Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nhà nông học Nguyễn Thị Trâm chia sẻ kinh nghiệm tạo giống lúa lai

Nhà nông học Nguyễn Thị Trâm chia sẻ kinh nghiệm tạo giống lúa lai
Tác giả: AHLĐ, PGS Nguyễn Thị Trâm
Ngày đăng: 12/06/2021

Để một giống lúa lai mới phát triển được vào sản xuất phải đáp ứng ít nhất 4 nhóm tiêu chí, tóm tắt gọn bằng 4 từ: “Nhanh - Nhiều - Tốt - Rẻ”

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm. Ảnh: Nguyễn Mười.

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, tác giả bộ giống lúa lai TH nổi tiếng của Việt Nam TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH3-7, TH6-6 (Lai thơm 6)… chia sẻ kinh nghiệm lai tạo và sản xuất hạt giống lúa lai…

4 tiêu chí vàng trong chọn tạo giống

Khai thác ưu thế lai ở cây lúa đã được “cha đẻ lúa lai” Viên Long Bình phát hiện vào những năm 60 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay, hàng ngàn giống lúa lai ngắn ngày, năng suất cao vượt lúa thuần 20-30% đã được tạo ra và phát triển mạnh tại Trung Quốc và nhiều nước khác như Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Bangladesh...

Ba mươi năm tiếp thu và ứng dụng công nghệ lúa lai, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong chọn tạo giống lúa lai ngắn ngày năng suất cao. Đến nay đã có trên 20 giống lúa lai mới được Bộ NN-PTNT công nhận để mở rộng sản xuất, đó là: Việt lai 20, TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH3-7, HQ19, HQ21, TH6-6 (Lai thơm 6), CT16, MV2, HYT83, HYT100, HYT108, HYT116, HYT124, LC25, LC212, LC270, Thanh ưu 3, Thanh ưu 4, Nam ưu số 1, Bắc ưu 903KBL, HR182... Theo dõi diện tích của các giống ở các vụ sản xuất cho thấy chỉ có khoảng 30% số lượng giống được công nhận thực sự tồn tại và mở rộng diện tích ở các vùng trong một số năm. Đa số giống khác chỉ xuất hiện trên ruộng của nông dân trong thời gian sản xuất thử để lấy số liệu công nhận chính thức hoặc sau đó một vài vụ. Mặc cho giống nào trước khi phóng thích cũng đều phải trải qua 4 lần báo cáo đánh giá ở các Hội đồng khoa học (2 lần báo cáo trước Hội đồng cơ sở, 2 lần báo cáo trước Hội đồng cấp Bộ) rồi mới được Bộ công nhận cho phát triển. Vậy thì vì sao nhiều giống vẫn không phát triển được?

 

Trong thực tế, để một giống lúa lai mới đã công nhận có thể phát triển được vào sản xuất thì phải đáp ứng ít nhất 4 nhóm tiêu chí, được tóm tắt gọn trong 4 từ: “Nhanh - Nhiều - Tốt - Rẻ”.

- NHANH là đánh giá về thời gian chiếm đất của giống trong 1 vụ, nông dân ta cần giống lúa sinh trưởng phát triển nhanh, nghĩa là thời gian sinh trưởng ngắn (90-100 ngày vụ mùa, hè thu; 110-125 ngày vụ đông xuân) để tiết kiệm nước, phân bón, công chăm sóc và giải phóng đất nhanh để làm vụ sau.

- NHIỀU nghĩa là năng suất thực thu của giống mới phải cao và ổn định. Tùy theo vùng và vụ cụ thể, yêu cầu giống mới phải cho năng suất cao hơn giống tốt nhất đang dùng trong cùng điều kiện canh tác.

