Quản lý dịch hại trên vườn cây có múi
Các chuyên gia, nhà khoa học của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thống nhất các biện pháp quan trọng nhằm quản lý dịch hại trên cây ăn quả có múi.
Vườn cam bị bệnh vàng lá ở Cao Phong, Hòa Bình. Ảnh: HT.
Mới đây, Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “Quản lý dịch hại trên vườn cây ăn quả có múi”. Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại đầu cầu Viện Nghiên cứu Rau quả với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà vườn trồng cây ăn quả có múi trên toàn quốc.
Hội thảo đã thống nhất các giải pháp kỹ thuật được thống nhất các biện pháp quản lý dịch hại trên vườn cây ăn quả có múi như sau:
Để quản lý hiệu quả dịch hại trong vườn cây ăn quả có múi, nhà nông cần tuân thủ một số giải pháp kỹ thuật chính, gồm: Sử dụng cây giống sạch bệnh, giống rõ nguồn gốc. Duy trì mật độ trồng hợp lý. Cắt tỉa, tạo tán cho vườn cây thông thoáng. Bón cân đối NPK, ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh.
Chuyển đổi sang cây trồng khác trước khi lặp lại trồng cây có múi. Nhân nuôi hoặc tạo điều kiện cho các loại thiên địch phát triển như kiến vàng, bọ rùa, ong ký sinh, nhện bắt mồi, chuồn chuồn, bọ ngựa,...). Quản lý cỏ dại theo hướng không dùng thuốc hóa học. Thiết lập hệ thống tưới tiêu tốt để tiêu thoát nhanh nước trong những ngày trời mưa và tưới đủ ẩm thường xuyên cho đất vườn khi thời tiết hanh khô, nắng nóng.
Trồng xen cây ngắn ngày hoặc những cây có tác dụng xua đuổi côn trùng. Những nơi có điều kiện nên trồng cây keo làm hàng rào chắn gió. Thăm vườn hàng ngày để phát hiện phòng trừ sớm các loại sâu bệnh hại. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng", trong đó ưu tiên sử dụng các loại thuốc thế hệ mới, thuốc có nguồn gốc sinh học.
Ngoài những giải pháp kỹ thuật chung với cây ăn quả có múi như trên, cần tiến hành thêm các biện pháp phòng trừ riêng đối với từng loại sâu bệnh dưới đây:
Mô hình làm màn ngăn ruồi vàng cho vườn cây ăn quả có múi. Ảnh: H.T.
- Phòng bệnh Greening và Tristeza: Không trồng cây nguyệt quế ở vườn cây ăn quả có múi. Treo bẫy màu vàng trong vườn để đánh giá rầy chổng cánh. Trồng cây chắn gió để hạn chế mầm bệnh lan truyền qua rầy chổng cánh. Trừ môi giới rầy chổng cánh bằng thuốc BVTV có hoạt chất Abamectin.
- Trị bệnh vàng lá thối rễ: Áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật canh tác. Khi vườn cây bị vàng lá thối rễ phải tiêu hủy ngay những cây bị bệnh. Kết hợp phun thuốc Ridomil Gold 68WG, Aliette 800WG hoặc Alpine 80WG lên tán cây và toàn bộ vùng đất trồng cây. Tưới thuốc Movento 1500D hoặc Syngenta Tervigo trừ rệp sáp và tuyến trùng hại rễ. Bón phân kích rễ theo hình tán cây để hình thành nhiều rễ tơ mới. Bổ sung phân hữu cơ vi sinh và NPK tổng hợp.
- Khắc phục bệnh chảy gôm, đốm đen, đốm lõi: Thu gom hết quả rụng trong vườn cho xuống hố và xử lý bằng vôi bột. Xới xáo nhẹ 5-10cm xung quanh tán cây. Phun lên tán hoặc tưới gốc bằng thuốc Aliette 800WG, Alpine 800WDG hoặc Ridomil Gold 68 WG. Bón phân kích rễ 1 lần/tuần (tưới theo hình tán cây). Giữ ẩm thường xuyên vườn cây trong những ngày nắng nóng, khô hạn kết hợp bón thêm phân. Bón đủ lượng phân hữu cơ hàng năm để tăng cường hệ vi sinh vật đất, đặc biệt là các vi sinh vật đối kháng.
