Phong Trào Phát Triển Kinh Tế Ở Xã Mường Nhé

Hiện nay, nông dân ở hầu hết các xã trong huyện Mường Nhé đều gặp khó khăn về phát triển kinh tế hộ gia đình, do chưa được tiếp cận những kiến thức mới trong làm ăn và không có vốn đầu tư.
Để giúp người nông dân có kinh nghiệm, có vốn thì tổ chức hội nông dân là rất cần thiết. Hội đã vận động và thu hút được nhiều hội viên tham gia vào phong trào.
Với nhiệm vụ hỗ trợ và giúp đỡ nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo từ khi thành lập đến nay, Hội Nông dân xã Mường Nhé đã thu hút được gần 600 hội viên tham gia vào tổ chức hội. Với nhiều hình thức giúp đỡ và hỗ trợ của hội mà nhiều gia đình đã biết cách thức làm ăn, phát triển kinh tế gia đình thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu.
Gia đình ông Khoàng Văn Pánh, bản Mường Nhé trước đây gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn đầu tư. Từ khi tham gia Hội Nông dân xã, ông đã được hướng dẫn nhiều cách phát triển kinh tế. Từ năm 2008, với số vốn ban đầu vay ngân hàng chính sách, ông đầu tư vào đào ao thả cá, trồng cây ăn quả và nuôi gia súc, gia cầm. Từ khi trung tâm huyện chuyển vào xã Mường Nhé, các sản phẩm làm ra của gia đình ông đã có thị trường tiêu thụ.
Gia đình ông từng bước mở rộng diện tích ao thả cá, vườn cây ăn quả và gia súc, gia cầm. Hiện nay với 8.000m2 ao cá, 2.000m2 cây ăn quả các loại, hơn 4.000m2 lúa ruộng và 3 con bò, mỗi năm đem lại cho gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ngoài ra, gia đình ông còn tận dụng diện tích vườn đồi trồng ngô và sắn để chăn nuôi lợn và gia cầm các loại tăng thêm thu nhập. Do chịu khó học hỏi kinh nghiệm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất nên kinh tế gia đình ông từ chỗ thiếu đói nay đã có của ăn của để.
Làm kinh tế giỏi ở xã Mường Nhé còn có gia đình ông Khoàng Văn Tường, bản Mường Nhé. Ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách đầu tư đào ao thả cá, chăn nuôi và trồng cây ăn quả đến nay gia đình ông có kinh tế khá vững và là gương điển hình trong phát triển kinh tế của xã, của huyện Mường Nhé. Ngoài chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Tưởng tích cực giúp đỡ, hướng dẫn con cháu trong gia đình cũng như các hộ gia đình trong bản mình biết cách đầu tư phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo ngay trên đồng đất quê mình.
Với một địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế còn hạn chế, đường giao thông không thuận lợi, các thông tin về khoa học kỹ thuật áp dụng trong chăn nuôi sản xuất người dân chưa được tiếp cận thường xuyên thì những hộ gia đình làm kinh tế giỏi như: ông Khoàng Văn Tưởng, Khoàng Văn Pánh bản Mường Nhé, hay anh Sùng A Chỉa bản Nậm San, là những tấm gương điển hình để người dân trong bản, trong xã noi theo.
Ông Chu Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé nói: Hiện nay, xã Mường Nhé cũng đang đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế nhằm giúp người nông dân từng bước thay đổi nhận thức trong sản xuất, chăn nuôi. Song để người nông dân thực sự hiểu và áp dụng thường xuyên các phương pháp canh tác, chăn nuôi mới thì rất cần sự quan tâm đầu tư về vốn, kinh nghiệm của các cơ quan chuyên môn; và có định hướng trong đầu tư sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra.
Hội Nông dân xã là cầu nối quan trọng trong việc truyền tải những kiến thức về khoa học kỹ thuật giúp người nông dân định hình trong phát triển kinh tế. Với những điều kiện sẵn có về đất đai, lao động cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người nông dân đã có nhiều thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Song, để người nông dân từng bước thoát được nghèo thì các cơ quan chuyên môn cần tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật theo nhu cầu thực tế của người dân, hướng dân người nông dân làm chủ được các phương thức sản xuất mới hơn nữa, để người nông dân từng bước phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên vùng đất quê mình.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 18-9, đại diện Công ty TNHH C.N (TP. Hồ Chí Minh) đã xuống hỗ trợ 35 tép hạt giống và 500.000 đồng/hộ cho nông dân trồng ớt Nguyễn Văn Nguyên (Song Bình, Chợ Gạo - Tiền Giang) và Lê Văn Gấm (Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho - Tiền Giang).

Mức hỗ trợ Trại sâm Tắc Ngo thuộc UBND huyện Nam Trà My bằng mức hỗ trợ cho nhân dân, số lượng cây giống hỗ trợ tùy tình hình thực tế từng năm và được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông, để thực hiện tốt chương trình tái canh cà phê, Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã phối hợp với Công ty Nestle’ Việt Nam hỗ trợ 50% giá mua cà phê giống cho người dân tại các tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai.

Khi giá cà phê trên thị trường có nhiều biến động (vào thời điểm đầu niên vụ thu hoạch thường có mức giá thấp và tăng lên ở những tháng giữa năm) là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp và hộ tư nhân thu mua tạm trữ cà phê kiếm lời. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này nếu không nắm bắt thời điểm mua - bán và việc bảo quản cà phê thiếu hợp lý cũng dễ trở thành “dao hai lưỡi”…

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của ông Lê Thành Được, ngụ ấp Mỹ Lương, thị trấn Phú Mỹ là một trong 5 mô hình được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chọn làm thí điểm. Trên diện tích 324m2, nhà trồng rau được trang bị hệ thống phun tưới tự động, lên liếp trồng cải xanh và cải ngọt.