Phù thủy ghép cà phê
Anh Đặng Dậu Quý ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar, Đắc Lắc) ghép chồi cải tạo vườn cà phê có tiếng, được nhiều người gọi với tên gần gũi “phù thủy” ghép cà phê.
Anh Quý đang ghép cải tạo lại vườn cà phê. Ảnh: T.Dũng.
Sau một thời gian mày mò, nghiên cứu, thực hành trên chính vườn cây của gia đình, anh Đặng Dậu Quý ở thôn 3, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar, Đắc Lắc) đã trở thành một người ghép chồi cải tạo vườn cà phê có tiếng ở địa phương và được nhiều người gọi với cái tên gần gũi “phù thủy” ghép cà phê.
Năm nay 38 tuổi, anh Quý đã có thâm niên hơn 13 năm ghép chồi cải tạo vườn cà phê cho người dân. Nhìn anh thao tác ghép cà phê rất nhanh, gọn, không khác một kỹ sư nông nghiệp chuyên nghiệp.
Ban đầu, anh Quý chỉ tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp ghép chồi để “trẻ hóa” lại vườn cà phê già cỗi của gia đình… Khi người dân ở địa phương có nhu cầu, anh đã sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ và trở thành một người ghép “chuyên nghiệp” từ lúc nào không hay.
Mỗi mắt ghép, hiện anh Qúy chỉ mất chưa đầy 01 phút là hoàn thành việc ghép. Thao tác nhanh nhưng áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật nên mắt ghép thành công của anh luôn đạt tỷ lệ cao…
Anh Qúy cũng không hề giấu giếm "bí quyết nghề nghiệp" của mình, mà luôn sẵn sàng và mong muốn được giúp đỡ mọi người cùng làm. Hiện nay, anh đã tập hợp các anh em, bạn bè ở địa phương thành lập đội ghép cây dịch vụ, với 07 thành viên...
Những ngày mới đi vào hoạt động, mọi người chưa biết đến nên khách hàng chưa nhiều nhưng nhờ làm việc với tinh thần trách nhiệm, chất lượng tốt nên ngày càng có nhiều người tìm đến nhờ đội của anh ghép cải tạo lại vườn cây…
Khách hàng không chỉ tại địa phương mà còn ở nhiều xã lân cận trong huyện. Chi phí do hai bên tự thỏa thuận, với mức giá bình quân ghép cải tạo 15.000 đồng/cây cà phê... Hiện nay, bình quân mỗi năm đội của anh Quý thực hiện ghép chồi cải tạo vườn cà phê cho từ 04 - 05 ha.
Giống cà phê được anh lựa chọn kỹ từ những cây cà phê cho năng suất, sản lượng cao từ tại vườn “mẫu” tái canh của gia đình mình. Thường mỗi ha cà phê, khoảng 1.000 cây, các thành viên trong đội chỉ mất 02 ngày là hoàn thành… Sau khi ghép, anh còn tư vấn, hướng dẫn cho các hộ dân về kỹ thuật chăm sóc cà phê khoa học, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao…
Chỉ tay về vườn cà phê mới ghép cải tạo cho khách, anh Quý vui vẻ cho biết: Sau nhiều năm ghép nên người dân rất tin tưởng, nhất là về nguồn giống, thứ nữa là chất lượng cây sau khi ghép, nhờ đó số người tìm đến nhờ ghép ngay càng nhiều.
"Khi ghép, chúng tôi đảm bảo mỗi cây sẽ sống từ 02-03 chồi, bao luôn chồi, chủ vườn chỉ việc chăm sóc cây sau khi ghép… Dù đây chỉ là công việc làm thêm nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập khá cho các thành viên trong đội. Mỗi ha, các thành viên có thu nhập từ 02 - 03 triệu đồng, bình quân mỗi ngày ghép được 01 – 1,5 triệu đồng. Đây là thu nhập khá cao so với mức bình quân chung ở địa phương…”, anh Qúy vui vẻ.
Anh Quý chia sẻ: Nếu tái canh bằng trồng mới thì phải phá bỏ toàn bộ vườn cà phê cũ gây tốn kém và phải chuyển sang cây ngắn ngày vài năm mới có thể trồng lại được.
Đối với ghép cải tạo lại, khi chồi phát triển tốt mới cho cưa cây nên vẫn đảm bảo được thu nhập trong niên vụ kế tiếp.
Việc ghép cũng rất đơn giản nhưng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. Mỗi chồi có sức phát triển khác nhau, nếu non quá sẽ khiến cây chết, nếu già quá thì khả năng liên kết giữa mối ghép rất lâu và sẽ làm cây bị còi cọc về sau...
Phương pháp cải tạo cà phê bằng ghép chồi có ưu thế về thời gian chăm sóc, nhanh cho thu hoạch, có khả năng kháng bệnh tốt, tiết kiệm được chi phí và nâng cao năng suất, sản lượng vườn cây rất tốt nên được nhiều hộ dân lựa chọn...
Có thể bạn quan tâm
Trên các cánh đồng mẫu lớn, giống lúa Dự Hương 8, Đài Thơm 8 của Vinaseed cho năng suất vượt trội tại tỉnh Nam Định.
Để một giống lúa lai mới phát triển được vào sản xuất phải đáp ứng ít nhất 4 nhóm tiêu chí, tóm tắt gọn bằng 4 từ: “Nhanh - Nhiều - Tốt - Rẻ”
Trạm giám sát côn trùng thông minh trong giám sát và dự tính dự báo côn trùng hại cây trồng có nhiều ưu điểm so với phương pháp truyền thống