Phú Yên: Hiệu quả mô hình nuôi tôm
Phú Yên đặt mục tiêu phát triển ngành tôm thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Để làm được điều này, những mô hình nuôi tôm hiệu quả đang được tỉnh chú trọng nhân rộng.
Nhiều mô hình nuôi tôm ở Phú Yên đem lại hiệu quả cao. Ảnh: HH
Giống - yếu tố quan trọng
Tình hình nuôi tôm nước lợ năm 2018 đang gặp một số bất lợi, hiện môi trường nhiều vùng nuôi đang diễn biến phức tạp, thời tiết nắng mưa bất thường, chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả bệnh hoại tử gan tụy trên tôm thẻ chân trắng. Ông Nguyễn Văn Bút, người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa, Phú Yên), cho biết: Từ đầu vụ nuôi tôm năm 2018 đến nay, do thời tiết thất thường nên tôm nuôi kém phát triển. Gia đình tôi có khoảng 4.000 m2 nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, vụ vừa qua tôm không phát triển và bị hao hụt khoảng 20 - 30%.
Anh Nguyễn Minh Hoàng, thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, hai năm trở lại đây anh đều “thắng” với con tôm thẻ chân trắng. Vụ đầu năm 2018, anh bắt 25 vạn tôm giống, sau hơn 2 tháng nuôi, tôm lớn nhanh, không bị bệnh, vụ này anh xuất gần chục tấn tôm, anh lãi hơn 300 triệu đồng. Vụ tôm này chỉ còn vài ngày nữa sẽ thu hoạch. Theo dự toán của anh sẽ không lãi như vụ đầu nhưng vẫn có lãi.
Anh Hoàng chia sẻ: Tôm thẻ chân trắng rất dễ nuôi, nhưng cũng thường xuyên xuất hiện bệnh như: đốm trắng, gan, thận.., nên phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước, kiểm tra phân tôm. Nếu phát hiện tôm bệnh phải sử dụng thuốc đúng bệnh, đủ liều lượng không để bệnh lây lan rộng sang tôm khỏe trong đầm. Đặc biệt ngay từ ban đầu, phải chọn giống tôm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu đáng tin cậy. Nếu không kịp thời xử lý bệnh trên con tôm là coi như mất trắng.
“Lựa chọn con giống khỏe, từ doanh nghiệp có uy tín là cực kỳ quan trọng. Hai năm qua, tôi đã tin tưởng lựa chọn con giống của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung (Bình Thuận) và thấy con giống rất khỏe, nhanh lớn, ít bệnh tật nên tôi đã đặt niềm tin vào con giống của Công ty Nam Miền Trung”, anh Hoàng nói.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Trung, thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An tin tưởng lựa chọn con giống của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung nên cho hiệu quả cao. Vụ vừa rồi anh cũng lãi hơn 200 triệu đồng.
Nuôi tôm như “đánh bạc” với trời, bởi không chỉ phụ thuộc vào con giống mà còn rất nhiều yếu tố tác động khác. Như trường hợp của ông Lê Thanh Sang, người nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), năm nay, gia đình ông thả nuôi 5 hồ với diện tích khoảng 15.000 m2. Ngay từ đầu vụ, gia đình ông cải tạo ao nuôi rất kỹ. Nhưng khi tôm nuôi khoảng 1 tháng thì có 2 hồ với diện tích hơn 5.000 m2 đã xuất hiện tôm bị bệnh và chết. Hiện thời tiết có nhiều bất lợi, gia đình đã bổ sung các loại khoáng chất, vitamin cho tôm nuôi và xử lý môi trường nước bằng vôi nhưng vẫn lo ngại tôm tiếp tục bị bệnh.
Theo ngành chức năng tỉnh, từ đầu vụ nuôi năm 2018 đến nay, diện tích tôm thả trên địa bàn huyện đã xảy ra dịch bệnh, chủ yếu các loại bệnh như hoại tử gan tụy, đốm trắng và bệnh do môi trường. Tổ công tác phòng chống dịch bệnh tại các huyện đã kiểm tra và hướng dẫn người nuôi phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Vấn đề xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi có liên quan đến nhiều yếu tố như chất lượng giống, diễn biến phức tạp của thời tiết, trình độ thâm canh, ô nhiễm vùng nuôi, đặc biệt là nhiều vùng nuôi chưa được quy hoạch chi tiết… Ngành chức năng khuyến cáo, người nuôi nên lựa chọn tôm giống của các doanh nghiệp uy tín, thực hiện đúng kỹ thuật… để đảm bảo vụ nuôi thành công.
Đột phá cho con tôm
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết, UBND tỉnh đã có kế hoạch phát triển ngành tôm từng giai đoạn. Theo đó, đến năm 2020, giá trị sản xuất tôm đạt trên 70 triệu USD với diện tích nuôi nước lợ 1.943 ha và sản lượng 9.950 tấn. Riêng về sản xuất giống thủy sản, UBND tỉnh Phú Yên quy hoạch hơn 55 ha với sản lượng tôm giống sản xuất ra hơn 3,1 tỷ con. Đến giai đoạn 2021 - 2025, Phú Yên sẽ áp dụng ngành công nghiệp sản xuất tôm công nghệ cao, giá trị sản xuất tôm đạt 100 triệu USD, trong khi diện tích nuôi vẫn giữ nguyên nhưng sản lượng tôm hơn 11.250 tấn và sản xuất hơn 6 triệu con tôm giống.
Theo ông Phương, Phú Yên phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo đặc điểm từng vùng để đảm bảo vùng nuôi tôm thân thiện với môi trường. “Để con tôm có chỗ đứng vững trên thị trường, chúng tôi đã tính đến phải nâng cao chất lượng, xây dựng các thương hiệu sản phẩm tôm theo vùng, phương thức nuôi và phát triển theo hệ thống chuỗi giá trị. Đặc biệt, phát triển ngành tôm gắn với du lịch”, ông Phương nói.
Vấn đề đặt ra cho Phú Yên nếu muốn phát triển ngành tôm phải giải quyết nhiều tồn tại lâu nay như con giống sạch bệnh, tồn dư kháng sinh và thị trường tiêu thụ. Về vấn đề này, ông Phương cho biết sẽ kiểm tra, kiểm soát hệ thống sản xuất, phân phối con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất và vật tư phục vụ ngành tôm trên toàn tỉnh. Kiểm soát chặt sẽ quản lý tốt dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi. Riêng về thu mua, Phú Yên sẽ kiểm soát nghiêm ngặt việc thu mua nguyên liệu, nhập nguyên liệu, đặc biệt ngăn chặn hoạt động bơm chích tạp chất vào sản phẩm tôm gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, làm ảnh hưởng đến thương hiệu ngành tôm.
>> Để phát triển ngành tôm, UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường thanh, kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh giống, vật tư, thuốc, hóa chất phục vụ nuôi tôm, các cơ sở nuôi tôm, thu mua, giảm thiểu các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư phục vụ nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Công nghệ này đã được áp dụng từ 1999 trên mô hình nuôi tôm sú thâm canh và có hiệu quả trong phòng ngừa bệnh phát sáng do V. harveyi gây ra
Hiện, nuôi ghép là hình thức phổ biến được áp dụng trong nuôi thủy sản, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc. Bởi đây là hình thức có năng suất, sản lượng và hiệu quả
Ký sinh trùng là một đối tượng gây thiệt hại nặng trong giai đoạn giống của các loài cá nước ngọt. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, tinh dầu của loài thực vật