Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Phòng chống thiên tai cho ngư dân có thiết bị vẫn thiếu thông tin

Phòng chống thiên tai cho ngư dân có thiết bị vẫn thiếu thông tin
Tác giả: MỸ HOA
Ngày đăng: 21/06/2016

Kết nối sợ “lộ” ngư trường

Đó là lý giải của ngư dân về việc tháo các thiết bị kết nối vệ tinh Movimar hay trạm bờ mỗi khi ra khơi đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi: “Đã có ngư dân nào bị lộ ngư trường khi sử dụng các loại thiết bị trên chưa”? Tất thảy câu trả lời đều là “chưa biết, chỉ nghe... đồn vậy thôi!”. Chỉ vì tin đồn mà ngư dân vội vàng chối bỏ các phương tiện được xem là “bùa hộ mệnh” của mình khi lênh đênh trên biển.

Ngư dân Võ Ngọc Tuấn ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) tâm sự rằng, vào cuối năm 2013 được Nhà nước hỗ trợ gắn thiết bị kết nối vệ tinh Movimar cho tàu cá, nhưng chỉ sau vài tháng sử dụng, nghe tin đồn “dùng Movimar sẽ bị lộ điểm khai thác cá”, lại thêm thiết bị kềnh càng, tốn điện nên tôi đã tháo cất. Tuy nhiên, sau một lần “mắt thấy, tai nghe” tàu của anh Phạm Tấn Vân được cứu nạn kịp thời nhờ thiết bị vệ tinh Movimar, tôi mới tin tưởng và tái sử dụng thiết bị này.

Dù vậy, không có nhiều ngư dân thay đổi suy nghĩ như anh Vân. Theo thống kê của Cục Kiểm ngư, trong số 1.284 tàu cá đánh bắt xa bờ của Quảng Ngãi có lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh Movimar, trạm bờ, thì hiện chỉ có khoảng 1/3 tàu thường xuyên sử dụng các thiết bị này mỗi khi ra khơi đánh bắt. “Điều này không chỉ khiến cơ quan chuyên môn gặp khó khăn trong việc theo dõi, nắm bắt hoạt động của ngư dân, mà ngư dân còn dễ gặp rủi ro, vì không tiếp nhận kịp thời thông tin thời tiết để chủ động tìm nơi tránh trú”, ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho hay.

Cần xem xét điều chỉnh

Liên quan đến việc ngư dân lo lắng các thiết bị kết nối vệ tinh và trạm bờ sẽ làm lộ ngư trường đánh bắt, ông Hà Lê khẳng định: “Các thiết bị này chỉ giúp Cục Kiểm ngư quan sát toàn bộ ngư trường, không có chức năng thông báo cụ thể cho từng ngư dân nên không có chuyện bị lộ ngư trường. Khi sử dụng chúng, ngư dân chỉ có lợi”. Hơn nữa, ngoài việc liên lạc, thiết bị này còn có chức năng vô cùng quan trọng là cung cấp cho ngư dân những bản tin thời tiết chính thống và tiếp nhận thông tin cứu hộ, cứu nạn.

Theo thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Trung ương, khi xảy ra mưa bão, tàu Quảng Ngãi khó nhận – báo thông tin nhất, vì địa bàn hoạt động rộng, lại “bặt vô âm tín”. Vì vậy, việc thông báo, tìm kiếm nhiều lúc phải thực hiện với từng con tàu. Hiệu quả của công tác cứu hộ, cứu nạn vì thế rất thấp, tính rủi ro cao. Đặc biệt, ở một số vùng biển xa như khu vực đông bắc Hoàng Sa, tàu cứu hộ cứu nạn khó tiếp cận nên nếu ngư dân không phát tín hiệu kịp thời khi gặp nạn, sẽ xảy ra những thiệt hại đáng tiếc.

Xảy ra tình trạng “có thiết bị, vẫn thiếu thông tin” như trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, một phần do ngư dân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của các thiết bị kết nối vệ tinh, trạm bờ; phần nữa do cơ quan quản lý địa phương lỏng lẻo, không kiểm tra chặt chẽ phương tiện, thiết bị thông tin liên lạc có trên tàu trước khi hoàn tất thủ tục xuất bến.

Do đó, “cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân, Cục Kiểm ngư cần khẩn trương kiểm tra và điều chỉnh quy định lắp đặt, sử dụng phương tiện, thiết bị kết nối vệ tinh và trạm bờ trên tàu cá sao cho vừa bảo mật thông tin, vừa đảm bảo an toàn khai thác”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu.

Ngoài việc tăng cường nguồn lực, phương tiện phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn trên biển thì sắp tới, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Trung ương sẽ tích hợp một tổng đài duy nhất là 112 nhằm tiếp nhận thông tin và hỗ trợ khẩn cấp trên toàn quốc. Điều này sẽ giúp người dân, đặc biệt là ngư dân, dễ dàng thông báo hỗ trợ đến cơ quan chức năng thay vì phải gọi cho 3 tổng đài là 113, 114 và 115 như trước.


Có thể bạn quan tâm

Đánh thức tiềm năng cá tra Đánh thức tiềm năng cá tra

Cùng với Đồng Tháp, An Giang được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra – loài cá gần như là đặc quyền của ĐBSCL, được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng bởi phẩm chất thịt thơm ngon, nhiều dinh dưỡng, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, để lợi thế này được phát huy, cần phải thay đổi nhiều thứ.

21/06/2016
Quảng Ngãi suy kiệt nguồn nước ngầm vì nuôi tôm trên cát Quảng Ngãi suy kiệt nguồn nước ngầm vì nuôi tôm trên cát

Nuôi tôm trên cát đang lặng lẽ hút trọn nguồn nước ngầm quý giá của các xã ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, thậm chí nhiều hộ nuôi tôm còn lén lút khoan giếng trong rừng phòng hộ ven biển để lấy nước ngọt pha với nước biển để nuôi tôm.

21/06/2016
Kết quả mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển tại các xã nông thôn mới Kết quả mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển tại các xã nông thôn mới

Trung Khuyến nông Quốc gia là đơn vị chủ trì triển khai dự án “Xây dưng dựng mô hình nuôi kết hợp ốc hương, tôm sú với hải sâm và rong biển cho các tỉnh ven biển miền Trung” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Dự án án đã chọn 2 xã nông thôn mới để xây dựng mô hình là: xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa và phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

21/06/2016