Tọa đàm đi tìm giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt Nam
Kỹ sư Hồ Quang Cua từng là cán bộ quản lý nông nghiệp ở Sóc Trăng. Thời gian ông gắn bó với đồng ruộng còn nhiều hơn trong phòng làm việc.
Hơn 20 năm trước, ông cùng cộng sự tìm ra cá thể giống lúa đột biến đầu tiên.
Hàng loạt giống lúa thơm ST năng suất, giá trị cao hơn lúa thường đã ra đời. Trong đó có 20 giống lúa ST trắng và 3 giống đỏ giúp Đồng bằng sông Cửu Long định hình được vùng chỉ dẫn địa lý gạo thơm hàng đầu Việt Nam.
Giá bán giống gạo này tại thị trường xuất khẩu và nội địa khá ổn định ở mức 600 USD/tấn.
Ông Cua đã cho ra đời loại gạo ST màu tím không chỉ có mùi thơm, dinh dưỡng cao mà còn chứa chất chống oxy hóa hỗ trợ trị bệnh tiểu đường.
Gạo thảo dược này đang được xem là thực phẩm chức năng và có nhu cầu cao trên thị trường.
Kế thừa cơ sở kinh doanh từ người cha của mình, doanh nhân Phạm Minh Thiện - Giám đốc điều hành Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp) luôn trăn trở việc tận dụng những phụ phẩm của lúa gạo như: rơm, trấu, cám...
Mọi người thường nghĩ cám gạo chỉ dành cho thức ăn chăn nuôi mà không biết rằng trong cám có hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ quý đặc biệt là chất gamma oryzanol.
Đây là chất chống oxy hóa thực vật, nguyên liệu chính để sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm chức năng.
Ông Hồ Quang Cua (phải) và doanh nhân Phạm Minh Thiện (giữa) kỳ vọng sẽ tăng giá trị cho hạt gạo Việt bằng cách tạo ra sản phẩm thảo dược.
Những trải nghiệm trong quá trình nghiên cứu, sản xuất với mục đích duy nhất nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam đã được ông Hồ Quang Cua, doanh nhân Phạm Minh Thiện chia sẻ tại Tọa đàm "Đi tìm giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt Nam" trong khuôn khổ của Chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế 2015 (Techmart 2015) đang diễn ra tại Hà Nội.
Một hướng đi mới để tạo ra giá trị cao cho hạt gạo thương hiệu Việt của hai vị diễn giả đã thu hút quan tâm của nhiều quan khách bởi nó thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về giá trị gia tăng nông sản chỉ có thể đặt trong chuỗi khép kín như trước đây.
Theo ông Cua, quy trình sản xuất lúa gạo hiện nay có 4 khâu chính. Song từ khởi điểm là giống đến cuối cùng là phân phối nông dân chỉ tham gia 2 công đoạn.
Giá trị cao nhất lại nằm ở phân khúc bán lẻ tại các gia đình, có khi giá bán gấp đến 4 số vốn đầu tư ban đầu. Do đó, hầu như người nông dân trực tiếp sản xuất đều không được hưởng lợi nhiều.
Riêng với giống lúa ST, hiện Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 200.000 ha, trong đó phần lớn là gạo trắng phục vụ xuất khẩu, số còn lại gạo tím đỏ chỉ dành cho nhu cầu chữa bệnh.
Ông tính toán giống gạo thảo dược thực tế có thể cho thu nhập bình quân của người dân tăng 30-50% so với gạo trắng thường.
"Trong khi gạo trắng thường liên tục rớt giá thì ngược lại không chỉ ổn định, giá gạo thảo dược thậm chí còn cao 60-70% tùy thời điểm. Do đó, người nông dân trồng giống ST đang có thu nhập cao hơn bình thường. Đây cũng là lý do mà đang ngày nhiều bà con theo đuổi trồng giống lúa này", ông Cua cho hay.
Để gia tăng năng suất, ngoài vấn đề kỹ thuật, ông Cua cho rằng quan trọng phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng về giống mới này. Từ đó tập hợp các nguyên liệu di truyền để nghiên cứu lai tạo thêm.
Trong khi đó, với anh Thiện, câu chuyện tăng giá trị trong sản xuất lúa gạo lại được anh dành ưu tiên cho mặt hàng phụ phẩm, vốn lâu nay chỉ dành cho chăn nuôi là cám gạo.
Trung bình, mỗi ngày, Cỏ May thu mua 300 - 400 tấn cám với giá khoảng 5,2 triệu đồng/tấn.
