Phước An (Bình Định) Phát Triển Nghề Nuôi Trâu

Ông Đoàn Sỹ Nhơn, cán bộ khuyến nông-thú y xã Phước An (huyện Tuy Phước, Bình Định) cho biết: Hiện toàn xã có khoảng 9 hộ nuôi trâu, tổng đàn trên 50 con; tập trung nhiều nhất ở thôn Quy Hội với 4 hộ nuôi trên 30 con. Thời gian nuôi từ 2 - 3 năm, trọng lượng đạt 400 - 450 kg/con thì xuất chuồng. Nghề nuôi trâu đã giúp các hộ nuôi tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Thôn Quy Hội lưng tựa vào dãy núi Sơn Triều, mặt hướng ra Bầu Đưng rộng lớn. Ngoài thế mạnh về sản xuất lúa, làm la ghim và trồng rừng, người dân nơi đây còn chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể. Tận dụng lợi thế Bầu Đưng có diện tích hàng trăm ha với mực nước vừa phải, cỏ, lát mọc dày, một số hộ đã chủ động nuôi trâu.
Ông Hồ Ả, 73 tuổi, nuôi trâu đã nhiều năm, hiện có đàn trâu gần chục con, tâm sự: “Tôi thấy ở quê mình phát triển nghề nuôi trâu là hợp lý nhất. Bởi trâu là vật nuôi thích ăn cỏ, lát mọc dưới nước và thích tắm mình dưới nước, nhất là vào mùa nắng nóng. Trong khi đó, Bầu Đưng lại có các loài cỏ tự nhiên đa dạng và phong phú kết hợp nhiều tầng lát non tươi tốt quanh năm.
Nếu chúng ta không biết tận dụng thì thật là uổng phí. Hồi trước, nuôi trâu chủ yếu là để cày bừa, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Còn hiện nay, khâu làm đất đã được cơ giới hóa, con trâu trở thành sản phẩm hàng hóa. Mỗi khi trong nhà có việc chi tiêu lớn thì bán trâu kiếm vài ba chục triệu để giải quyết”.
Ông Hồ Trung Liên, nuôi trâu gần 40 năm nay, hiện có đàn trâu 8 con, cho biết: “Với điều kiện chăn thả lý tưởng, kết hợp với phòng chống dịch bệnh tốt, việc nuôi trâu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trung bình mỗi con trâu khi xuất bán (khoảng 24 - 30 tháng) có giá 35 - 40 triệu đồng/con”. Ông Đào Nguyên Tự, hiện có đàn trâu 6 con, bộc bạch: “Qua nhiều năm trăn trở và xác định hướng phát triển kinh tế gia đình, tôi đã mạnh dạn mua trâu về nuôi.
Ban đầu chỉ nuôi một con cái, sau đó phát triển dần lên. Trong đàn trâu hiện nay, tôi chọn vài con dùng để kéo cộ, phục vụ chuyên chở vật tư và sản phẩm nông nghiệp cho bà con ở những vùng ruộng sâu hay bị lầy lún mà xe cơ giới không thể đến được, và làm dịch vụ chở đất san lấp mặt bằng cho những hộ có nhu cầu. Hằng ngày, đàn trâu của tôi vẫn thường xuyên chăn thả ở Bầu Đưng để tiếp nhận nguồn dinh dưỡng dồi dào và đồng thời tiết kiệm được nguồn rơm rạ tại nhà”.
Ông Lê Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước An, cho biết thêm: “Nhờ địa thế phù hợp và áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, đồng thời thực hiện phát triển kinh tế trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, nghề nuôi trâu ở thôn Quy Hội nói riêng và xã Phước An nói chung có xu hướng phát triển và cho hiệu quả kinh tế cao.
Sắp tới, xã tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cỏ khoảng 10 ha, chủ yếu ở thôn Quy Hội, Đại Hội, An Sơn… để phát triển số lượng, chất lượng đàn trâu, bò; kết hợp với nguồn nước và thức ăn tự nhiên từ Bầu Đưng, bà con nông dân có thể tin tưởng vào nguồn thu nhập từ nghề chăn nuôi truyền thống này”.
Có thể bạn quan tâm

Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX, Sở NN & PTNT tỉnh Hậu Giang vừa có chuyến khảo sát HTX quýt đường Long Trị, ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ để hỗ trợ HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hoạt động này nằm trong đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến 2020” và đề án 1.000 của tỉnh.

Những năm gần đây, bọ cánh cứng hại dừa phát triển mạnh, gây thiệt hại nặng cho nhiều diện tích dừa ở Phù Cát (Bình Định); mặc dù các chủ vườn dừa đã áp dụng một số biện pháp như: phun thuốc hóa học, đặt muối, ong ký sinh... để phòng trừ, nhưng hiệu quả không cao.

Dù có nguồn gốc, xuất xứ từ những vùng đất khác nhưng khi du nhập vào Gia Lai, những loại cây ăn trái như nhãn lồng, sầu riêng, vải... thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây và cho ra những sản phẩm gắn thương hiệu Gia Lai đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Anh Huỳnh Tấn Lộc, ở ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp. Hôm chúng tôi đến, anh đang tất bật xử lý cho sầu riêng ra hoa để kịp thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, anh Lộc gắn bó với cây sầu riêng từ rất sớm. Hiện anh Lộc có 0,8 ha vườn trồng 160 cây sầu riêng hạt lép, giống Monthon và Ri 6.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề nuôi nghêu ở vùng biển Gò Công đã có những bước phát triển nhảy vọt, góp phần cải thiện đời sống ngư dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn ven biển. Tuy nhiên, những năm gần đây nghề nuôi nghêu ở đây ngày càng đối diện với nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, giá cả... và có dấu hiệu chững lại về diện tích, sản lượng nghêu nuôi.