Phòng chống bệnh liên cầu khuẩn heo để bảo vệ đàn vật nuôi và sức khỏe con người
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 04 người bị nhiễm bệnh Liên cầu khuẩn heo (Streptoccocus suis) và mới đây nhất, ngày 23/02/2018 một bệnh nhân tại thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc đã tử vong do nhiễm bệnh Liên cầu khuẩn heo qua các vết xước trên da tay.
Trên địa bàn tỉnh, bệnh Liên cầu khuẩn heo đã lây sang người và làm chết người và đã làm phát sinh tâm lý hoang mang lo lắng, tẩy chay thịt heo hoặc không dám tiếp xúc với heo vì sợ lây bệnh. Vậy bệnh Liên cầu khuẩn ở heo là gì ? Biện pháp phòng chống bệnh Liên cầu khuẩn để bảo vệ đàn vật nuôi và sức khỏe con người như thế nào ? Bài viết này hy vọng sẽ đem đến cho quí bạn đọc một số kiến thức cơ bản nhất về những vấn đề trên.
1. Bệnh Liên cầu khuẩn ở heo là gì ?
Bệnh Liên cầu khuẩn heo Streptoccocus suis (Str. Suis) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn gram (+) Streptococcus gây nên. Đây là bệnh truyền lây giữa động vật và người.
Vi khuẩn tồn tại ở heo khỏe (trong máu, hạch amiđan, nội tạng, nhất là đường sinh dục của heo nái) và có thể phát bệnh nếu như có sự thay đổi về môi trường, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển heo, đặc biệt khi heo bị bệnh tai xanh cấp tính làm suy giảm miễn dịch sẽ phát bệnh.
Đặc trưng lâm sàng của bệnh là nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm khớp và viêm phế quản phổi. Có hai típ gây bệnh là Str. suis típ 1 và Str. suis típ 2, riêng Str. suis típ 2 có khả năng gây bệnh cho người. Gần đây, bệnh hay xảy ra ở heo sau cai sữa chăn nuôi tập trung với mật độ cao. Nhiều trường hợp bệnh xảy ra đối với heo sau cai sữa và heo thịt do liên quan đến yếu tố stress như vận chuyển, xáo trộn đàn, mật độ quá cao và không đủ thông gió.
Bệnh xảy ra ở hầu hết các nước có chăn nuôi heo trên thế giới. Vi khuẩn Str.suis có thể tồn tại lâu trong phân, nước, rác; có thể sống trong phân ở nhiệt độ 00C tới 104 ngày, ở 90C trong 10 ngày, ở 220C đến 250C trong 8 ngày. Vi khuẩn bị vô hoạt nhanh chóng bằng các thuốc sát trùng dùng phổ biến trong chăn nuôi. Vi khuẩn có thể sống trong xác heo chết ở 400C trong 6 tuần.
2. Những biểu hiện khi heo bị bệnh Liên cầu khuẩn ?
Rất khó nhận biết khi heo bị bệnh Liên cầu khuẩn, nhất là khi có hiện tượng kế phát, bội nhiễm của một số bệnh khác. Heo mắc bệnh thường có triệu chứng sốt cao 40 – 41,5 oC, ủ rũ, biếng ăn, có biểu hiện thần kinh như run rẩy, đi đứng không vững, xiêu vẹo, chân đạp bơi chèo rồi chết. Ở heo con có thể bị chết đột ngột. Những triệu chứng này rất giống với heo bị bệnh E.coli.
Chẩn đoán bệnh: chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, mổ khám bệnh tích và phân lập vi khuẩn Str. suis.
3. Đường truyền lây bệnh Liên cầu khuẩn trên heo ?