Anh cho biết trong cám gạo hàm lượng chất béo đạt 16%, đặc biệt có hàm lượng hoạt chất ôxy hóa cực mạnh là gamma oryzanol. Đây là nguyên liệu để sản xuất dược mỹ phẩm.
Giá bán thông thường hiện khoảng 7 triệu đồng/kg. Với một tấn cám chiết xuất khoảng 2,5 kg anh đã có thể thu khoảng 17 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể chiết xuất 14-15% tinh dầu mà thị trường Nhật Bản rất ưu chuộng.
Với nhà máy sản xuất gamma oryzanol đang được xây dựng, dự kiến đi vào sử dụng năm 2016, anh Thiện kỳ vọng sẽ tiên phong tạo ra một sản phẩm quý hiếm tốt cho sức khỏe, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ giảm áp lực nhập khẩu cám từ nước ngoài.
"Khi dự án thành công, cám gạo sẽ là chính phẩm để bớt gánh nặng lên vai người nông dân và áp lực lên hạt gạo khi giá cả luôn biến động", anh nói.
Về sự liên kết giữa Cỏ May với giống lúa thảo dược ST trong tương lai, vị doanh nhân trẻ thừa nhận "đây là mong đợi lớn nhất của anh khi tham gia sự kiện".
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nguồn cung cám gạo ST vẫn khá khiêm tốn bởi diện tích vẫn chưa được mở rộng do đó, trước tiên anh sẽ tập trung tiêu thụ cám cho một số giống lúa thông thường.
Theo ông Nguyễn Thể Hà - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hỗ trợ nông gia Đồng bằng sông Cửu Long, lúa là cây có dầu, với diện tích hiện có của Việt Nam, trung bình mỗi năm có thể cung cấp hơn 3,8 triệu tấn cám. Ông Hà tính toán, nếu chiết xuất được dầu thì giá trị gia tăng đạt khoảng 4.000 tỷ mỗi năm.
"Đầu tư một đồng sẽ làm ra thêm một đồng sản lượng. Nếu không làm thì rõ ràng ngành nông nghiệp đang đánh mất số tiền lớn", ông nói.
Ông này cho rằng việc liên kết là cần thiết song phải chọn một phương thức phù hợp để người nông dân thực sự được hưởng thành quả của chính mình.
Với hướng đi mới là gia tăng chất lượng hạt gạo không nằm ở chuỗi sản xuất mà là những giống mới, đồng thời tận dụng hết sản phẩm tiền và sau hạt gạo, thì không lý gì mà người nông dân không nghĩ đến việc sẽ trồng lúa để lấy chính phẩm là rơm, trấu, cám thay chính phẩm như gạo hiện nay, trong tương lai không xa.
Có thể bạn quan tâm
Hiện tại, giá các loại phân bón trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu vụ đông xuân 2014 - 2015. Giá các loại phân bón DAP Trung Quốc tăng từ 10 - 20%, riêng các loại phân bón khác đang giữ mức ổn định. Sự bình ổn của giá phân bón trên thị trường khiến nông dân phấn khởi vì giảm bớt nỗi lo về chi phí đầu tư.
Cuối năm 2014, đề tài “Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long cùng người dân Hàm Thuận Nam” đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận chính thức khởi động. Dù mới trải qua bước tọa đàm, trao đổi một số nội dung xúc tiến xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, song loại hình này rất được các bên liên quan kỳ vọng…
Chuối là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ trên địa bàn huyện U Minh (Cà Mau), nhất là những hộ dân sống trên lâm phần rừng tràm. Có những lúc cây chuối được xem là cây giảm nghèo cho người dân xứ rừng. Vậy mà thời gian gần đây, giá chuối liên tục giảm mạnh, gây nhiều khó khăn cho bà con.
Năm 2011, sau khi xem chương trình khuyến nông trên truyền hình chỉ dẫn cách trồng và chăm sóc thanh long, anh Ghế rất tâm đắc. Anh cải tạo diện tích đất bỏ trống sau nhà, đổ trụ bê-tông và nhờ người quen tìm mua hom thanh long giống. Lúc đầu anh trồng thử 15 trụ thanh long. Nhờ chăm sóc tốt, sau 1 năm trồng, 15 trụ thanh long đã cho trái.
Từ nhiều năm nay, dâu tây là một trong những loại đặc sản gắn liền với thương hiệu Đà Lạt. “Vườn dâu nhà” của cặp vợ chồng kỹ sư nông nghiệp trẻ Nguyễn Hữu Giới - Bùi Thị Hằng tại địa chỉ 157 Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt, hiện cho doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng, là một minh chứng về thành công của việc làm giàu nhờ ứng dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn.