Quản lý ao nuôi thích ứng với thời tiết
Hiện, mùa mưa đã bắt đầu, với diễn biến thời tiết sáng nắng, chiều mưa sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và gây hại đến tôm nuôi.
Tác động
Mưa lớn có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sản xuất tôm. Mưa lớn kéo dài làm pH trong ao giảm (nước mưa có tính axit), giảm nồng độ khoáng chất và chất dinh dưỡng, tăng độ đục và cuối cùng là cường độ ánh sáng mặt trời giảm. Yếu tố này làm cho quần thể tảo trong ao bị giảm đột ngột, dẫn đến tình trạng sụp tảo trong hoặc ngay sau thời gian mưa. Các yếu tố trên tạo nên một môi trường không thuận lợi cho sự phát triển và sinh trưởng của tôm. Cùng với đó là quá trình tăng một lượng lớn chất hữu cơ, cả hai nguyên nhân này là điều kiện lý tưởng cho sự gia tăng của vi khuẩn, từ đó tạo nguy cơ gây hại lớn đến sức khỏe của tôm.
Trong ao, thường có hai nguồn tạo ra ôxy hòa tan (DO) đó là từ các máy sục khí và từ thực vật phù du. Như đã nêu ở trên, trong suốt giai đoạn mưa kéo dài, hoạt động của thực vật phù du sẽ chậm lại vì có ít ánh sáng mặt trời. Điều này là không mong muốn; tuy hoạt động của tôm giảm do những thay đổi nhiệt độ nhưng nhu cầu ôxy của tôm vẫn còn cao hoặc như bình thường. Cùng đó, lượng mưa lớn khiến nước ao tôm bị phân tầng làm hàm lượng DO trong nước không xuống được đáy ao dẫn đến tình trạng thiếu hụt ôxy đáy. Mức DO có thể giảm từ 4 ppm xuống 2 ppm và sau đó đến 1,5 ppm trong nửa giờ nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.
Những tác động của mưa lớn đến sức khỏe tôm có thể dễ dàng nhận ra bao gồm hiện tượng tôm bám bờ (khoảng 2 - 3 ngày sau khi mưa) và mang đen hoặc tôm bị bám bẩn. Tôm có dấu hiệu chán ăn, dễ bị stress, thiếu khí và dễ nhiễm bệnh cũng như tăng tỷ lệ chết, giảm năng suất của ao. Theo dữ liệu quan sát được ở một vùng nuôi của Thái Lan, tỷ lệ tôm chết do mưa lớn có thể dao động từ 2 - 3% đến 50%.
Ao chuẩn bị thả giống
Vào mùa mưa, độ mặn tất cả các vùng nuôi đều giảm thấp. Ở những vùng nuôi tôm nằm sâu trong nội đồng, thường có độ mặn thấp hơn những vùng nuôi ven biển. Chính vì vậy, người nuôi cần phải xác định độ mặn chính xác trước khi thả giống để có biện pháp thuần hóa thích hợp.
Theo dõi chất lượng môi trường nước trước khi thả giống. Nếu tại điểm quan trắc có NO2 cao cần sử dụng chế phẩm sinh học xử lý khí độc trong ao.
Trước khi thả giống, có nhiều trường hợp gặp phải tình trạng mưa kéo dài liên tục. Khi đó, người nuôi sẽ phải đối diện với hiện tượng biến động lớn các chỉ tiêu môi trường ao nuôi như độ mặn, pH giảm, rớt tảo, nước trong, nước phân tầng, rửa trôi phèn từ bờ ao, nguy cơ về H2S ở những khu vực phèn tiềm tàng… Vì vậy, để hạn chế thiệt hại, người nuôi nên thả tôm vào buổi sáng do mưa lớn thường xảy ra vào buổi trưa và chiều. Cùng đó, cần tiến hành bón vôi CaCO3 xung quanh bờ ao theo định kỳ sẽ giảm được hiện tượng phèn trong ao nuôi.
Nuôi tôm trong mùa mưa không nên thả nuôi với mật độ cao, vì môi trường luôn biến động gây bất lợi cho tôm, người nuôi rất khó kiểm soát. Trong hình thức nuôi tôm công nghiệp, chỉ nên thả nuôi với mật độ 15 - 20 con/m2 đối với tôm sú và TTCT khoảng 60 - 80 con/m2. Tôm giống phải được xét nghiệm để đảm bảo chất lượng.
Ao đang thả giống
Trong thời điểm đang thả tôm, nếu gặp trời mưa, người nuôi cần lập tức rải vôi lên bờ ao. Bật tất cả các quạt nước và thiết bị tạo ôxy (nếu có). Bổ sung thêm CaCO3 và Dolomite liều lượng 15 - 20 kg/1.000 m3. Lưu ý, không được thả tôm phía cuối gió. Quạt nước cần được hoạt động liên tục cho đến khi hết mưa, tôm chưa cần phải cho ăn ngay. Cùng đó, xử lý thêm vôi, khoáng và gây màu nếu lượng mưa lớn.