- Trừ sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh và bọ trĩ: Phun phòng từ 1-2 lần mỗi đợt cây có lộc non và quả non. Phun thuốc có hoạt chất Abamectin, có nguồn gốc sinh học.
- Phòng, trị nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng bằng cách: Thường xuyên phun nước lã lên tán cây vào những ngày nắng nóng, hanh khô để giảm mật độ nhện. Dùng thuốc có chứa hoạt chất Abamectin + dầu khoáng.
Cây có múi bị bệnh thối rễ. Ảnh: HT.
- Trị sâu đục thân, đục gốc, đục cành: Làm sạch cỏ gốc cây. Diệt trừ các cây là thức ăn của ấu trùng loài ngài chính hút. Dùng vợt bắt và giết thành trùng vào ban đêm. Bắt xén tóc trưởng thành. Làm bẫy thức ăn (chuối chín và mít chín) để dẫn dụ ngài. Sử dụng bẫy bả có tẩm các loại thuốc trừ sâu không hoặc ít mùi.
Dùng túi bao quả, màn bao cây và quả khi ngài hút quả bắt đầu xuất hiện. Thăm vườn thường xuyên vào mùa mưa để diệt kịp thời ấu trùng. Khi ấu trùng ăn xuống chừng 1cm, dùng dây thép móc giết hoặc xịt thuốc nồng độ cao vào lỗ ấu trùng ở. Quét vôi từ chân gốc đến chiều cao cây khoảng 1m. Dùng thuốc có hoạt chất Abamectin bơm vào lỗ đục rồi lấy đất sét bịt kín miệng lỗ.
- Phòng ngừa ruồi vàng: Phun thuốc muỗi hoặc treo băng phiến trong vườn cây để xua đuổi ruồi trưởng thành. Dùng túi bao quả hoặc làm màn bao cây, bao vườn khi chớm có ruồi vàng. Sử dụng thuốc sâu rắc quanh gốc cây để trừ nhộng. Thu nhặt quả bị hại đem tiêu hủy để diệt ấu trùng ở trong quả. Làm bẫy bả protein treo ngoài vườn để diệt ruồi đực, treo 2-3 bẫy/1.000m2, phải treo tập trung và đồng loạt. Thuốc diệt ruồi vàng đục trái là Vizibon D.
Phòng bệnh loét và bệnh ghẻ: Cắt và thu gom cành, lá, quả bị bệnh đem tiêu hủy. Không tưới nước lên tán cây với những vườn cây có múi bị bệnh. Đốn tỉa tạo tán định kỳ để vườn cây luôn thông thoáng. Trị các bệnh này bằng phun dung dịch Boocđo 1% hoặc thuốc có hoạt chất Mancozeb.
Trừ rệp sáp, rệp vảy dùng thuốc có hoạt chất Spirotetramat hoặc Abamectin. Chú ý sử dụng thuốc và chế phẩm theo hướng dẫn ghi trên bao gói.
Có thể bạn quan tâm
Vitamin B1 có chức năng là co-enzyme trong biến dưỡng carbohydrate. Đây là loại vitamin cần cho sự chuyển hóa glucid cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Cambridge đã phát triển kỹ thuật mới để ước tính mức độ nghiêm trọng trong cơn đau ở cừu, được gọi là Sheep Pain
Nước là nhu cầu cần thiết giúp vật nuôi tăng cường quá trình trao đổi chất, chuyển hóa thức ăn và đặc biệt là điều hòa nhiệt độ cơ thể
Chăn nuôi an toàn sinh học là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh
Chim bồ câu có hiện tượng như phát triển chậm và gày yếu, một số con đi ngoài phân lỏng, có nhiều dịch nhày, màu sô-cô-la, có con phân có máu, chim kiệt sức