Trang chủ / Hải sản / Tôm hùm

Phương pháp phòng, trị một số bệnh thường gặp ở tôm hùm nuôi lồng

Phương pháp phòng, trị một số bệnh thường gặp ở tôm hùm nuôi lồng
Tác giả: Ngọc Hà – Anh Quân
Ngày đăng: 25/07/2018

Hiện nay, tôm hùm là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng, giá trị xuất khẩu cao và đang được nuôi phổ biến tại các tỉnh miền Trung nước ta. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm hiện gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Hơn nữa, việc nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển là nuôi trong một hệ sinh thái hở, nên phần lớn người nuôi chưa nắm chắc biện pháp phòng trị bệnh cũng như quản lý sức khỏe tôm nuôi trong điều kiện nuôi này. Sau đây là một số bệnh thường gặp ở tôm hùm nuôi lồng và phương pháp phòng trị bệnh để người nuôi có thể giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm hùm lồng.

Ảnh minh họa

Bệnh long đầu có thể xảy ra ở tất cả các loài tôm hùm nuôi lồng, gây chết tôm nuôi từ rải rác đến hàng loạt và có thể xảy ra ở cả giai đoạn tôm con và tôm trưởng thành. Khi mắc bệnh, phần giáp nối đầu ngực và phần bụng của tôm bệnh long ra, có chất dịch bên trong lớp biểu bì khu vực này. Nguyên nhân gây bệnh do môi trường vùng nuôi có độ mặn thay đổi đột ngột (độ mặn thấp) hay có sự thay đổi lớn về môi trường nuôi; hoặc do tôm nuôi bị nhiễm khuẩn.

Khi tôm nhiễm bệnh, người nuôi cần di chuyển lồng, bè nuôi đến vùng có độ mặn ổn định (>28‰). Vào những ngày trời có mưa, hay sau những trận mưa lớn cần chú ý tránh vớt tôm lên bề mặt lồng, bè nuôi. Tôm có thể bị sốc do thay đổi điều kiện môi trường sống, đặc biệt là thay đổi về độ mặn.

Bệnh mòn đuôi (cháy đuôi): thường gặp ở tôm hùm Bông, tuy nhiên bệnh cũng có thể gặp ở tất cả loài tôm hùm nuôi khác. Khi nhiễm bệnh, màu sắc tôm thay đổi khác hẳn so với màu sắc bình thường, dấu hiệu đặc trưng nhất là đuôi tôm bị ăn mòn, giai đoạn bệnh nặng có thể đuôi bị cụt. Bệnh này gây chết rải rác và xảy ra ở tất cả các giai đoạn tôm nuôi nhưng phần lớn gặp ở tôm trưởng thành.

Nguyên nhân gây bệnh mòn đuôi ở tôm hùm nuôi lồng do môi trường nước vùng nuôi kém chất lượng, do vi khuẩn hoặc do người nuôi thả tôm với mật độ dày. Để điều trị bệnh, trước hết người nuôi cần san thưa mật độ nuôi; sử dụng Doxycycline (loại Doxycycline base 10% dùng trong thú y) 5-7 g/kg thức ăn tùy thuộc theo kích cỡ tôm nuôi, cho ăn liên tục 5-7 ngày. Lưu ý, thức ăn tốt nhất để trộn/tiêm thuốc vào cho tôm hùm ăn là giáp xác (ghẹ, cua…), cá tươi. Nên ngâm thuốc trong thức ăn khoảng 15-30 phút rồi bọc thức ăn bằng các chất kết dính (QM-Binder, Profid, dầu gan mực, …) trước khi cho tôm ăn.

Bệnh đóng sum/hà: có thể xảy ra ở tất cả các loài tôm hùm nuôi lồng, do môi trường vùng nuôi có chất lượng nước kém, công tác vệ sinh lồng,bè nuôi ít được chú trọng hoặc do tôm suy dinh dưỡng, chậm lột xác.

Khi tôm nhiễm bệnh, nhìn bên ngoài thấy sum/hà bám ở phần giáp đầu ngực, ức ngực. Tôm bị bệnh này khó lột xác và chậm lớn. Bệnh chỉ xảy ra ở giai đoạn tôm trưởng thành và có thể gây chết rải rác tôm hùm nuôi. Để phòng và trị bệnh, người nuôi cần cải thiện môi trường vùng nuôi; vệ sinh lồng/bè nuôi thường xuyên, bảo đảm chất lượng và số lượng thức ăn hợp lý cho tôm.

Hội chứng “mang cục nhầy”: thường gặp ở tôm hùm Bông, tôm hùm Đá nuôi lồng. Tuy nhiên, ở các loài tôm hùm nuôi khác cũng có thể mắc hội chứng này. Khi nhiễm bệnh, phần ức ngực (giữa 3 đôi chân bò sau cùng) của tôm có “cục nhầy” màu trắng đục, tôm “ngứa ngáy” và liên tục “cào xé” làm lở loét vùng ức ngực, tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại xâm nhập.

Nguyên nhân gây bệnh do quá trình giao phối của tôm tạo nên. “Cục nhầy” có màu trắng đục, dẻo, sau đó khoảng 1 giờ “cục nhầy” cứng lại, gần giống như ma – tít, đó chính là sản phẩm sinh dục (túi tinh) của tôm hùm đực phóng ra trong quá trình giao phối. Nó được gắn chặt vào ức ngực giữa 3 đôi chân bò sau cùng. Đây chính là kết quả của quá trình thích nghi của loài để tránh những vật ăn mồi ở vùng nông cạn, và cũng là để tăng khả năng bảo vệ, duy trì sự tồn tại của giống loài.