Sau khi thả giống
Trường hợp thả tôm xong gặp mưa lớn, người nuôi cần bật quạt nước trong suốt thời gian này. Nếu có dấu hiệu ngớt mưa thì có thể chạy 50% số giàn quạt để cho tôm ăn. Duy trì hoạt động của thiết bị tạo ôxy đáy và tắt các giàn quạt khi cho ăn. Trong những ngày mưa, cần bổ sung khoáng liên tục. Để duy trì độ kiềm và ổn định pH cần bổ sung thêm vôi canxi và Dolomite nếu mưa vẫn kéo dài. Nếu pH thấp và có hiện tượng xì phèn (đối với ao đất) thì cần phải xử lý thêm EDTA. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Từ giai đọa Zoea đến PL12, người nuôi có thể cho tôm ăn với thức ăn PL - dòng thức ăn thế hệ mới của Skretting, giúp ấu trùng tôm đạt được sức khỏe tốt nhất trước khi thả giống. Công thức thức ăn PL được thiết kế đặc biệt phù hợp với hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của tôm ở giai đoạn đầu đời, giúp tôm thích ứng với những biến động của môi trường tốt hơn. Ngoài ra, với kết cấu bền trong nước, thức ăn PL cũng góp phần đáng kể vào việc giữ môi trường nước ao nuôi ổn định.
Ao đang có tôm
Trong quá trình nuôi, để xử lý môi trường kịp thời và hiệu quả, người nuôi nên dự trữ các vật tư cần thiết như vôi, khoáng, yucca, ôxy viên, chế phẩm sinh học…
Theo dõi diễn biến thay đổi thời tiết để có những biện pháp xử lý. Ngay khi có dự báo mưa, người nuôi cần chủ động bón vôi khắp bờ ao, kiểm tra các yếu tố môi trường và điều chỉnh hợp lý. Nếu thấy trời có dấu hiệu chuyển mưa thì giảm 30 - 50% lượng thức ăn hoặc ngưng cho tôm ăn đến khi hết mưa.
Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường vi khuẩn có lợi cho ao nuôi, đồng thời ổn định nguồn nước cho ao. Không nên xả bớt nước tầng mặt khi trời mưa bởi đây chính là nguồn nước bổ sung để giảm độ mặn trong ao sau những ngày nắng hạn, nhằm kích thích tôm lột xác và phát triển.
Để tôm sinh trưởng tốt trong mùa mưa, cần tăng sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung vitamin, khoáng, giải độc gan và men đường ruột vào thức ăn. Những khu vực có độ mặn cao, khi lấy nước vào ao cần pha loãng để giảm độ mặn bằng nước ngọt.
Quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi như pH, hàm lượng DO, kiềm, độ mặn, độ trong, khoáng chất… luôn nằm trong ngưỡng thích hợp và chuẩn bị các phương án sẵn sàng xử lý cho ao nuôi trong giai đoạn mùa mưa này. Áp dụng các biện pháp để giảm thiểu tối đa chất hữu cơ (phân tôm, bùn đáy, thức ăn dư thừa…) ra khỏi đáy ao, kiểm soát các vấn đề về tảo (tảo tàn, tảo nở hoa); khuyến khích các mô hình tiên tiến bền vững như nuôi tôm lót bạt hai giai đoạn có hố xi phông đáy, mô hình nuôi tôm kết hợp với cá rô phi xử lý nước.
Người nuôi nên chuẩn bị tốt các điều kiện trong mùa mưa vì có nhiều yếu tố sẽ gây tác động xấu đến ao tôm. Nhận biết và kịp thời xử lý là các bước đầu tiên để khắc phục những vấn đề gặp phải trong thời điểm này.
Có thể bạn quan tâm
Theo nhiều người theo nghề thả lưới cá bông lau trên sông Hậu ở hai huyện Lai Vung (Đồng Tháp) và Lấp Vò thì sản lượng cá bông lau đánh bắt được năm nay giảm khoảng 50% so với năm 2015. Nguyên nhân cá ít là do nước sông không nhiều. Cùng với sản lượng đánh bắt giảm, số lượng cá bông lau lớn loại 7 - 8 kg/con trở lên mắc lưới cũng rất ít, từ đầu mùa đến nay ngư dân địa phương chỉ đánh bắt được vài con. Cá bông lau mắc lưới nhiều chỉ từ 3 - 5kg/con.
Những ngày này, tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị), hàng chục tàu thuyền lớn nhỏ của ngư dân đang tấp nập ra khơi trong niềm vui được mùa cá cơm. Với nhiều ngư dân nơi đây, được mùa cá ngay từ những chuyến biển đầu năm sẽ là tín hiệu vui báo hiệu một năm ra khơi thuận lợi. Đồng thời, đây cũng là điều kiện cho các dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương phát triển, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.
Mô hình “Nuôi cá lúa” được triển khai trên địa bàn xã Mỹ Phước Tây, TX Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang với 10 hộ tham gia trên diện tích là 2 ha. Thời gian thực hiện từ tháng 6 - 12/2015.
Sau gần 2 năm triển khai, đề án đánh bắt cá ngừ kiểu Nhật tại Bình Định chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, ngư dân không mấy mặn mà.
Giá bán tăng, lại đang chính lịch thời vụ, nhưng không khí thả nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi diễn ra trái chiều ở các đối tượng. Trong khi nghề nuôi tôm trầm lắng thì cá nước ngọt lại rộn ràng, nhộn nhịp...