Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Phương pháp điều trị ký sinh trùng trên cá cảnh bằng chất humic

Phương pháp điều trị ký sinh trùng trên cá cảnh bằng chất humic
Tác giả: Lệ Thủy
Ngày đăng: 18/09/2021

Chất humic có thể giúp điều trị các bệnh do ký sinh trùng, bao gồm bệnh velvet trên cá cảnh và cá nuôi.

Trong một bài báo cáo khoa học được đăng trên tạp chí Reviews in Aquaculture đã cho thấy rằng các chất humic có thể giúp điều trị các bệnh do ký sinh trùng, bao gồm bệnh velvet trên cá cảnh và cá nuôi.

Cá là vật chủ của nhiều loài ngoại và nội ký sinh (ký sinh bên trong và bên ngoài cơ thể). Ký sinh trùng là một phần của hệ sinh thái nhưng sẽ nên trầm trọng khi cá bị căng thẳng nhất là trong điều kiện nuôi nhốt. 

Bệnh do ký sinh trùng velvet 

Bệnh velvet (velvet disease), là một bệnh trên cá do ký sinh trùng gây ra nhiều người nhầm tưởng là bệnh do nấm nên có tên gọi bệnh nấm velvet. Ký sinh trùng trú ngụ bên dưới lớp da của cá và bắt đầu phát triển từ những đốm nhỏ li ti trên mình cá. Làm da cá tổn thương, hệ miễn dịch suy yếu và khiến cá nhiễm trùng thứ cấp.

Bệnh gây ra bởi các loài trong các chi Amyloodinium và Piscinoodinium và ảnh hưởng đến cả cá biển lẫn cá nước ngọt. Trong luận án tiến sĩ của mình, Thora Lieke đã cho thấy những rủi ro và lợi ích của các phương pháp điều trị hiện tại đối với bệnh velvet và cung cấp các cách tiếp cận mới thân thiện với môi trường hơn.

Dấu hiệu nhận biết bệnh velvet: Trên thân cá xuất hiện đốm nhỏ li ti, các bào tử tạo ra một lớp “nhung” (velvet) trên da có màu từ vàng đến nâu. Cá có biểu hiện ngứa ngáy khó chịu bơi giật giật hay cọ thân vào cây cỏ hay tiểu cảnh. Bệnh lây lan nhanh, chu trình sinh trưởng của ký sinh diễn ra nhanh hơn khi nhiệt độ tăng.

Chẩn đoán bệnh velvet ở cá: Quan sát chất nhầy trên da hoặc mang cá dưới kính hiển vi có thể giúp phát hiện các tế bào ở giai đoạn đầu của sự xâm nhiễm. Vì các bào tử trùng rụng sau khi vật chủ chết, nên phải chẩn đoán trên cá sống. 

Điều trị bệnh velvet

Phương pháp điều trị bệnh velvet truyền thống là sử dụng các hợp chất có chứa đồng, xanh malachit hoặc xanh methylen. Tuy nhiên, khi các chất này thải ra môi trường sẽ có độc tính cao đối với các sinh vật khác. Do đó, một số nước châu Âu đã cấm sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản; và một lệnh cấm tương tự dự kiến đối với việc nuôi cá cảnh thương mại. 

Một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất chống lại sự xâm nhập của Piscinoodinium là sử dụng muối ăn không chứa i-ốt ở mức 5 g/L; và trong trường hợp Amyloodinium thì sử dụng phương pháp giảm độ mặn trong thời gian ngắn (0g/L).

Mặt khác, đồng sunfat (CuSO4) là liệu pháp được sử dụng rộng rãi nhất để điều trị nhiễm trùng Piscinoodinium và Amyloodinium. Nồng độ đồng sunfat từ 0,5 - 10 mg/L có thể tiêu diệt ký sinh trùng.

Báo cáo của Thora Lieke đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về các phương pháp điều trị truyền thống. Đồng thời cung cấp thêm các phương pháp điều trị bệnh mới thân thiện môi trường hơn với việc tập trung vào hai khía cạnh:

Xử lý ký sinh trùng xâm nhập bằng một chất tự nhiên hoặc một loại không để lại dư lượng trong môi trường.

Làm cho cá ít bị ký sinh trùng thông qua chế độ ăn uống và cải thiện môi trường. 