- TỐT nghĩa là giống mới phải có chất lượng gạo tốt, cơm ngon, phù hợp với người tiêu dùng ở từng giai đoạn. Chất lượng gạo tốt là hạt gạo phải đồng nhất, trắng trong, tỷ lệ gạo xát, tỷ lệ gạo nguyên cao, hàm lượng amylose thấp, hàm lượng protein cao, độ bền thể gel mềm; chất lượng cơm ngon là cơm trắng bóng, mềm dẻo, nở theo chiều dài, vị đậm, có hương thơm.

- RẺ nghĩa là phải sản xuất được hạt lai F1 với giá thành rẻ để người sản xuất hạt giống có lãi và người sử dụng giống được mua giá rẻ. Mặt khác, giống mới phải giúp cho giá đầu vào của sản xuất lúa thấp, muốn vậy thì giống mới phải mang các gen kháng rầy, kháng bệnh đạo ôn, bạc lá để tiết kiệm tiền mua thuốc, công phun thuốc bảo vệ thực vật và giữ an toàn cho môi trường. Các chỉ tiêu này là tổng hợp các yếu tố đầu vào của sản xuất lúa, khi giống mới đáp ứng bất kỳ chỉ tiêu nào cũng đều góp phần hạ giá đầu vào cho sản xuất của người nông dân.

Để xác định một giống mới có thực sự cần cho sản xuất không, nhà chọn giống không nên dừng theo dõi ngay khi giống của mình được cấp phép công nhận mà phải tiếp tục đồng hành với những người sản xuất hạt giống (doanh nghiệp và nông dân) giúp họ sản xuất được hạt giống với giá thành thấp nhất và đồng hành với người sản xuất lúa thương phẩm ở các vùng để hoàn thiện quy trình canh tác, nhằm đạt năng suất cao nhất có thể. Nếu không đồng thời làm 2 việc này thì giống mới dù có rất tốt cũng khó có thể phát triển được, như vậy mọi đầu tư cho nghiên cứu tạo giống sẽ trở nên vô dụng.

Thực tiễn Cường Tân

 

Một việc làm thực tế đã chứng minh khá rõ ràng cho nhận định trên: Năm 2008 Công ty TNHH Cường Tân đã mua bản quyền giống lúa lai hai dòng TH3-3 để sản xuất kinh doanh. Tác giả giống đã đồng hành cùng giám đốc công ty đi tìm vùng để tổ chức sản xuất hạt giống. Sau 4 vụ thử nghiệm sản xuất hạt giống tại 4 vùng (Quảng Nam, Bình Định, Đăk Lăk, Nam Định) đã xác định được lợi thế và hạn chế của từng vùng, từ đó đi đến quyết định lựa chọn vùng Nam Định có nhiều lợi thế nhất, giúp công ty ra quyết định đầu tư sản xuất lớn tại đây. Để đảm bảo chất lượng hạt lai F1 thì vùng sản xuất phải được cách ly không gian nghiêm ngặt với các giống lúa khác nên việc đầu tiên là vận động nông dân và chính quyền địa phương cùng thực hiện dồn điền đổi thửa tạo ra một cánh đồng có diện tích rộng khoảng 300-400ha để có thể cải tạo lại bờ vùng, bờ thửa, kênh mương tưới tiêu hợp lý nhất cho sản xuất hạt lai. Có khu vực cách ly tốt, cần tổ chức các đội sản xuất gọn, đào tạo nâng cao tay nghề cho người sản xuất, bố trí cán bộ chỉ đạo kỹ thuật tập huấn, giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình sản xuất hạt lai. Chỉ sau 2 vụ, người nông dân ở đây đã rất thành thạo các khâu kỹ thuật và tự chủ hoàn toàn trong điều chỉnh sinh trưởng của các dòng bố mẹ để nâng cao năng suất hạt lai. Tuy nhiên khi tổ chức sản xuất lớn thì vấn đề nhân công lao động thời vụ trở nên vô cùng căng thẳng. Nếu không làm đúng thời vụ thì năng suất sẽ không cao, thậm chí còn có thể mất trắng. Giải quyết vấn đề này, công ty đã phải bỏ vốn mua máy làm đất, máy gieo hạt trong khay, máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu và điều hòa sinh trưởng, máy gặt, đồng thời xây dựng khu chế biến (sấy, quạt, đóng bao, nhập kho) và bảo quản hạt giống. Đầu tư máy móc đã giúp giảm tối đa tỷ lệ lao động sống, tăng tỷ lệ cơ giới hóa lên xấp xỉ 90% trong sản xuất hạt lai để tăng năng suất và hạ giá thành. Đây là mô hình sản xuất hạt lai F1 hiệu quả nhất hiện nay ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Để duy trì được một vùng chuyên canh sản xuất hạt giống lai F1 như của công ty TNHH Cường Tân thì không thể để họ chỉ sản xuất 1-2 giống lai trong một thời gian dài mà phải luôn có những giống lúa lai mới ưu tú hơn để thay đổi. Một giống lúa khá tốt như TH3-3 cũng chỉ có thể tồn tại trong sản xuất khoảng 15-20 năm. Sau đó, thị hiếu tiêu thụ gạo trong nước và thị trường xuất khẩu gạo có những thay đổi nhất định về chất lượng làm cho diện tích giống đang sử dụng trong sản xuất giảm dần. Nhà chọn giống cần kịp thời đưa ra giống mới tốt hơn để thử nghiệm sớm quy trình sản xuất hạt lai và thay thế dần giống cũ. Vì vậy trong nghiên cứu phải luôn luôn kiên trì tìm tòi những tính trạng mới từ các vật liệu khác nhau để lai tạo, chọn lọc, cải tiến, bổ sung tính trạng của dòng bố mẹ, quy tụ thêm các gen thơm xuất xứ từ nhiều vùng khác nhau, quy tụ gen kháng rầy, kháng bệnh đạo ôn, bạc lá vào dòng bố mẹ để chọn ra các bố mẹ hoàn thiện hơn, trên cơ sở đó tạo ra tổ hợp lai mới vừa ngắn ngày, năng suất cao vừa có cơm thơm ngon lại vừa chống chịu sâu bệnh tốt.

