Phòng Trị Bệnh Tiên Mao Trùng Cho Đàn Trâu
Bệnh tiên mao trùng khiến trâu bị thiếu máu, suy nhược, giảm sức sản xuất, giảm hoặc mất khả năng sinh sản, mắc bệnh nặng rất dễ chết. Việc nghiên cứu cách phòng trị bệnh tiên mao trùng cho đàn trâu là một giải pháp khả quan giúp người nông dân biết cách phòng và chữa bệnh cho đàn trâu.
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu đề tài của Viện Khoa học sự sống Trường Đại học Thái Nguyên - đơn vị chủ trì đề tài, đã thực hiện đề tài “Xác định đặc điểm dịch tễ và biện pháp phòng chống bệnh ký sinh trùng đường máu do bệnh tiên mao trùng cho đàn trâu tỉnh Tuyên Quang” đã tiến hành nghiên cứu tại 3 huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa và Hàm Yên, từ đó lựa chọn phác đồ điều trị bệnh tiên mao trùng hiệu quả và phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh.
Đàn trâu của tỉnh được đánh giá là có tầm vóc lớn và có khả năng sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, do hạ tầng phục vụ công tác chuẩn đoán và điều trị bệnh tiên mao trùng cho đàn trâu còn hạn chế, bởi người chăn nuôi chưa thật sự nắm chắc những biểu hiện ban đầu nhiễm bệnh của trâu nên khiến bệnh tiên mao trùng trở nên phổ biến và ảnh hưởng tới số lượng đàn trâu.
Nhóm nghiên cứu đã phân lập được 10 chủng tiên mao trùng ký sinh và gây bệnh cho đàn trâu của tỉnh và cả 10 chủng đều là loài Trypanosoma evansi. Tỷ lệ nhiễm bệnh tiên mao trùng ở trâu của 3 huyện Yên Sơn, Hàm Yên và Chiêm Hóa là 13,45%, biến động từ 10,89% đến 16,27% và tỷ lệ nhiễm tăng dần theo tuổi.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Lan, Viện Khoa học sự sống Trường Đại học Thái Nguyên, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phác đồ điều trị cho trâu bị nhiễm bệnh với thuốc trypamidium samorin liều 1 mg/kgTT, kết hợp với các thuốc trợ tim và trợ sức: Cafein natri benzoat 20% 15 ml, dung dịch sinh lý mặn 200 ml, vitamin C 5% 20 ml, vitamin B1 2,5% 20 ml để điều trị bệnh tiên mao trùng cho trâu. Trong thời gian sử dụng thuốc điều trị, cho trâu nghỉ tại chuồng 3 đến 5 ngày và có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt”.
Ngoài ra, đề tài cũng đưa ra giải pháp diệt ruồi, mòng hút máu truyền bệnh tiên mao trùng bằng cách thay đổi môi trường sống của chúng như phát quang cây cối ở các khu vực chăn nuôi, không để nước tù đọng; ủ phân trâu, bò để diệt trứng và ấu trùng ruồi, mòng; chuồng trâu phải luôn khô ráo… để tạo ra những điều kiện bất lợi cho đời sống của ruồi, mòng hút máu, nhằm hạn chế sự phát triển và hoàn thành vòng đời của chúng.
Phương pháp dùng đèn thu hút côn trùng, dùng bẫy bắt ruồi, mòng, lưới ngăn ruồi, mòng hút máu, dùng hóa dược pyrethroids, permethrin, cypermethrin, spinosad, amitraz… là những biện pháp hiệu quả trong việc tiêu diệt ruồi, mòng - vật môi giới truyền bệnh tiên mao trùng cho trâu.
Nhóm nghiên cứu đưa ra biện pháp hướng dẫn người dân thực hiện làm bẫy bắt ruồi, mòng. Trong đó bẫy Malaise có cấu trúc giống như một cái lều lớn dùng để bắt ruồi, mòng vào trong một hộp có chứa cồn ethanol 70 độ, môi trường phù hợp để bảo quản chúng.
Bẫy Malaise được làm bằng lưới có màu sắc khác nhau, ruồi, mòng bay vào bẫy và được dẫn lên một hộp hứng gắn liền ở trên cùng của bẫy. Bẫy được làm với khoảng mở rộng ở dưới và thu hẹp dần lên trên để ruồi, mòng theo thành lưới bay lên đến điểm cao nhất ở đó có hộp chứa cồn.
Nếu người dân sử dụng cồn ethanol thì nên thay ít nhất 1 lần/tuần. Mặt khác việc phòng bệnh tiên mao trùng cho đàn trâu bằng hóa dược nên được thực hiện thường xuyên, đó là loại thuốc trypamidium samorin liều 1 mg/kgTT, 2 lần/năm pha với nước cất thành dung dịch 1%, tiêm sâu bắp thịt cho trâu vào đầu mùa hè và cuối mùa thu để phòng bệnh tiên mao trùng cho đàn trâu.
Gia đình ông Tướng Văn Thông, thôn Khe Đảng, xã Tứ Quận (Yên Sơn) đã được nhóm nghiên cứu hướng dẫn và điều trị bệnh tiên mao trùng cho con trâu ở tuổi thứ 7 và một nghé con.
Sau khi được hướng dẫn điều trị, hai con trâu của gia đình ông đã khỏi hoàn toàn. Hay gia đình ông Hoàng Văn Huyền, thôn Bản Man, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) cũng có trâu bị nhiễm bệnh tiên mao trùng nhưng do biểu hiện ban đầu của bệnh khi trâu bị mắc phải ông Huyền không biết nên để trâu bị nhiễm bệnh nặng hơn.
Trâu của gia đình ông đã được nhóm nghiên cứu điều trị kịp thời nên đã ăn trở lại và không còn biểu hiện nhiễm bệnh. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng hướng dẫn gia đình ông cách phòng bệnh cho trâu và nhắc nhở gia đình thường xuyên vệ sinh chuồng trại của trâu sạch sẽ.
Sau khi kết thúc đề tài, nhóm nghiên cứu đã điều trị cho trên 100 con trâu nhiễm bệnh tiên mao trùng và phát gần 300 liều thuốc phòng và điều trị bệnh tiên mao trùng cho trâu cho các trạm thú y ở các huyện thực hiện dự án. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để khuyến cáo người chăn nuôi cách nhận biết và áp dụng biện pháp phòng, trị bệnh tiên mao trùng hiệu quả; hạn chế tỷ lệ nhiễm và những thiệt hại do bệnh tiên mao trùng gây ra, góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi trâu trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 23/8 ,tại huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk, Cty TNHH MTV Cà phê 721 đã tổ chức hội nghị ra mắt thương hiệu “Gạo bảy hai mốt (721)”.
Ông Lê Văn Đời, Phó GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, Sở đã tiến hành lấy mẫu mía gửi đi phân tích chữ đường, nhằm đảm bảo thời gian vào vụ hợp lý, tránh tình trạng ép mía non gây thiệt hại cho nông dân.
Làm thế nào để chăn nuôi gà cạnh tranh được với gà NK, nhất là trước cơn lốc gà Mỹ NK gần đây? Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ.
Trong quí 2-2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước tính tăng 22% so với quí 1 nhưng vẫn thấp hơn 14% so với cùng kỳ.
Do thương lái Trung Quốc giảm thu mua, cua biển Cà Mau hiện chỉ còn 120.000-180.000 đồng một kg.