Phụ nữ văn phòng nuôi đàn chim câu, không nhanh giàu cũng khấm khá

Sau thời gian tìm hiểu kỹ thuật và đầu tư thí điểm, mô hình nuôi bồ câu nhốt của chị Hồng Thuận, ở tổ 3, khu phố 5, phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) từng bước mang lại thu nhập ổn định. Điều đáng nói là với quy mô vừa phải, mô hình này đã phát huy được hiệu quả kinh tế khi tận dụng được thời gian nhàn rỗi sau những giờ làm việc ở cơ quan.
Việc chăn nuôi đàn bồ câu trong thời gian rãnh giúp gia đình chị Hồng Thuận có thêm thu nhập.
Tăng gia sản xuất
Đến với việc nuôi bồ câu như một sự tình cờ, Chị Thuận cho biết: lúc đầu được người thân cho mấy chuồng nuôi chim, không biết để làm gì thế là tôi nghĩ ngay đến việc nuôi ít cặp bồ câu đẻ để kiếm chim con nấu cháo cho mấy đứa nhỏ. Nghĩ là làm, sau khi nuôi thử 3 cặp bồ câu lai Pháp chị thấy giống chim này dễ nuôi lại nhanh sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế. Ý tưởng phát triển mô hình nuôi chim bồ câu để tăng gia sản xuất được hình thành từ đó.
Sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật nuôi, chị quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại với quy mô ban đầu là 100 cặp. Chị phân tích: với 100 cặp thì công chăm sóc hàng ngày cũng không nhiều, hai vợ chồng tranh thủ khoảng một giờ đồng hồ để cho chim ăn hai lần vào sáng sớm và chiều tối, sau mỗi tuần dọn vệ sinh chuồng trại một lần vào ngày nghỉ. Theo chị Thuận, việc nuôi nhốt hoàn toàn, tách riêng từng cặp chim sẽ rất thuận lợi trong việc theo dõi sinh sản cũng như phòng ngừa dịch bệnh.
Thu nhập ổn định
Để phát triển mô hình nuôi bồ câu nhốt thì khâu chọn giống rất quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại, chị Thuận chia sẻ: Chim giống phải có bộ lông mướt, đẹp; cặp chân khỏe; dáng hình cân đối, linh hoạt. Việc lựa chọn chim trống, mái để ghép đôi cũng rất quan trọng nhằm mang lại hiệu quả.
Bồ câu rất dễ nuôi, chỉ cần làm chuồng trại yên tĩnh, thoáng mát, nhiều ánh sáng, còn nguồn thức ăn cũng dễ kiếm như cám, bắp và gạo lứt. Bồ câu là loài sinh trưởng nhanh, nuôi từ 5 tháng trở đi là chúng bắt đầu sinh sản, mỗi tháng một cặp bồ câu đẻ một lứa. Chim bồ câu tự ấp trứng và nuôi con.
Trong quá trình nuôi con chúng sẽ tiếp tục đẻ trứng và ấp do đó phải bố trí một ô lồng hai ổ đẻ.Hiện tại, chị Thuận đang nuôi hai giống bồ câu là bồ câu Pháp và bồ câu lai, mỗi loại đều có những ưu điểm riêng như thời gian sinh sản nhanh, chống chọi dịch bệnh tốt…
Thịt chim bồ câu có giá trị dinh dưỡng cao, nên thị trường rất ưa chuộng. Với giá bồ câu thịt hiện nay từ 100 -120 ngàn đồng/cặp, bồ câu giống từ 180 – 250 ngàn đồng/cặp tuỳ theo loại và thời gian nuôi. Trừ các khoản chi phí thức ăn, thuốc phòng bệnh… thì hiệu quả kinh tế mang lại từ loại chim này là không hề nhỏ. Đây là vật nuôi phù hợp để tăng gia sản xuất cho những gia đình công chức, chị Thuận khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Với nhiều thay đổi mang tính đột phá, Nghị định 55 của Chính phủ đang được xem là cú hích quan trọng cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn (NNNT). Tuy đã được tháo nút thắt cho tín dụng NNNT, nhưng vẫn còn bất cập.

Sau gần 2 năm tích cực triển khai công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương, nhưng một số hộ dân trên địa bàn huyện Vị Thủy vẫn chưa mặn mà với Đề án 1.000 (Đề án chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020). Nguyên nhân do đâu ?

Chuối là loại cây dễ trồng, cho thu hoạch quanh năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

20 năm hình thành và phát triển, cũng là thời gian đánh dấu một chặng đường với những cố gắng không ngừng nghỉ của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) trong việc triển khai nhiều giải pháp, nhằm góp phần làm đổi thay vùng mía nguyên liệu của tỉnh về năng suất và chất lượng.

Khởi động ở vạch xuất phát thấp, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, đã vươn lên phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương hòa cùng công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM).