Phòng trừ ruồi đục lá và ruồi đục trái gây hại trên khổ qua
Khổ qua là loại rau ngắn ngày, lợi nhuận thu được từ cây khổ qua khá cao. Tuy nhiên, trong quá trình sinh trưởng, khổ qua bị rất nhiều loại sâu bệnh tấn công, trong đó, có hai loại ruồi gây hại phổ biến là ruồi đục lá và ruồi đục trái khổ qua.
Ruồi đục lá phá hại trên lá, phá hại từ giai đoạn có lá thật đến ra hoa, đậu trái nhưng nặng nhất vào giai đoạn sinh trưởng mạnh ra nhiều lá. Ruồi đục lá có tên khoa học là Liriomyza, thuộc họ Agromyzidae, bộ Ditera. Trưởng thành là loài ruồi nhỏ, dài khoảng 1,5- 2mm, màu đen, có vệt vàng trên ngực. Trưởng thành hoạt động ban ngày, sức bay kém. Chúng đẻ trứng trong mô biểu bì mặt trên lá. Sâu non dạng dòi, màu vàng nhạt. Dòi nở ra đục dưới lớp biểu bì lá thành những đường vòng vèo màu trắng (nên nông dân còn gọi là sâu vẽ bùa), có thể nhìn thấy con dòi và phân của chúng dưới đường đục. Nhiều con dòi phá hại trên cùng một lá, làm lá bị cháy khô, giảm khả năng quang hợp, dây khổ qua sinh trưởng kém. Nếu giai đoạn ra hoa bị ruồi đục lá gây hại mật số cao thì dây khổ qua sẽ đậu trái ít, trái nhỏ. Vòng đời của ruồi đục lá khoảng 15-20 ngày, thời gian trứng 2-3 ngày, sâu non 10-14 ngày, nhộng 8-10 ngày.
Ngoài ruồi đục lá, ruồi đục trái khổ qua ảnh hưởng quan trọng về kinh tế, làm giảm năng suất, giá trị thương phẩm của trái. Ruồi đục trái có tên khoa học là Bactrocera cucurbitae, thuộc họ ruồi đục quả Trypetidae, bộ Diptera. Ruồi trưởng thành có hình dạng giống ruồi nhà, dài khoảng 6-8mm, màu vàng có các vạch đen trên ngực và bụng. Cuối bụng ruồi cái có vòi đẻ trứng dài và nhọn dùng chích vào vỏ trái để đẻ trứng. Trứng nở ra dòi màu trắng ngà hoặc vàng nhạt. Ruồi trưởng thành hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều mát, sức bay yếu. Một con cái có thể đẻ trên 100 trứng. Ruồi cái dùng bộ phận đẻ trứng chọc thủng vỏ trái và đẻ trứng vào trong, vết chích rất nhỏ chỉ nhìn thấy nhờ vết mủ chảy ra. Ấu trùng (dòi) nở ra đục ngay vào trong trái, chổ vết đục bên ngoài là một chấm nâu, bên trong trái, dòi đục thành đường hầm vòng vèo làm trái bị thối mềm và dễ rụng.
Triệu chứng nhận biết khi trái khổ qua bị ruồi gây hại là trái chuyển màu vàng tươi, mềm, bẻ ra bên trong có nhiều dòi. Trong một trái khổ qua có nhiều con dòi gây hại. Dòi đẩy sức chui ra ngoài và rơi xuống đất hóa nhộng. Ruồi thường phá hại từ khi trái khổ qua già đến chín. Bình bát dây là một trong những đối tượng nhiễm ruồi cao, đây là nơi trú ngụ và tích luỹ mật số của ruồi.
Để phòng trừ ruồi nên áp dụng nhiều biện pháp:
- Vệ sinh đồng ruộng, thường xuyên thu gom và tiêu hủy các trái bị rụng hoặc trái bị dòi hại.
- Dựa vào đặc tính bị hấp dẫn của ruồi trưởng thành bởi màu sắc nên có thể sử dụng bẩy dính màu vàng, dùng những tấm nhựa màu vàng được trét keo để bắt ruồi trưởng thành.
- Sử dụng bẩy ViZubon-D dẫn dụ ruồi đực (đặt 5-10m/1 bẩy).
- Phun Sofri Protein thủy phân diệt ruồi trưởng thành đực và cái. Phun ngay sau khi hoa thụ phấn. Không phun toàn ruộng mà chỉ phun theo luống và bỏ cách luống, không phun trực tiếp lên trái. Đối với ruồi đục lá có thể sử dụng một trong những loại thuốc sau: Eska 250EC, Vimatrine 0.6L,…
Chú ý: Đảm bảo đúng thời gian cách ly.
Có thể bạn quan tâm
Khổ qua (mướp đắng) có tính thanh nhiệt, giải độc và được dùng phổ biến trong bữa cơm của gia đình Việt. Khổ qua trồng không khó, dễ chăm sóc nhưng để có được năng suất cao, quả chất lượng và ít nhiễm sâu bệnh thì rất cần tuân thủ các kỹ thuật trồng trọt.
Khổ qua là 1 cây leo, thuộc họ bầu bí, có quả ăn được có vị đắng, đặc biệt mang nhiều công dụng.
Khổ qua tương đối dễ trồng không kén đất, thích hợp pH = 6, đất thịt nhẹ, pha cát, nhiệt độ thích hợp 22-25 0C, trong điều kiện ra hoa và đậu trái rất sợ úng nước.