Phương pháp điều trị bệnh ký sinh trùng 

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hydrogen peroxide (H₂O₂) và axit peracetic (CH₃CO₃H) phân hủy thành chất vô hại và có thể được phân loại là thân thiện với môi trường. Các tài liệu hiện tại đã chứng minh rằng các chất này có thể điều trị các mầm bệnh khác nhau, bao gồm cả ký sinh trùng. Tuy nhiên, vì chúng có khả năng oxy hóa cao, việc sử dụng chúng có thể làm tăng mức độ căng thẳng của cá bị nhiễm bệnh - làm cho tính ứng dụng vẫn chưa cao.

Các phương pháp điều trị thay thế bao gồm hydrogen peroxide và axit peracetic, đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại nhiều loại mầm bệnh thủy sinh và cả bệnh velvet trên cá cảnh.

Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu tác động của hydrogen peroxide (H2O2) trên cá chẽm châu Âu với hàm lượng 100 và 200 mg/L H2O2 trong 30 phút giúp làm giảm Amyloodinium trong mang cá.

Axit peracetic cũng đã được chứng minh là một phương pháp điều trị hiệu quả để chống lại các mầm bệnh ký sinh trùng và vi khuẩn. Tuy nhiên, việc sử dụng các liệu pháp này có thể làm tăng mức độ căng thẳng của cá bị nhiễm bệnh.

Bổ sung vào chế độ ăn: Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc sử dụng các chất bổ sung vitamin, chiết xuất thực vật, prebiotics và probiotics bổ sung vào chế độ ăn có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch làm cho cá ít bị bệnh hơn.

Chất humic

Thành phần chính của chất hữu cơ tự nhiên là các chất humic. Các chất humic có thể được chia thành ba phần chính: axit humic, axit fulvic và humin.

Acid Fulvic là một acid hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên được tạo ra trong quá trình phân hủy các chất hữu cơ như lá khô, cành cây, xác cá tép... acid fulvic gồm các hợp chất tự nhiên và các thành phần của chất mùn (là một phần của chất hữu cơ trong đất).

Những nghiên cứu trước đây đã chứng minh acid fulvic giúp cải thiện hiệu quả tăng trưởng và tình trạng sức khoẻ đường ruột của cá chạch và có tiềm năng sử dụng như một chất kích thích miễn dịch trong nuôi trồng thủy sản.

Axit humic là một thành phần chính của các chất humic, đó là những hợp chất hữu cơ quan trọng trong đất, than bùn, than đá... Nó được tạo ra bởi sự phân hủy các chất hữu cơ sinh học. G Yamin và cộng sự 2017 đã cho thấy humic acid hoặc các hợp chất giàu humic là một phụ gia có tác dụng bảo vệ mạnh mẽ sự sống và kích thích hệ thống miễn dịch của cá với các vi khuẩn gây bệnh.

Các chất humic cũng được biết đến như là chất kích thích miễn dịch và là đối tượng nghiên cứu trên khắp thế giới. Vì chúng là một phần của hệ sinh thái dưới nước, chúng có thể được ăn qua mang, như Lieke và các đồng nghiệp của mình đã chứng minh trong các nghiên cứu của họ.

References

1. Yamin, G., Falk, R., Avtalion, R. R., Shoshana, N., Ofek, T., Smirnov, R., … van Rijn, J. (2017). The protective effect of humic-rich substances on atypical Aeromonas salmonicida subsp. salmonicida infection in common carp (Cyprinus carpio L.). Journal of Fish Diseases, 40(12), 1783–1790. doi:10.1111/jfd.12645 

2. Lieke, T., Meinelt, T., Hoseinifar, S. H., Pan, B., Straus, D. L., & Steinberg, C. E. W. (2019). Sustainable aquaculture requires environmental‐friendly treatment strategies for fish diseases. Reviews in Aquaculture. doi:10.1111/raq.12365 


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật nuôi cá lồng bè trên sông Kỹ thuật nuôi cá lồng bè trên sông

Để nuôi cá lồng bè trên sông đạt hiệu quả cao và giảm thiểu thiệt hại người nuôi cần lưu ý các kỹ thuật sau: Vị trí đặt lồng, thả cá giống, quản lý, chăm sóc…

17/09/2021
Phương pháp mới giúp phát hiện sớm bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm Phương pháp mới giúp phát hiện sớm bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm

Hoại tử gan tụy cấp (AHPND) gây thiệt hại rất lớn cho ngành nuôi tôm công nghiệp ở khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ.

17/09/2021
Một số mô hình nuôi ghẹ hiệu quả cao Một số mô hình nuôi ghẹ hiệu quả cao

Một số mô hình nuôi ghẹ đang được áp dụng mang lại hiệu quả gồm: nuôi ghẹ đơn tính; nuôi ghẹ kết hợp; nuôi ghẹ trong ao; nuôi ghẹ lột.

18/09/2021