Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phú Yên Đổ Xô Đi Cắt Gốc Rạ, Mua Rơm Khô Nuôi Bò

Phú Yên Đổ Xô Đi Cắt Gốc Rạ, Mua Rơm Khô Nuôi Bò
Ngày đăng: 23/08/2014

Những ngày qua, nhiều người dân ở huyện Tuy An (Phú Yên) đổ xô đến cánh đồng phường 8 (TP Tuy Hòa) cắt gốc rạ về nuôi trâu bò. Còn tại cánh đồng xã An Định (huyện Tuy An) người dân quanh vùng đến đây tranh nhau mua rơm khô.

Mới 5 giờ, tại cánh đồng phường 8 (dọc theo đường Trần Phú, đối diện Bảo tàng Phú Yên), nhiều người dân quanh vùng đổ xô đến cắt gốc rạ về trữ làm thức ăn cho bò. Ông Nguyễn Văn Thanh, một người đi cắt gốc rạ, cho hay: “Tôi ở dưới chân đèo Quán Cau thuộc xã An Hiệp (huyện Tuy An).

Mới 4 giờ tôi thức dậy cột 2 bao tải đèo sau yên xe với câu liêm (lưỡi liềm) đi xe máy gần 20km đến đây. Đi sớm vậy mà đến nơi thấy hàng chục người dàn hàng ngang tranh nhau cắt gốc rạ. Tôi cũng vội ra ruộng ngồi “nạo” sát đất, đến 8 giờ thì đầy 2 bao tải gốc rạ chở về”.

Gần trưa, trời nắng gắt, ông Trần Văn Sơn cũng ở xã An Hiệp vẫn miệt mài cắt gốc rạ, nói: “Gia đình tôi có 3 con bò. Sáng tranh thủ tưới rau nên tôi đến đây muộn, cắt chưa đầy bao tải gốc rạ thì đã hết nên phải dời đến mấy đám ruộng cạnh đường nội đồng cắt thêm cho đầy bao, chở về cho bò ăn chứ bò đang nhốt đói ở nhà”.

Còn ông Phan Vinh ở xã An Cư (huyện Tuy An) cho biết: Tôi có nuôi 4 con bò nhưng chỉ có 1 sào ruộng, mà vụ này lại bỏ hoang vì nắng hạn. Thiếu rơm trữ cho bò ăn nên tôi đi cắt gốc rạ về làm thức ăn cho bò.

Cánh đồng xã An Định gieo sạ sớm, hiện lúa chín, nông dân tranh thủ thu hoạch. Bà Trịnh Thị Hồng ở xã An Định cho hay: Gia đình tôi có 3 sào ruộng, 1 sào bị chín ép do thiếu nước tưới, cắt cho bò ăn non, còn lại gặt xong đem rơm về nhà vun nọc trữ. Gia đình tôi nuôi 3 con bò, sợ sắp đến không đủ rơm cho bò ăn, vậy mà có nhiều người đến tận nhà tôi hỏi mua nọc rơm.

Cũng trên cánh đồng xã An Định, ông Phan Long, ở xã An Dân (huyện Tuy An) đang hì hục chất rơm lên xe tải chở về nhà. “Tôi đặt cọc trước 1 tháng nên người ta mới bán.

Đang là thời điểm nắng gắt, cỏ voi trồng ngoài đồng chết cháy nên chúng tôi phải chịu khó đi xa mua rơm về cho bò ăn. Trước đó, tôi vào cánh đồng phường 8 hỏi mua rơm nhưng không ai chịu bán”, ông Long kể khổ.

Tình trạng khan hiếm rơm khô không chỉ xảy ra ở vụ lúa hè thu này mà cách đây 4 tháng khi đang thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014, rơm khô đã đắt giá, vì vậy xảy ra tình trạng mất cắp rơm vào ban đêm.

Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Hảo Danh, xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu) cho hay: “Ở quê tôi không có ruộng lúa nước, đầu tháng 2 vừa qua, tôi xuống xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) đặt hàng mua rơm từ khi lúa mới chín đỏ đuôi.

Vừa gặt xong, máy phun tại ruộng; chiều tối không có xe chở, sáng hôm sau tôi thuê xe đến nơi thì đống rơm to bằng cái nhà hôm trước giờ chỉ sót lại vài cọng. Kinh nghiệm vụ này tôi chở rơm về trong ngày”.

Còn ông Trương Bắc, một nông dân xã Xuân Sơn Bắc thì cho hay, ông vừa gặt 2 sào lúa, hôm phun rơm xong, trời tối nên ông để lại ruộng. Gia đình ông ở cạnh cánh đồng, nửa đêm nghe tiếng xe tải nên ông theo ra, ông thấy bóng mấy thanh niên hốt rơm, ông hô hoán, họ thoát lên xe bỏ chạy.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT, cho biết: Đối với người dân miền núi, nông thôn, nuôi bò là nguồn thu nhập chính, giúp không ít gia đình thoát nghèo. Thế nhưng thời gian qua nắng hạn nên cỏ khô, gốc rạ không còn, rơm không có, bò thiếu thức ăn dẫn đến gầy ốm.

Tình hình nắng hạn diễn ra gay gắt, nguồn thức ăn gia súc cạn kiệt, sở khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững gắn với an toàn dịch bệnh. Địa phương cần chuyển đổi cây trồng cạn trên các cánh đồng không đủ nguồn nước tưới để mang lại nguồn thu nhập cho nông dân và nguồn thức ăn cho gia súc.


Có thể bạn quan tâm

Đã “giải cứu” 1.000 tấn hành tím Đã “giải cứu” 1.000 tấn hành tím

Dù đang dịp nghỉ lễ nhưng tại thị xã Vĩnh Châu và TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, không khí “giải cứu” 50.000 tấn hành tím tồn đọng đang rất khẩn trương nhằm giúp nông dân thoát cảnh trắng tay, nợ nần. Tính đến ngày 30-4, sản lượng hành tím được “giải cứu” khoảng 1.000 tấn.

04/05/2015
Quả vải tươi Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Úc Quả vải tươi Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Úc

Bộ Nông nghiệp Úc mới đây đã có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi từ Việt Nam.

04/05/2015
Phát triển nuôi cá rô phi cần gắn với tiêu thụ Phát triển nuôi cá rô phi cần gắn với tiêu thụ

Cá rô phi được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định là một trong 4 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên cả nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh nghiệm nuôi cùng cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến tương đối tốt nên Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá rô phi.

04/05/2015
Quy hoạch vùng sản xuất để nâng cao chất lượng khoai lang Quy hoạch vùng sản xuất để nâng cao chất lượng khoai lang

Theo Quyết định số 1926/QĐ-UBND, ngày 18/12/2014 của UBND tỉnh về quy hoạch vùng sản xuất khoai lang đảm bảo an toàn thực phẩm tại các huyện trọng điểm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, thì 3 huyện là Đắk Song, Tuy Đức và Đắk Glong là các địa phương được chọn trong vùng quy hoạch vùng sản xuất.

04/05/2015
Áp dụng các giải pháp để bảo đảm kết quả sản xuất vụ đông xuân Áp dụng các giải pháp để bảo đảm kết quả sản xuất vụ đông xuân

Vụ đông xuân 2014 - 2015, toàn tỉnh gieo trồng được 9.050 ha cây trồng các loại. Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, khi nắng hạn kéo dài, khiến vụ đông xuân đứng trước nguy cơ sụt giảm năng suất. Ðể ứng phó tình hình, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động phối hợp đồng bộ các giải pháp để đảm bảo kết quả sản xuất vụ đông xuân.

04/05/2015