Nuôi tôm kết hợp cá rô phi
Công nghệ này đã được áp dụng từ 1999 trên mô hình nuôi tôm sú thâm canh và có hiệu quả trong phòng ngừa bệnh phát sáng do V. harveyi gây ra (Corre và ctv., 2000). Kỹ thuật hiện nay được nhiều nhà khoa học quan tâm đó là nuôi ghép tôm với một số đối tượng khác, chẳng hạn như cá rô phi sẽ giảm được thiệt hại do bệnh hoại tử gan tụy cấp.
Nuôi tôm kết hợp cá rô phi cho hiệu quả bền vững. Ảnh: CTV
Ở Trung Quốc, các nhà khoa học chứng minh rằng, nuôi kết hợp tôm cá sẽ cải thiện môi trường nước, tăng hàm lượng ôxy, giá trị COD và số lượng vi khuẩn trong nước của ao nuôi ghép thấp hơn so với nuôi đơn canh. Kết quả phân tích chỉ số các chất hữu cơ trong nước của các hệ thống nuôi ghép giảm đáng kể so với nuôi đơn. Sự tích tụ của N và P trong lớp trầm tích của ao nuôi ghép là 39,76% và 51,26%, thấp hơn so nuôi đơn và số lượng vi khuẩn trong lớp trầm tích thấp hơn 7,63% (Tian và ctv., 2001). Indonesia đã áp dụng mô hình tôm - cá rô phi, Thái Lan đã áp dụng mô hình tôm - cá măng và cua lột, Philippines đã áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp cá rô phi giúp giảm bệnh. Ở Ecuador nuôi cá rô phi kết hợp với tôm trong ao đã giảm được những thiệt hại do hội chứng Taura và cải thiện tốc độ tăng trưởng.
Cá rô phi có thể làm giảm sinh khối tảo tàn trong ao nuôi và tái chế những vật chất này thành chất dinh dưỡng một cách hiệu quả. Với tập tính đảo trộn các tầng nước trong ao giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn. Cá rô phi cũng ăn mùn bã hữu cơ trong ao, từ đó, giúp giảm lượng chất thải trong ao nuôi, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, kích thích sự phát triển các loại tảo có lợi (Kiều Ngọc Hà, 2013).
Theo Akiyama (1999), nuôi tôm kết hợp với cá rô phi đỏ cho thấy có hiệu quả ở Ecuador. Kết quả tổng kết từ hai đợt nuôi nuôi thử nghiệm cho thấy, sản lượng tôm nuôi tăng khi nuôi ghép với cá rô phi là 10%, cỡ tôm cũng tăng hơn tỷ lệ sống tăng hơn 7%, tỷ lệ sống tăng hơn 9%. Ở đợt nuôi đầu tiên thả cá rô phi đỏ cỡ 100 g với mật độ 0,2 con/m2. Cá rô phi được thả sau 60 ngày nuôi tôm vì trong thí nghiệm thăm dò cho thấy cá rô phi có thể ăn tôm dưới 3 g. Ở đợt nuôi thứ 2 cá rô phi được thả vào ao trước khi thả tôm, 300 cá cỡ 10 g được thả đăng quần với diện tích (1x1x1) m trong ao 3.000 m2. Sau 60 ngày nuôi tôm cá rô phi trong đăng quần được thả ra với mật độ 0,3 con/m2.
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Yi và ctv. (2003) tại Thái Lan nuôi kết hợp tôm sú và cá rô phi trong 2 thí nghiệm. Thí nghiệm thứ nhất theo dõi đến 65 ngày và thí nghiệm thứ 2 theo dõi đến 75 ngày sau khi thả nuôi. Các thí nghiệm được thực hiện trong ao đất với diện tích 200 m2. Nghiệm thức 1 (đối chứng) với không nuôi ghép cá rô phi, mật độ tôm nuôi là 30 con/m2, nghiệm thức thứ 2 với tôm nuôi 30 con/m2 và cá rô phi 0,25 con/m2, nghiệm thức thứ 3 với tôm nuôi 30 con/m2 và cá rô phi 0,5 con/m2. Tôm PL15 được ương trong ao đất diện tích 200 m2 trong vòng 45 ngày trước khi tiến hành thí nghiệm. Cỡ tôm lúc thí nghiệm là 0,4 - 1,2 g trong khi cá rô phi cỡ 5,5 - 8 g và được thả vào ao ở thời điểm 7 ngày sau khi thả tôm. Trong thí nghiệm 1 cho thấy, về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống hay sản lượng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở các nghiệm thức. Trong thí nghiệm 2 cho thấy ở nghiệm thức ghép 0,25 cá rô phi/m2 cho sản lượng cao hơn và có ý nghĩa thống kê so các nghiệm thức còn lại (tăng 21%). FCR = 1,44 và thấp hơn so các nghiệm thức còn lại là 1,69 - 1,73.
Theo Gonzales-Corre (1988) thì nuôi ghép cá rô phi đen với mật độ 0,4 cá/m2 cho tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống tốt hơn mật độ 0,6 con/m2. Theo Wang và ctv.(1998), thì tỷ lệ ghép tối ưu giữa tôm và cá rô phi đỏ là 6 tôm/m2 và 0,32 cá rô phi/m2 (cỡ 126,3 g). Junior và ctv.(2012) nghiên cứu về sản lượng, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh tế trong nuôi kết hợp cá rô phi Oreochromis niloticus và tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei với các mật độ nuôi khác nhau. Nghiên cứu được thực hiện với 5 nghiệm thức bao gồm nuôi đơn cá rô phi với mật độ 2 cá rô phi/m2, các nghiệm thức còn lại là nuôi ghép cá rô phi và tôm thẻ chân trắng với mật độ 2 cá rô phi/m2 ghép với các mật độ nuôi khác nhau của tôm thẻ chân trắng (3, 6, 9 và 12 tôm/m2). Trọng lượng cá rô phi và tôm thẻ chân trắng lúc bắt đầu thí nghiệm 1,23 + 0,12 g và 0,133 + 0,009 g. Thí nghiệm kéo dài đối với tôm là 124 ngày và cá rô phi là 105 ngày (tôm thả 19 ngày trước khi thả cá rô phi). Kết quả, nuôi ghép cá rô phi và tôm thẻ chân trắng mật độ 9 và 12 tôm/m2 mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất so với các mật độ khác.
Có thể bạn quan tâm
Cá hồi là loài cá nước lạnh hiện nay đang được nuôi nhiều ở một số địa phương của nước ta như Sapa (Lào Cai), Hà Giang, Bắc Giang, Lâm Đồng
Thử nghiệm về một phụ gia thức ăn mới được cấp bằng sáng chế, có nguồn gốc từ cây mía (Saccharum officinarum) đề xuất khả năng cải thiện tốc độ tăng trưởng
An toàn sinh học đang được áp dụng phổ biến trong nuôi tôm. Được định nghĩa là việc thực hành phòng trừ các tác nhân gây bệnh tại các cơ sở nuôi tôm bố mẹ