Để ngăn chặn tình trạng trên, người nuôi cần phải  thả tôm với mật độ thích hợp trong giai đoạn phát dục thành thục, thông thường nên nuôi với mật độ 3 – 4 con/m² lồng. Nuôi tôm với tỉ lê tôm đực và tôm cái thích hợp. Thông thường nên nuôi 50% tôm đực và 50% tôm cái trong một lồng nuôi ở giai đoạn tôm phát dục thành thục. Không nên tách tôm đực và tôm cái riêng rẽ, bởi việc làm này không những chưa giải quyết một cách triệt để hiện tượng “mang cục nhầy” mà còn làm mất đi một lượng trứng ở tôm cái do không được thụ tinh. Sau thụ tinh, trứng được đưa ra môi trường tự nhiên sẽ góp phần bổ sung nguồn con giống. Ngoài ra, người nuôi có thể loại bỏ trực tiếp “cục nhầy” bằng biện pháp cơ học thông thường.

Hội chứng tôm “dính vỏ”: phần vỏ của các đốt bụng và vỏ giáp đầu ngực của tôm không lột được ra khỏi cơ thể tôm khi tôm tiến hành lột xác. Dấu hiệu này có thể gặp ở các giai đoạn tôm nuôi, nhưng thường gặp ở giai đoạn tôm non và có thể gây chết rải rác đến hàng loạt.

Nguyên nhân của hiện tượng trên do sức đề kháng của tôm yếu hay do quá trình vận chuyển, thao tác đánh bắt làm ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, đặc biệt khi không đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho tôm trong quá trình nuôi. Để phòng trị bệnh, người nuôi cần đảm bảo đủ số lượng và chất lượng thức ăn cần thiết cho tôm trong khẩu phần thức ăn hàng ngày bằng cách cho tôm ăn thức ăn tươi với nhiều chủng loại khác nhau. Bên cạnh đó, tránh vận chuyển, phân cỡ tôm vào thời điểm tôm chuẩn bị lột xác.

Hội chứng cúm chân: bắt gặp ở tất cả các loài tôm hùm nuôi. Khi nhiễm bệnh, tôm rũ rượi, chân bò co rúm lại, hội chứng này xảy ra ở cả tôm con và tôm trưởng thành, gây chết rải rác tôm hùm nuôi lồng. Để phòng, trị bệnh, người nuôi cần tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin C vào khẩu phần thức ăn cho tôm.

Hội chứng đầu to: gặp ở tất cả các loài tôm hùm nuôi như tôm hùm Bông, tôm hùm Đá, tôm hùm Sỏi, tôm hùm Đỏ, tôm hùm Tre. Hội chứng đầu to xảy ra ở tất cả các giai đoạn của tôm nuôi nhưng với tần suất thấp và thường gặp nhiều hơn ở tôm trưởng thành. Khi nhiễm bệnh, phần giáp đầu ngực tôm bệnh rất lớn, khác thường, phần bụng và phần quạt đuôi nhỏ. Tôm mắc hội chứng này thường chậm lớn, còi cọc, khó lột xác, hình dạng tôm ít được “bắt mắt” người mua và gây chết rải rác.

Hội chứng này xảy ra có thể liên quan đến vấn đề dinh dưỡng ở tôm hùm nuôi. Điều này có thể do người nuôi không cung cấp thức ăn đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho tôm; thức ăn không được tôm sử dụng hay sử dụng với hiệu suất thấp; khả năng hấp thụ dinh dưỡng trong thức ăn của tôm thấp. Để phòng và trị bệnh, người nuôi cần cho tôm ăn những loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng tốt; số lần cho ăn và liều lượng thức ăn phải đúng yêu cầu kỹ thuật. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng đề kháng của tôm bằng các loại vitamin và khoáng chất như vitamin C; vitamin tổng hợp. Premix…. Ngoài ra cần tìm hiểu về những bất thường trong hệ tiêu hóa của tôm bệnh.

Hội chứng mềm vỏ: bắt gặp ở hầu hết các loài tôm hùm nuôi lồng. Khi nhiễm hội chứng này, toàn bộ cơ thể tôm mềm kéo dài như lúc vừa mới lột xác, hội chứng xảy ra ở giai đoạn tôm con và tôm trưởng thành và gây chết rải rác tôm hùm nuôi.

Nguyên nhân có thể do tôm có sức khỏe kém, sau khi lột xác quá trình cứng vỏ không thực hiện được hoặc thực hiện rất chậm. Tôm dễ bị sây sát, tổn thương đến các bộ phận trên cơ thể, tạo cơ hội tốt để một số tác nhân như nấm, vi khuẩn, kí sinh trùng xâm nhiễm và gây bệnh. Để phòng và trị bệnh, người nuôi cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho tôm đồng thời cung cấp khẩu phần ăn giàu canxi cho tôm nuôi.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật khai thác và vận chuyển Tôm Hùm Giống Kỹ thuật khai thác và vận chuyển Tôm Hùm Giống

Lưới được giăng xuống biển bằng thuyền vào khoảng 8 giờ tối, sau 4 – 5 tiếng (vào khoảng 12 – giờ khuya lưới được kéo lên thuyền lần thứ nhất để thu gom những con tôm hùm giống dính lưới.

12/11/2015
Quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể - Phần 1 Quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể - Phần 1

Nuôi tôm hùm bông trong bể là mô hình nuôi tiên tiến, năng suất có thể đạt 5 kg/m2, tỷ lệ sống trên 80% và có thể kiểm soát được các bệnh nguy hiểm

01/04/2016
Quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể - Phần 2 (Phần cuối) Quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể - Phần 2 (Phần cuối)

Quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể - Phần 2 (Phần cuối)

01/04/2016