với đó, một số hộ dân trong xã đã có sẵn chuồng trại và kinh nghiệm chăn nuôi dê. Trên thực tế, chăn nuôi dê đã phát triển ở xã từ khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch cụ thể về vùng chăn nuôi, đa số các hộ đều nuôi dê tự phát và chăn thả tự do ảnh hưởng đến sản xuất nông, lâm nghiệp. Thêm vào đó, để bắt đầu nuôi dê cần khá nhiều vốn vì giá dê giống luôn ở mức khá cao, một con dê sinh sản nặng 30kg có giá khoảng 3-4 triệu đồng.
Đưa chúng tôi đi thăm khu trang trại, ông Ngọc vui vẻ cho biết, đối với ông, nuôi hươu, nai không phải là mới mẻ. Từ năm 2000, nhà ông đã nuôi hươu, nai rồi, nhưng lúc đó do điều kiện kinh tế eo hẹp nên chỉ nuôi được 4 con hươu, nai để tận dụng diện tích 2ha đất đồi của nhà. Qua quá trình nuôi, ông nhận thấy 2 loài động vật này phát triển tốt, ổn định và phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây.