Phú Thọ hướng đi mới để phát triển thủy sản
Dồn đổi, tích tụ mặt nước sẽ góp phần đưa sản xuất thủy sản lên quy mô lớn, thuận tiện cho đầu tư thâm canh, hình thành vùng chuyên canh, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Ông Trương Xuân Đài, ở xã Thọ Văn, huyện Tam Nông, một trong những hộ có diện tích nuôi thả thủy sản vào loại lớn trên địa bàn huyện, tâm sự: “Khi 2 anh em tôi bắt tay vào thầu và thuê lại gần 200ha mặt nước của xã Thọ Văn để thả cá, nhiều người đã cho là anh em tôi bị “khùng”.
Thời điểm ấy, tôi đã có đội máy xúc, xe tải đi làm thuê cho nhiều công trình cũng gọi là “hái ra tiền” được. Sẵn máy nhà, nguồn nhân lực trong nhà cũng có trên 20 người, thế mà chúng tôi cũng phải thuê hơn trăm nhân công nữa, ròng rã cả năm trời mới xong phần cơ bản. Chi phí cũng hết xấp xỉ 2 tỷ đồng.
Sau đó mỗi năm phải bỏ thêm từ 200 đến 300 triệu đồng để đắp lại bờ, đan lại rào, chia lô để nuôi từng loại cá. Dù gia đình đã có sẵn một số vốn nhất định nhưng cũng phải vay ngân hàng thêm cả tỷ đồng. Làm thuỷ sản, từ năm thứ 4, thứ 5 trở đi mới có lãi. Khéo tính toán thì mức lãi có thể lên đến trên 70% doanh thu bởi sau khi hoàn thành gia cố bờ vùng, bờ thửa thì chi phí chỉ còn con giống, thức ăn và tiền thuê nhân công chăm sóc, thu hoạch”.
Việc dồn đổi và tích tụ mặt nước hiện nay tuy thuận lợi hơn so với dồn đổi, tích tụ đất điền thổ nhưng vẫn còn khá nhiều khó khăn. Dễ ở chỗ đối với những vùng chiêm trũng, cấy lúa không hiệu quả đại đa số chủ ruộng sẵn sàng sang nhượng, cho thuê lại. Khó khăn chủ yếu là việc tích tụ mặt nước để nuôi thủy sản cần có số vốn đầu tư lớn.
Nếu như việc thuê mướn đất ruộng bình thường, đầu tư vào sản xuất chỉ độ khoảng 2 đến 3 triệu đồng/sào/năm thì đối với việc tích tụ mặt nước con số ấy phải gấp hàng chục lần, do sản xuất thủy sản cần có nguồn vốn ban đầu lớn để cải tạo, xây dựng hệ thống ao hồ, bờ đầm, mua sắm đăng, lưới, trang thiết bị, con giống, thức ăn… Theo các hộ lâu năm làm thủy sản đánh giá thì dù nuôi thủy sản mang lại thu nhập cao nhưng để thu được lãi thường phải sau quá trình đầu tư từ 4-5 năm nên nếu không có vốn lớn thì khó có thể thực hiện được.
Tâm lý của một bộ phận người dân có ruộng ở vùng chiêm trũng, khó canh tác dù đã thay đổi nhiều so với trước kia nhưng để thực sự dồn đổi có hiệu quả vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Anh Tạ Văn Long ở khu 6, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông hiện đang nuôi thả cá với tổng diện tích khoảng hơn 1ha cho biết: “Ở xã Dị Nậu có rất nhiều địa điểm để có thể phát triển thủy sản với diện tích lớn nhưng rất khó làm. Nguyên nhân chính là bà con không chịu đổi diện tích đất ruộng hoặc cho thuê. Tôi đang có ý định mở rộng diện tích nuôi cá nhưng xem ra còn rất lâu mới có thể đạt được ý định.
Tôi cũng nghe có chủ trương dồn điền đổi thửa từ lâu nhưng ở xã này khó vận động được mọi người ủng hộ lắm. Ngay cả diện tích ao nuôi hiện nay gia đình tôi cũng phải vận động mãi mới dồn đổi được. Mà ngay cả những hộ không muốn đổi, tôi đặt vấn đề thuê lại với giá cao hơn thu nhập hàng năm trên diện tích đó cũng không xong”.
Cái khó trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản hiện nay không chỉ riêng Phú Thọ mà ở rất nhiều địa phương đang vướng mắc là diện tích đất sản xuất nhỏ hẹp, manh mún. Việc dồn điền đổi thửa triển khai gần như không đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn khá thấp.
Việc dồn đổi ruộng để tiện canh tác đã khó, dồn đổi để nuôi thủy sản còn khó hơn. Trong tỉnh có khá nhiều nơi là đồng ruộng chiêm trũng, chỉ có thể cấy được 1 vụ, còn lại rất thuận tiện cho nuôi trồng thủy sản, nhưng tổng sản lượng thủy sản nuôi thả hàng năm chỉ ở mức trung bình. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhiều diện tích chiêm trũng vẫn bị bỏ hoang sau khi thu hoạch được một vụ lúa.
Oái ăm ở chỗ, nhiều hộ mặc dù bỏ ruộng hoang nhưng vẫn không muốn cho người có nhu cầu thả cá thuê lại. Ông Nguyễn Xuân Trường ở xã Xương Thịnh, huyện Cẩm Khê cho biết: “Nhiều người có ruộng nằm ở vùng chiêm trũng vẫn mang nặng tâm lý làm không được nhưng cho thuê thì tiếc nên cứ giữ ruộng bỏ không.
Tôi cũng nhiều lần vận động họ cho thuê lại diện tích ruộng để thả cá, vụ lúa vẫn để cho họ làm nhưng không được. Có khi người này đồng ý cho thuê nhưng hộ liền kề lại không đồng ý. Thế là đành bỏ, không làm được. Giá như việc dồn điền, đổi thửa thực hiện tốt thì khá nhiều hộ nuôi cá, tôm như chúng tôi làm giàu chẳng khó khăn gì”.
Trên địa bàn tỉnh, mô hình dồn đổi, tích tụ mặt nước cũng đã xuất hiện từ lâu. Một số gia đình như gia đình ông Nguyễn Văn Sáu ở xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thuỷ; ông Nguyễn Văn Huệ ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hoà; Trương Xuân Đài ở xã Thọ Văn, huyện Tam Nông... là những hộ đã làm và đạt được hiệu quả kinh tế trông thấy.
Điều đầu tiên đối với hình thái canh tác này là nguồn vốn đầu tư ban đầu là cực lớn, lên đến vài tỷ đồng, chi phí bồi đắp, sửa chữa cũng mất từ 200- 500 triệu đồng trong 4 – 5 năm sau. Hầu hết các hộ này đều kết hợp ao cá, thả sen, vịt đàn, nuôi lợn... Đến nay những mô hình của các hộ này đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Doanh thu hàng năm lên đến vài tỷ đồng. Sản phẩm của họ không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà thương lái của các tỉnh khác như Hà Nội, Yên Bái, Tuyên Quang... cũng đã biết tiếng và tìm đến nên vấn đề đầu ra đối với họ không phải là vấn đề quá lớn. Đối với nhiều hộ thì mong muốn lớn nhất là có thể đấu thầu, thuê lại diện tích mặt nước trong thời gian dài, tối thiểu từ 10 năm trở lên để đảm bảo đầu tư ổn định, tránh tình trạng nơm nớp lo sợ bị thu hồi khi vừa mới bỏ ra “một đống tiền” để đầu tư.
Để sản xuất nông nghiệp thực sự mang lại hiệu quả cao yêu cầu về diện tích sản xuất lớn là bắt buộc. Trong khi việc dồn điền đổi thửa còn gặp khá nhiều khó khăn; tích tụ đất đai chưa thực sự thu hút được người dân cũng như doanh nghiệp đầu tư thì chúng ta rất cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ có điều kiện mạnh dạn đứng ra đầu tư, giải quyết tình trạng bỏ hoang hóa hoặc canh tác không đạt được hiệu quả rõ rệt như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vẫn diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng và kéo dài, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã có công văn yêu cầu Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố Nam Bộ thực hiện một số giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Do nhu cầu tiêu thụ mạnh vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 4 ngày nên giá cua biển nuôi tại các tỉnh ĐBSCL tăng rất mạnh.
Hải sản chết dạt bờ hoặc đánh bắt trong vòng 20 hải lý từ bờ mà kết quả kiểm nghiệm không an toàn sẽ bị cấm sử dụng.