Giống mới đưa ra phải đáp ứng 4 nhóm tiêu chí đã phân tích trên nhưng để giống biểu hiện đầy đủ nhất cả 4 nhóm tiêu chí ấy trong sản xuất đại trà thì nhà chọn giống phải hợp tác chặt chẽ với người sản xuất hạt giống, người sản xuất lúa lai thương phẩm, nhằm thúc đẩy tất các công đoạn từ nhân dòng bố mẹ, sản xuất hạt lai, sản xuất lúa thương phẩm giúp cho giống mới phát triển nhanh trong sản xuất để khai thác triệt để giá trị ưu thế lai của giống mới.

(PGS.TS Nguyễn Thị Trâm)


Có thể bạn quan tâm

Robot liên hợp diệt cỏ dại bằng điện và gieo hạt Robot liên hợp diệt cỏ dại bằng điện và gieo hạt

Trên một cánh đồng ở Anh, ba con robot được giao một nhiệm vụ: tìm và diệt cỏ dại bằng điện trước khi gieo hạt xuống cánh đồng đã được dọn sạch.

11/06/2021
Lúa xuân được mùa, được giá Lúa xuân được mùa, được giá

Nhờ công tác dự báo chính xác, thời tiết ủng hộ, sâu bệnh gây hại ít hơn mọi năm nên vụ lúa xuân 2021 của tỉnh Nam Định thắng lợi toàn diện.

11/06/2021
Lúa Dự Hương 8, Đài Thơm 8 nổi bật trên cánh đồng lớn Nam Định Lúa Dự Hương 8, Đài Thơm 8 nổi bật trên cánh đồng lớn Nam Định

Trên các cánh đồng mẫu lớn, giống lúa Dự Hương 8, Đài Thơm 8 của Vinaseed cho năng suất vượt trội tại tỉnh Nam Định.

11/06/2021