Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Phú Yên phát triển đàn bò lai cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Phú Yên phát triển đàn bò lai cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tác giả: MINH DUYÊN
Ngày đăng: 16/06/2016

Nhân đàn

Bên cạnh cây mía, sắn, lúa lai thì con bò lai là hướng phát triển giúp xóa đói giảm nghèo tại vùng miền núi. Tại các địa phương, mọi nguồn vốn hỗ trợ phát triển chăn nuôi cũng dành phần lớn cho phát triển đàn bò.

Ông Nay Y BLung, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Trên cơ sở những quan điểm của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp và dựa trên tình hình thực tế của địa phương, UBND huyện Sơn Hòa đã triển khai theo hướng lấy cây mía và con bò lai làm chủ lực phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ năm 2010, huyện thực hiện lai tạo hóa đàn bò nhằm chọn lọc những con bò tốt nhất, nên đã đưa về vùng đồng bào 50 con bò lai làm cơ sở để phát triển đàn bò. Đến nay, bò lai thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, mau lớn, sức kéo tốt và được thị trường ưa chuộng nên các hộ dân đã dần chuyển sang nuôi bò lai.

Đối với các hộ nghèo, con bò có thể tạo ra cơ hội thoát nghèo, vì vậy trong triển khai chương trình hỗ trợ sản xuất, địa phương hướng tới hỗ trợ bò để tăng số lượng đàn bò, như Chương trình 135 đưa về 99 con bò, chương trình từ thiện của Quỹ Thiện Tâm (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ 150 con bò và 10 con bò từ mô hình cán bộ, viên chức giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn trên địa bàn huyện…

Hiện, tổng đàn bò cả huyện 20.000 con, trong đó bò lai chiếm 61,45%. UBND huyện phấn đấu đến năm 2020, đàn bò toàn huyện đạt 25.000 con, trong đó bò lai chiếm hơn 70%.

Huyện Đồng Xuân có 17.500 con bò. Để đàn bò phát triển tốt, Hội Nông dân huyện Đồng Xuân đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ tập huấn kỹ thuật trồng cỏ nuôi bò cho bà con nông dân trong huyện.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng 1.900 con bò. Là xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có hỗ trợ bò nên số lượng đàn bò tăng lên đáng kể.

Thông qua buổi tập huấn, đồng bào biết được một số giống cỏ và kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ thâm canh cũng như tiếp cận với một số giống bò thịt và kỹ thuật chăn nuôi các loại bò thịt, bò sinh sản, cách phòng trừ bệnh cho bò. Hiện toàn xã có 1.144 hộ, hầu hết các hộ đều nuôi bò. Đàn bò tăng lên đồng nghĩa đời sống người dân ngày càng ổn định với số hộ nghèo giảm hàng năm từ 8-9%.

Thoát nghèo và làm giàu

Nhiều hộ đồng bào từ chỗ chỉ đi làm thuê kiếm sống, không có tài sản gì lớn, nay được hỗ trợ bò đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Anh Nay Y Long, hộ nghèo ở buôn Thứ (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh), được hỗ trợ bò, nói: Bao năm nay, hai vợ chồng tôi làm việc vất vả cũng chỉ đủ lo cho các con có cái ăn, cái mặc.

Trong nhà không có tài sản gì đáng giá. Vợ chồng tôi rất muốn có con bò cái nuôi nhưng không có điều kiện mua. Giờ được chính quyền hỗ trợ cho con bò lai sinh sản, gia đình tôi mừng lắm. Tôi sẽ chăm sóc nó thật tốt để không cơ cực nữa.

Còn theo Ra Lan Ót ở thôn Phước Thuận, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) thì gia đình chị làm lụng vất vả cũng tích góp được vài triệu đồng với ý định sẽ mua bò về nuôi, làm vốn nhưng không thực hiện được.

“Con cái nheo nhóc nên tiền tiết kiệm cứ thế mà hết, những tưởng chẳng biết tới khi nào tôi mới mua được bò, không còn là hộ nghèo nhưng giờ được xã hỗ trợ bò, tôi có cơ hội thoát nghèo rồi”, Ra Lan Ót vui mừng nói.

Không chỉ tạo ra cơ hội thoát nghèo, con bò đang mang lại thu nhập cao, giúp nhiều hộ đồng bào làm giàu. Ma Báu ở thôn Ma Lúa (huyện Sơn Hòa) có đàn bò lên tới 60 con. Ma Báu cho biết: Rẫy nhà tôi rộng 20ha. Tận dụng thời gian làm rẫy, tôi thả bò ăn ở những bìa rừng gần đó. Ngày trước, tôi có vài con thôi, rồi thấy nuôi bò cũng không khó mà thu nhập cao như bê có giá từ 6-8 triệu đồng/con, còn bò lớn bán tới vài chục triệu đồng tùy thời điểm thị trường.

Có nơi cả thôn nuôi bò và có thu nhập ổn định từ bò, điển hình như thôn Kinh tế 2 ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh). Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Kinh tế 2, cho biết: Năm 2014, thôn có 162 con bò với 60% bò lai. Đến nay, đàn bò trong thôn đã lên tới 219 con với 70% là bò lai.

Có nhiều hộ nuôi từ 10-50 con bò, còn hầu hết nuôi 2 - 3 con bò. Cùng với việc phát triển đàn bò thì thói quen chăn nuôi cũng thay đổi từ nuôi thả rông đến làm chuồng trại hợp vệ sinh, đồng thời công tác phòng trừ bệnh trên bò cũng được chính quyền các cấp quan tâm hướng dẫn các hộ dân.

Theo ông Phan Hữu Đại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, công tác xóa đói giảm nghèo vùng miền núi gắn với phát triển sản xuất, trong đó nuôi bò lai là trọng tâm phát triển chăn nuôi. Tại 3 huyện miền núi, tổng đàn bò hiện có 55.500 con; ngoài việc người dân tự phát triển chăn nuôi thì các chương trình hỗ trợ phát triển vùng miền núi cũng giúp tăng số lượng đàn bò.

Con bò đang thực sự giúp các hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tuy nhiên, việc nhân đàn, tăng số lượng bò yêu cầu các cấp chính quyền phải chú ý đến vấn đề vệ sinh và phòng trừ dịch bệnh cho bò, có như vậy mới tạo ra sự phát triển bền vững cho vùng miền núi.


Có thể bạn quan tâm

Chôm chôm Long Khánh vào bảng vàng đặc sản quốc gia Chôm chôm Long Khánh vào bảng vàng đặc sản quốc gia

Chôm chôm “Long Khánh” vừa được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là loại sản vật thứ 44 của cả nước được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

16/06/2016
Nâng tầm nông sản Đắk Nông Nâng tầm nông sản Đắk Nông

Việc gia nhập TPP là điều kiện thuận lợi để sản phẩm ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông có nhiều cơ hội tham gia sâu vào thị trường thế giới.

16/06/2016
Nuôi heo hướng nạc đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa Nuôi heo hướng nạc đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa

Heo là loại ăn tạp, dễ ăn, ăn nhiều, nhưng hệ tiêu hóa khá nhạy cảm với thức ăn. Đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa của heo là một trong những yếu tố quan trọng giúp heo tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng tối đa, từ đó giúp heo mau lớn có chất lượng thịt tốt.

16/06/2016