Phú Yên chăn nuôi an toàn sinh học hạn chế dịch bệnh, giảm rủi ro
Hạn chế dịch bệnh
Theo Sở NN-PTNT, chăn nuôi là một trong những lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp của tỉnh Phú Yên. Trong thời gian qua, nông dân các địa phương đã tập trung phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo ra nguồn thực phẩm cung ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Để xây dựng ngành chăn nuôi bền vững, giúp người nông dân an tâm đầu tư sản xuất, Sở NN-PTNT đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đến với người dân, giúp bà con tiếp cận phương pháp chăn nuôi an toàn và hiệu quả.
Ông Trần Văn Thọ ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), cho biết: Thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, gia đình tôi đã xây dựng khu trại riêng biệt với hai dãy chuồng nuôi heo thịt và heo nái, có hầm bioga xử lý chất thải.
Tôi còn tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn heo theo quy định. Nhờ vậy, mấy năm nay đàn heo của gia đình rất khỏe mạnh, không bị dịch bệnh, lợi nhuận cũng tăng theo. Bình quân, mỗi năm gia đình tôi xuất chuồng được 3 lứa, đạt khoảng 7 tấn heo hơi, trừ các khoản chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lang ở thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), hiện nay, trang trại gà của ông đang duy trì đàn nuôi khoảng 5.000 con theo hướng an toàn sinh học. Để xử lý chất thải, ông chọn phương pháp đệm lót sinh học.
Nhờ lớp đệm này mà tất cả chất thải được xử lý gọn gàng, mùi hôi cũng không còn, vệ sinh khu trại nuôi được đảm bảo, hạn chế bệnh dịch. Cũng theo ông Lang, ngoài chú trọng đến việc xử lý chất thải, ông còn đặc biệt quan tâm đến con giống.
Để đảm bảo an toàn, ông luôn chọn mua con giống tại các trại giống uy tín, trước khi cho nhập đàn thực hiện nuôi nhốt cách ly theo quy định. Ông còn xây dựng vành đai thú y theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp… Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn gia cầm tại trang trại của ông Lang phát triển tốt, hiếm khi bị dịch bệnh.
Ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, cho hay: Chăn nuôi an toàn sinh học là phương pháp hữu hiệu giúp người dân chủ động khống chế dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi. Khi áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, người dân phải thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi, tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong của cơ sở chăn nuôi, không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực chăn nuôi trong trại và ngăn cản sự lây lan mầm bệnh từ trong trại ra bên ngoài.
Tiếp tục đẩy mạnh
Với những hiệu quả tích cực của phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hiện nay ngành Nông nghiệp, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng phương pháp này. Theo phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, trên địa bàn huyện hiện có 13 trang trại nuôi heo với quy mô từ 500 - 1.000 con/trại, tập trung ở xã Đa Lộc và Xuân Quang 1.
Các địa phương này đang dần hình thành khu chăn nuôi tập trung, vì vậy dịch bệnh dễ phát sinh. Để hạn chế dịch bệnh xảy ra, địa phương yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Các hộ nuôi phải đảm bảo chất thải chăn nuôi được xử lý đúng cách, khu vực nuôi được vệ sinh tiêu độc theo định kỳ, vật nuôi được tiêm phòng vắc xin đúng quy định, công tác kiểm soát và báo cáo dịch thực hiện đúng yêu cầu… Ngoài ra, người dân huyện Đồng Xuân còn phát triển mạnh nghề nuôi bò.
Hiện đàn bò của địa phương này có hơn 16.000 con, được nuôi rải rác ở tất cả các xã, thị trấn. Người dân đã dần thay đổi tập quán chăn thả rông sang làm chuồng, trồng cỏ nuôi nhốt gia súc. Ông Võ Văn Thử ở xã Xuân Quang 1, cho biết: Hiện đàn bò nhà tôi có 10 con, tất cả đều được nuôi nhốt tại chuồng. Gia đình tôi trồng 2 sào cỏ để nuôi bò. Được bổ sung thức ăn xanh thường xuyên nên đàn bò có sức khỏe tốt.
Tương tự, tại huyện Tuy An, địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An Trần Sáu cho hay: Tổng đàn bò của huyện có hơn 33.000 con, trong đó hơn 70% là bò lai. Hàng năm, đơn vị phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai nhiều mô hình chăn nuôi bò theo hướng an toàn sinh học cho bà con tham quan, học tập. Nhờ vậy, người dân đã thấy được những hiệu quả tích cực và chủ động áp dụng vào chăn nuôi hộ gia đình.
Theo Sở NN-PTNT, bình quân mỗi năm ngành Nông nghiệp phối hợp cùng các địa phương, Hội Nông dân, hợp tác xã… triển khai hơn 10 mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trên các đối tượng nuôi như heo, bò, gia cầm cho hàng trăm lượt nông dân tham quan. Qua đó từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi lạc hậu, hình thành thói quen chăn nuôi an toàn sinh học, giúp hạn chế dịch bệnh, rủi ro trong chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày qua thời tiết khí hậu có biến đổi bất thường, thường xuất hiện các đợt nắng nóng kéo dài nhiệt độ tăng quá cao (thường 5 đến 7 ngày liền sau đó giảm nhiệt và tiếp tục một đợt tiếp theo). Sau những đợt nắng nóng thường xuất hiện có mưa, giông bão, thời tiết biến đổi rất khó lường. Với thời tiết này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ đàn gia súc gia cầm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao.
Tận dụng mảnh đất triền đồi cằn cỗi, anh Phan Văn Hóa (37 tuổi) quê ở xã Xuân Phước, huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã mạnh dạn thả nuôi, nhân thành công giống vịt trời kết hợp với trồng trọt bằng sự tìm tòi và lòng đam mê của chính mình. Tuy chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng anh Hóa vẫn nuôi hy vọng, mai này sẽ có nhiều người biết đến, đặt mua con giống và thịt thương phẩm.
Nhờ áp dụng kỹ thuật mới nên nhiều hộ dân ở xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đã đạt hiệu quả kinh tế cao trong nghề trồng dâu nuôi tằm.