Bệnh lây lan trong đàn do tiếp xúc giữa lợn khỏe và lợn bệnh. Lợn mẹ bị bệnh truyền sang con. Bệnh còn có thể lây qua đường hô hấp. Ngoài ra bệnh còn có thể lây truyền qua dụng cụ chăn nuôi, dụng cụ thú y (kim tiêm; kìm bấm răng; dao, kéo khi thiến hoạn) và một số nhân tố trung gian như ruồi, chó, mèo, chuột và một số loài chim (vi khuẩn Str. Suis có thể sống trong cơ thể ruồi tới 5 ngày)
4. Biện pháp phòng chống bệnh Liên cầu khuẩn cho heo
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh Liên cầu khuẩn cho heo. Do đó để chủ động phòng, chống bệnh có hiệu quả, không để dịch bệnh xảy ra trên đàn heo, lây lan sang người ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh này như sau:
- Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (chọn con giống rõ nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch; nuôi cách ly theo dõi tối thiểu 3 tuần; thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại thường xuyên bằng các loại hóa chất như: NaOH 3%, Formol 3%, Cresyl 3 – 5%, nước vôi 10%, vôi bột; có biện pháp ngăn chặn không cho một số nhân tố trung gian như ruồi, chim…tiếp xúc với đàn heo); tăng cường công tác chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý đàn;
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, nhất là vắc xin tai xanh cho heo theo hướng dẫn của cơ quan thú y;
- Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, khi phát hiện có heo mắc bệnh khác thường, có triệu chứng của bệnh Liên cầu khuẩn nói ở trên, cần báo ngay cho cơ quan Thú y điều tra ổ dịch và lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh;
- Điều trị bệnh: có thể sử dụng các loại kháng sinh như: Họ Beta lactam (Penicillin G, Ampicilline, Amocillin, Cephalosporin...); họ Aminosides (Kanamycin, Streptomycin…); họ Quinolon (Norfloxacin, Enrofloxacin…). Kết hợp dùng thuốc hạ sốt như Anazyl, thuốc trợ sức trợ lực như vitamin C, Bcomlex…
- Khi phát hiện heo bị bệnh Liên cầu khuẩn trong đàn, phải dừng ngay việc thiến hoạn, cắt răng nanh cho heo con trong khoảng 3-5 ngày. Khi thực hiện các thao tác trên phải sát trùng thật kỹ vết mổ bằng cồn I ốt và luộc sôi (hoặc hấp) kỹ dụng cụ phẫu thuật.
5. Biện pháp phòng bệnh Liên cầu khuẩn từ heo lây sang người ?
Liên cầu khuẩn Str. suis có thể gây bệnh cho người làm người bệnh sốt cao, viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp, dễ gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một trong các hậu quả của nhiễm bệnh do Str. suis là thường dẫn đến khiếm thính do bị viêm não. Độc tố của vi khuẩn gây hiên tượng Shock có thể làm chết người.
Các báo cáo kết quả điều tra dịch tễ cho thấy các trường hợp heo bệnh lây truyền sang người chủ yếu qua đường tiêu hoá (ăn tiết canh; lòng, dồi trường chưa chín) hoặc qua các vết thương ở da.
Vì vậy, để phòng bệnh liên cầu khuẩn từ heo lây sang người thì mọi người cần thực hiện các biện pháp sau:
- Bệnh lây từ heo sang người qua đường tiêu hoá:
+ Không mua, bán heo bệnh, không ăn thịt heo sống (nem), không ăn tiết canh, nội tạng heo chưa nấu chín (nhất là dồi trường), không ăn thịt heo ốm, chết, không rõ nguồn gốc;
+ Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt heo đã được cơ quan thú y kiểm dịch.
- Bệnh lây từ heo sang người qua các vết thương ở da:
+ Những người có tổn thương ở tay, chân, bệnh ngoài da không được vào chuồng nuôi dưỡng, chăm sóc heo, vệ sinh chuồng trại; không được tham gia giết mổ, chế biến thịt heo, đặc biệt không được tham gia mổ khám và tiêu huỷ heo bệnh;
+ Khi chăm sóc, điều trị, giết mổ, mổ khám và tiêu huỷ heo bệnh phải có trang bị bảo hộ (như găng tay, khẩu trang…) và rửa kỹ chân, tay bằng nước xà phòng đề phòng bệnh lây sang người;
- Những người có liên quan tới việc chăm sóc, vận chuyển, giết mổ, điều trị heo bệnh; chế biến thị heo; ăn tiết canh, lòng, dồi trường…khi thấy người mệt mỏi, sốt cao, buồn nôn, nhức đầu….cần tới ngay cơ sở y tế để khám chữa kịp thời đề phòng bệnh lây truyền sang người./.
Có thể bạn quan tâm
Dịch tiêu chảy cấp hoặc PED là bệnh truyền nhiễm trên heo nguyên do virus gây ra (PEDV). PEDV được phân loại là RNA virus thuộc nhóm 1 chủng Corona
Hạt cải dầu và cây cải dầu là những cây hạt có dầu phổ biến và phụ phẩm từ loại cây trồng này đang được tăng cường tận dụng trong chế độ ăn cho gia súc
Đường tiêu hóa (ĐTH) của heo con là một môi trường rất phức tạp. Cần phải đảm bảo cho đường tiêu hóa của heo con hấp thu được các chất dinh dưỡng