Phòng trừ bệnh thối gốc, lở cổ rễ cây dưa
Diễn biến thất thường từ nóng ấm sang lạnh, một số ngày đêm và sáng có sương mù, ẩm độ không khí cao, ở những vùng trồng dưa chuột, dưa lê, dưa hấu bị chết...
Triệu chứng lở cổ rễ trên cây dưa
Giai đoạn cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch, thời tiết diễn biến thất thường từ nóng ấm sang lạnh, một số ngày đêm và sáng có sương mù, ẩm độ không khí cao, ở những vùng trồng dưa chuột, dưa lê, dưa hấu bị chết khá nhiều ở cả giai đoạn trong bầu và sau trồng, nhiều thửa ruộng, nông dân phải trồng dặm, cá biệt có nơi phải phá đi trồng lại. Qua kiểm tra đồng ruộng, nguyên nhân dưa chết do bệnh lở cổ rễ, thối gốc gây hại.
Nhận biết bệnh lở cổ rễ, thối gốc
Cây bị bệnh đổ ngã trên mặt ruộng, chết héo. Cây mới nhiễm bệnh có biểu hiện phát triển không cân đối, phần cây nhiễm bệnh lá bị vàng, lá bé, nhăn nheo, viền lá cháy khô. Khi vết bệnh bao quanh cổ rễ, thân, cây sẽ héo dần và chết. Quan sát phần rễ, cổ rễ, phần thân cây sát cổ rễ, vết bệnh thâm đen, ẩm độ cao vết bệnh sũng nước, khô thì thối mục, bên ngoài vết bệnh bao phủ một lớp nấm trắng hồng hoặc trắng xám hoặc nâu nhạt tùy theo loại nấm gây hại.
Trường hợp sau khi cây bị bệnh đã phun trừ, một số cây hồi phục, sinh trưởng chậm, biểu bì phần cổ rễ không còn, phần nối giữa cổ rễ và thân chỉ còn ít mạch dẫn. Khi cây ra hoa, có quả non gặp gió to, nắng to thì cây bị chết héo do mạch dẫn không cung cấp đủ nước.
Nguyên nhân và điều kiện phát sinh
a. Nguyên nhân: Bệnh lở cổ rễ, thối gốc chủ yếu do nấm Rhizoctonia solani, Fusarium solani gây ra, ngoài ra còn có các loại nấm như: Pythium spp, Fusarium sp… tồn tại trong đất, nguồn nước, hạt giống hoặc nấm bệnh lan truyền trong không khí gây hại.
b. Điều kiện phát sinh gây hại: Bệnh lở cổ rễ, thối gốc cây dưa, nấm bệnh phát sinh, gây hại mạnh trong điều kiện ẩm độ cao do tưới đẫm nước, mưa hoặc sương mù, nhiệt độ thích hợp là 18 - 25oC. Thời tiết nóng, lạnh thất thường. Bào tử nấm xâm nhập vào cây qua các vết thương cơ giới hoặc các lỗ khí khổng của lá gặp điều kiện thuận lợi phát sinh rồi gây hại. Bệnh lây lan nhanh, gây hại nặng ở những vườn ươm cây giống hoặc ruộng trồng màu liên tục nhiều vụ, ruộng bón nhiều đạm, đất bị gí, thoát nước kém.
Biện pháp phòng trừ
- Xử lý đất: Trước khi trồng nên cày bừa ngâm nước ngập đất liên tục tối thiểu 10 ngày. Bón vôi bột với lượng trung bình 30 kg/sào Bắc bộ.
- Luân canh cây trồng: Đối với vùng trồng dưa đã bị nhiễm bệnh, chu kỳ luân canh 2 năm trở lên.
- Thời vụ: Bố trí thời vụ gieo trồng thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển.
- Khi vào bầu: Sử dụng đất bột đã được xử lý nấm bệnh với phân chuồng ủ hoai mục và phân vi sinh chứa nấm đối kháng liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. Dùng mùn trấu hoai phủ mỏng hạt. Dùng ni lông trắng kết hợp với khum che cây con để hạn chế ẩm độ cao do mưa xuân và sương mù.
- Trồng cây khỏe: Cây giống cân đối, sạch sâu bệnh, rễ phát triển tốt.
- Lên luống cao. Trồng cao gốc, phủ gốc mỏng. Nên trồng chân ruộng cao, chủ động tưới tiêu.
- Mật độ trồng hợp lý
- Bón phân: Bón nhiều phân chuồng đã hoai mục đã được trộn đều với vôi bột. Không tưới nước phân tươi. Bón phân cân đối đạm, lân, kali. Sử dụng các loại phân tổng hợp có đầy đủ các nguyên tố đa, trung và vi lượng.
- Khi trồng sử dụng phân vi sinh có chứa nấm đối kháng, bón lót và tưới nhử ví dụ: phân vi sinh Điền Trang…
- Điều tiết nước: Không tưới nước quá ẩm. Tưới rãnh là chính, hạn chế tưới nước lên mặt luống nhất là gốc cây.
- Phòng trừ bệnh: Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và phun thuốc phòng trừ kịp thời. Trước khi trồng phun phòng trừ bệnh cho cây trong bầu bằng một trong các loại thuốc sau: Anvil 5 SC, Benlat C 50 WP, Roval 50 WP, Copper B, Validacin 5L, Kasumin 2L + CabrioTop 600WDG… pha nồng độ 0,1 - 0,2% (tức pha 10 - 20 gram hoặc cc thuốc với 10 lít nước), hoặc tưới thuốc khi cây khô sương. Trường hợp để cây trong bầu dài, phải phun 2 lần, lần đầu khi cây ra lá thật thứ nhất và lần 2 trước khi trồng.
Sau trồng, thời tiết mùa xuân nóng lạnh thay đổi thất thường, trời âm u, mưa xuân, nên phun phòng trừ định kỳ 5 - 7 ngày/lần, sử dụng luân phiên các loại thuốc có tác dụng trừ bệnh lở cổ rễ, thối gốc như: Validacin 5L, Topsin M 70WP, Ridomil Gold 68 WG, Rovral 50WP, Anvil 5SC, Rampart 35SD…
- Những diện tích vừa mới trồng, những cây phủ gốc dày cần gạt bớt đất để thoáng gốc, những cây gốc trồng trũng cần dùng nông cụ nâng gốc lên cho cao hơn so với mặt luống để hạn chế bệnh hại.
- Nhổ bỏ, thu gom, tiêu hủy các cây bị bệnh nặng và đã chết để tránh lây lan.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích đưa công nghệ cao vào sản xuất,ở Nghệ An đã xuất hiện một số mô hình trồng dưa lưới Nhật bản trong nhà màng
Kỹ thuật trồng cây dưa hấu ruột vàng cũng tương tự như trồng dưa hấu thường có thể trồng quanh năm mà không lo về điều kiện thời tiết hay sâu bệnh.
Đây là giống dưa thuần được chọn tạo từ một mẫu giống dưa bở nhập nội (mã số MDL-212/17) do ThS. Đoàn Xuân Cảnh, KS. Ngô Thị Mai là tác giả.